Nguy cơ cao sạt lở, sét đánh ở vùng núi
Theo đánh giá của Chi cục Thủy lợi tỉnh Tuyên Quang, một số khu vực như phường Minh Xuân và các xã dọc quốc lộ 2, quốc lộ 2C có địa hình đồi núi thoải, độ dốc không lớn. Với đặc điểm này, khi xuất hiện lượng mưa lớn trong thời gian ngắn, khu vực rất dễ xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ. Nước mưa khó thoát kịp do địa hình thấp và khả năng tiêu thoát kém, khiến nhà cửa, hoa màu và hạ tầng có nguy cơ bị ảnh hưởng nếu không có biện pháp ứng phó từ sớm.
Ngược lại, tại các địa bàn có địa hình dốc hơn như phường Hà Giang 1, Hà Giang 2 và một số xã vùng núi phía Tây của tỉnh (thuộc tỉnh Hà Giang cũ) khả năng tiêu thoát nước nhanh hơn. Khi mưa lớn nhưng không kéo dài, tình trạng ngập úng ít xảy ra. Tuy nhiên, những khu vực này lại đối diện với nguy cơ sạt lở đất và sét đánh ở mức cao hơn rất nhiều.

Những năm gần đây, thiên tai đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản ở Tuyên Quang. Ảnh: Đào Thanh.
Đặc biệt, các xã như Xín Mần, Hoàng Su Phì thường xuyên ghi nhận hiện tượng lở núi sau các đợt mưa lớn kéo dài, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, tài sản của người dân. Mỗi năm, khu vực này đều ghi nhận thiệt hại về người và gia súc do sét đánh.
Việc thông tin đến người dân ngày càng được triển khai kịp thời và sâu rộng, đặc biệt ở các khu vực có nguy cơ cao như vùng núi phía Tây.
Ông Lê Anh Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Tuyên Quang cho biết, địa bàn của tỉnh rộng, địa hình, địa chất và đặc điểm thời tiết khác nhau giữa các khu vực. Vì vậy, việc phân vùng đặc điểm khí tượng thủy văn và xây dựng các giải pháp phòng, chống thiên tai sát với tình hình thực tế tại từng vùng là hết sức cần thiết, nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra.
Đưa ra khuyến cáo phù hợp cho từng địa phương
Thực tế cho thấy, cùng một lượng mưa 140mm, nhưng tác động tại mỗi vùng là khác nhau. Ở các xã vùng thấp, mối lo chính là ngập úng, trong khi ở vùng núi dốc, đó lại là sạt lở đất và sét đánh. Chính sự khác biệt này là cơ sở để ngành chức năng tỉnh Tuyên Quang chủ động phân tích, dự báo và đưa ra các khuyến cáo phù hợp cho từng địa phương khi thời tiết cực đoan xảy ra. Khi nhận định có khả năng xảy ra thiên tai, đơn vị sẽ chủ động phối hợp với các địa phương, phát đi cảnh báo sớm để người dân chuẩn bị các phương án ứng phó.

Sạt lở đất do mưa lớn kéo dài khiến người dân Tuyên Quang bị ảnh hưởng nặng nề do thiên tai gây ra. Ảnh: Đào Thanh.
Tại một số xã hợp nhất sau sắp xếp đơn vị hành chính, công tác phòng, chống thiên tai còn đối mặt với nhiều khó khăn. Đây là những địa phương mới hình thành, dù chính quyền địa phương đã chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa, như kiểm tra các điểm xung yếu, bố trí lực lượng ứng trực, tuyên truyền người dân nâng cao ý thức, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế.
Ông Lê Xuân Hướng, Chủ tịch UBND xã Phú Linh, tỉnh Tuyên Quang cho biết, do chính quyền mới đi vào hoạt động nên lực lượng chuyên môn còn thiếu kinh nghiệm, việc xử lý các tình huống thiên tai, hỏa hoạn đột xuất vẫn gặp nhiều lúng túng. Tuy vậy, xã đã chủ động xây dựng các phương án dự phòng, đặc biệt là phát huy hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”.
Đồng thời, địa phương cũng theo dõi sát diễn biến thời tiết, nắm chắc đặc điểm khí hậu, địa chất để kịp thời cảnh báo, hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra.