| Hotline: 0983.970.780

Nguy cơ sạt lở đất sau mưa lớn do bão số 3 tại Bắc Trung bộ

Thứ Tư 23/07/2025 , 13:22 (GMT+7)

Bão số 3 gây mưa lớn, gia tăng nguy cơ sạt lở đất và lũ quét tại các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, đặc biệt các khu vực phía tây.

Trước diễn biến phức tạp của bão số 3 (bão Wipha), nhiều khu vực ở Bắc Trung bộ, đặc biệt miền núi và trung du ở Nghệ An - Thanh Hóa đang đối mặt với nguy cơ sạt lở đất và lũ quét nghiêm trọng. Phóng viên đã có cuộc trao đổi nhanh với TS. Trịnh Hải Sơn - Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) để làm rõ tình hình.

TS. Trịnh Hải Sơn - Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho rằng cần đầu tư cho các công trình phòng chống, chắn trượt lở đất dạng sinh thái. Ảnh: Mai Đan.

TS. Trịnh Hải Sơn - Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho rằng cần đầu tư cho các công trình phòng chống, chắn trượt lở đất dạng sinh thái. Ảnh: Mai Đan.

Thưa ông, Viện đánh giá như thế nào về ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 đến khu vực Bắc Trung bộ, đặc biệt là Nghệ An và Thanh Hóa?

Bão số 3 (bão Wipha) dù đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới nhưng vẫn gây ra lượng mưa rất lớn, tập trung trong thời gian ngắn. Tại nhiều nơi ở Nghệ An và Thanh Hóa, lượng mưa đo được từ 19h ngày 20/7 đến 7h ngày 23/7 từ 200-350 mm. Đây là yếu tố cực kỳ nguy hiểm đối với các vùng có địa hình đồi núi, nền đất yếu (dễ bị biến dạng, lún, khả năng chịu tải kém) hoặc đất bị phong hóa mạnh (bị phân hủy, dễ bị xói mòn), quá trình xâm thực, xói mòn, trượt lở đất diễn ra mạnh mẽ.

Mưa lớn và kéo dài làm cho nước ngấm sâu vào lòng đất, gia tăng đáng kể độ ẩm của đất. Khi đất đạt đến trạng thái bão hòa nước, các liên kết trong đất bị suy yếu, khiến đất mất đi sự ổn định về cấu trúc, đặc biệt là trên các sườn dốc. Hệ quả là hiện tượng trượt sạt đất xảy ra, đặc biệt nguy hiểm tại các vị trí như mái taluy đường, taluy sau nhà dân, khu dân cư ven suối, hoặc các khu vực xây dựng, khai thác không được gia cố đúng kỹ thuật.

Khu vực nào hiện nay đang được cảnh báo có nguy cơ sạt lở, lũ quét cao, thưa ông?

Theo các bản đồ phân vùng nguy cơ trượt lở đất đá đã được Viện xây dựng, nhiều huyện miền núi (cũ) như Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông (phía tây tỉnh Nghệ An) và Quan Hóa, Mường Lát (phía tây tỉnh Thanh Hóa) đang nằm trong vùng có nguy cơ rất cao. Những khu vực này có đặc điểm địa hình dốc, lớp phủ kém, đất đá bở rời, kết hợp với mạng lưới sông suối dày, khi mưa lớn kéo dài rất dễ gây trượt, sạt đất đá.

Đặc biệt, tại một số xã như Tam Thái (huyện Tương Dương cũ) hoặc Pù Nhi (huyện Mường Lát cũ), năm 2023 đã từng xảy ra các vụ sạt lở nghiêm trọng khiến nhà dân bị cuốn trôi, vùi lấp. Những nơi này hiện vẫn chưa được gia cố đầy đủ, do đó, nguy cơ tái diễn trong đợt mưa này là rất cao.

Trong bối cảnh đó, Viện đang triển khai các biện pháp gì để hỗ trợ địa phương trong phòng tránh thiên tai, xin Viện trưởng chia sẻ?

Chúng tôi đã cung cấp bản đồ phân vùng nguy cơ sạt lở đất đá cấp huyện (tỷ lệ 1:50.000) và một số xã trọng điểm (tỷ lệ 1:10.000) cho các tỉnh miền núi. Những bản đồ này được xây dựng trên cơ sở phân tích địa chất, địa chất thủy văn, địa chất công trình, địa hình địa mạo, vỏ phong hóa và lịch sử thiên tai.

Chúng tôi cũng đã và đang phối hợp với Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia (Cục Khí tượng Thủy văn) để tích hợp dữ liệu mưa thực tế theo thời gian thực, nhằm cập nhật liên tục những vùng nguy cơ cao, rất cao để đưa tin cảnh báo nguy cơ kịp thời tới người dân.

Chính quyền và người dân xã Mường Xén, tỉnh Nghệ An khẳng định đây là trận lũ lịch sử. Ảnh: Cơ sở cung cấp.

Chính quyền và người dân xã Mường Xén, tỉnh Nghệ An khẳng định đây là trận lũ lịch sử. Ảnh: Cơ sở cung cấp.

Ngoài ra, Viện đang đề xuất kết hợp với một số tỉnh để triển khai trạm quan trắc vi sai độ nghiêng mái dốc, cảm biến rung chấn nền đất tại một số điểm xung yếu, trọng điểm. Đây là những công nghệ cảnh báo sớm đã được áp dụng thử nghiệm ở Sa Pa và Mù Căng Chải (Lào Cai), có thể phát hiện chuyển động đất nhỏ, cảnh báo sớm trước khi sạt lở xảy ra.

Thưa ông, người dân nên làm gì khi sống tại các khu vực có nguy cơ sạt lở?

Bên cạnh các tin cảnh báo từ chính quyền, người dân cần trang bị các kỹ năng phòng tránh sạt lở đất, quan sát các dấu hiệu bất thường như nứt đất, sụt đất, biến động địa hình làm cây nghiêng đổ, nước rỉ bất thường qua khe đất hoặc tiếng động lạ ban đêm. Nếu phát hiện, phải lập tức báo cáo chính quyền và sơ tán đến những vị trí an toàn đã được định trước.

Các lực lượng tại chỗ như dân quân, công an xã cần được tập huấn để sử dụng thiết bị giám sát tạm thời như máy đo độ ẩm đất, máy nghiêng mini hoặc camera theo dõi mái dốc - thiết bị không đắt tiền nhưng có thể giúp ra quyết định sơ tán sớm.

Xin ông cho biết, về lâu dài, cần có biện pháp gì để giảm thiểu rủi ro từ sạt lở đất?

Trước hết, cần tích hợp bản đồ nguy cơ sạt lở vào quy hoạch xây dựng nông thôn, tránh tình trạng xây nhà ở nơi đã được xác định có nguy cơ cao. Địa phương cũng cần kiểm soát chặt chẽ hoạt động san gạt đất, mở đường mới, chặn dòng chảy tự nhiên, vì đây là nguyên nhân tiềm ẩn gây bất ổn địa chất.

Ngoài ra, cần đầu tư cho các công trình phòng chống, chắn trượt lở đất dạng sinh thái, ví dụ như bê tông đan kết với lớp phủ cỏ hoặc cây bụi bản địa, nhằm gia cố mái dốc mà vẫn giữ được thẩm mỹ và sinh thái. Việc lắp đặt hệ thống cảnh báo trượt lở theo thời gian thực cũng là bước đi khuyến cáo bắt buộc trong giai đoạn tới.

Với lượng mưa vẫn có khả năng tiếp diễn trong những ngày tới và nền đất đã bão hòa nước, nguy cơ sạt lở đất ở Nghệ An và Thanh Hóa, đặc biệt ở các khu vực phía tây là rất cao. Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản khuyến nghị các địa phương cần khoanh vùng sơ tán ngay từ sớm, thiết lập các trạm giám sát địa chất tạm thời và kiểm tra an toàn đê điều, hồ đập nhỏ, nơi rất dễ bị tổn thương sau bão.

Thiên tai không thể ngăn chặn, nhưng rủi ro hoàn toàn có thể giảm thiểu nếu có dữ liệu đầy đủ và hành động kịp thời.

Trân trọng cảm ơn ông!

(thực hiện)

Xem thêm

Bình luận mới nhất