| Hotline: 0983.970.780

Sở NN-MT Đắk Lắk hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy

Thứ Tư 16/07/2025 , 19:43 (GMT+7)

Hơn 2 tuần sau khi sáp nhập và thực hiện mô hình chính quyền 2 cấp, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đắk Lắk đã hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy.

Hoàn thành công tác sắp xếp

Sở Nông nghiệp và Môi trường (NN-MT) tỉnh Đắk Lắk cho biết, để thực hiện công tác sắp xếp, sáp nhập và tổ chức lại bộ máy, lãnh đạo Sở đã tập trung chỉ đạo triển khai đầy đủ các nhiệm vụ cấp trên giao, phối hợp chặt chẽ xây dựng đề án sáp nhập 2 Sở NN-MT tỉnh Đắk Lắk - Phú Yên. Cùng với đó, Sở cùng các phòng, đơn vị trực thuộc đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn theo chương trình công tác năm và các nhiệm vụ đột xuất. Kết quả đến nay đã hoàn thành công tác sắp xếp theo chủ trương của Trung ương và tỉnh. 

Giám đốc Sở NN-MT tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Minh Huấn phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Khánh Toàn.

Giám đốc Sở NN-MT tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Minh Huấn phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Khánh Toàn.

Sau khi hợp nhất, sắp xếp tổ chức lại, Sở NN-MT tỉnh Đắk Lắk (mới) có 14 tổ chức hành chính, giảm 11 đơn vị, đạt tỷ lệ giảm 44%; 19 đơn vị sự nghiệp, giảm 10 đơn vị, đạt tỷ lệ 34,4% và 1 Văn phòng Điều phối nông thôn mới; giảm 1 đơn vị, đạt tỷ lệ giảm 50%, đảm bảo tỷ lệ theo quy định. Trong đó có 15 đơn vị (9 Chi cục và 6 đơn vị sự nghiệp) được thành lập trên cơ sở hợp nhất, tổ chức lại từ các tổ chức, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ tương đồng.

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới sau hợp nhất, Giám đốc Sở NN-MT tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Minh Huấn đã quán triệt lãnh đạo, công chức, viên chức cần thay đổi mạnh mẽ tư duy trong công việc, thay đổi lối mòn trong xử lý công việc thiếu hiệu quả để đổi mới làm việc thiết thực, hiệu quả hơn. Cùng với đó, công chức, viên chức cần tự trau dồi, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm trong kỷ nguyên mới, nhiệm vụ mới.

Đối với hai nhiệm vụ quan trọng hiện nay là “cải cách hành chính” và “khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” đang được Chính phủ và các bộ, ngành quyết liệt triển khai, Giám đốc Sở NN-MT tỉnh Đắk Lắk yêu cầu các phòng, đơn vị phải chỉ đạo sát sao thực hiện với mục đích xây dựng chính quyền đổi mới, sáng tạo phục vụ nhân dân.

Các đơn vị đã “vào guồng”

Tại Chi cục Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Đức Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết: Sau khi hợp nhất, được sự hỗ trợ của Sở NN-MT và tập thể lãnh đạo, công chức, người lao động, trụ sở Chi cục đã được sửa sang nhanh chóng để đưa vào sử dụng. Toàn bộ công chức, người lao động thuộc biên chế của đơn vị đã có mặt ngay từ những buổi đầu để tiếp cận với vị trí công việc do lãnh đạo sắp xếp, bố trí.

Đồng chí Nguyễn Đức Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết: Tính đến ngày 14/7/2025, toàn tỉnh đã triển khai hỗ trợ xây mới và sửa chữa được 8.471/9.493 căn nhà, đạt tỷ lệ 89,23% so với kế hoạch. Ảnh: Khánh Toàn.

Đồng chí Nguyễn Đức Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết: Tính đến ngày 14/7/2025, toàn tỉnh đã triển khai hỗ trợ xây mới và sửa chữa được 8.471/9.493 căn nhà, đạt tỷ lệ 89,23% so với kế hoạch. Ảnh: Khánh Toàn.

Về nhiệm vụ xóa nhà tạm, nhà dột nát, theo ông Nguyễn Đức Thắng, tính đến ngày 14/7/2025, toàn tỉnh đã triển khai hỗ trợ xây mới và sửa chữa được 8.471/9.493 căn nhà, đạt tỷ lệ 89,23% so với kế hoạch. Cụ thể: Nhà ở cho người có công với cách mạng là 607/643 căn, đạt tỷ lệ 94,40%; nhà ở Chương trình mục tiêu quốc gia theo Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ là 726/818 căn, đạt tỷ lệ 88,75%; nhà ở Chương trình mục tiêu quốc gia theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ là 549/1.021 căn, đạt tỷ lệ 53,77%; nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc Chương trình phát động xóa nhà tạm, nhà dột nát là 6.589/7.011 căn, đạt tỷ lệ 93,98%.

Đối với lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật, ông Nguyễn Hắc Hiển, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: Tiêu chuẩn châu Âu đối với nông sản Việt Nam ngày càng khắt khe, tập trung vào các vấn đề an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và bền vững. Các tiêu chuẩn này bao gồm quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm dịch thực vật, và các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Theo ông Nguyễn Hắc Hiển, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, tiêu chuẩn châu Âu đối với nông sản Việt Nam ngày càng khắt khe, tập trung vào các vấn đề an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và bền vững. Ảnh: Khánh Toàn.

Theo ông Nguyễn Hắc Hiển, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, tiêu chuẩn châu Âu đối với nông sản Việt Nam ngày càng khắt khe, tập trung vào các vấn đề an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và bền vững. Ảnh: Khánh Toàn.

Để xuất khẩu thành công vào EU, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tìm hiểu và đáp ứng các tiêu chuẩn này, bao gồm cả việc áp dụng các biện pháp kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Đối với nội dung này, sau hợp nhất, Chi cục Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cũng đang tiếp tục tham mưu triển khai để nông sản của tỉnh đáp ứng được các tiêu chuẩn phục vụ xuất khẩu.

Tại Chi cục Thủy sản và Biển đảo, theo Chi cục trưởng Đào Quang Minh, hiện Chi cục đang quản lý hơn 2.900 tàu đánh bắt cá của ngư dân trên biển. Hiện nay, Chi cục đang siết chặt quản lý khai thác của các tàu cá đánh bắt xa bờ bằng thiết bị giám sát hành trình (VMS) lắp đặt trên tàu cá và kiểm tra thủy sản đánh bắt tại các cảng cá nhằm thực hiện chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Đồng chí Đào Quang Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản và Biển đảo phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Khánh Toàn.

Đồng chí Đào Quang Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản và Biển đảo phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Khánh Toàn.

Sắp tới Ủy ban châu Âu (EC) sẽ chọn ngẫu nhiên các tỉnh để kiểm tra việc thực hiện và cam kết của Việt Nam để gỡ bỏ “thẻ vàng”, Chi cục sẽ triển khai quyết liệt đồng bộ nhiều giải pháp để tham mưu Sở Nông nghiệp và Môi trường, UBND tỉnh Đắk Lắk. Tuy nhiên, theo Chi cục trưởng Đào Quang Minh thì điều này còn phụ thuộc rất lớn vào ý thức của ngư dân.

Đến thời điểm hiện tại, công tác sắp xếp tổ chức bộ máy tại Sở NN-MT tỉnh Đắk Lắk đã hoàn thành, các đơn vị trực thuộc đã hoạt động thuận lợi. Tuy nhiên, việc kiện toàn bộ máy bên trong các đơn vị và kịch bản phát triển của từng đơn vị vẫn cần phải có thêm thời gian để hoàn thiện.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Huấn, Giám đốc Sở NN-MT tỉnh Đắk Lắk đề nghị các đơn vị phải chủ động xây dựng kịch bản tăng trưởng của đơn vị mình trong kịch bản tăng trưởng chung của Sở sau khi hợp nhất. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Phòng Tổ chức cán bộ trong việc tham mưu đề xuất kiện toàn bộ máy bên trong các đơn vị.

Xem thêm
Thủ tướng cho ý kiến về hai dự án luật quan trọng

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp Thường trực Chính phủ, cho ý kiến về Luật Phòng chống ma túy, Luật Thương mại điện tử và một số đề án trọng điểm.

Bình luận mới nhất