Cảnh báo sớm để giảm rủi ro
Những năm gần đây, thời tiết diễn biến cực đoan, xảy ra lũ ống, lũ quét, gây sạt lở, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người dân và tài sản trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Trước thực tế này, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của các địa phương đã tăng cường kiểm tra, giám sát những điểm có nguy cơ sạt lở; đồng thời, đưa ra cảnh báo sớm giúp người dân an toàn.

Sạt lở quốc lộ 4D từ Lai Châu đi Lào Cai gây ảnh hưởng giao thông và làm 1 người thiệt mạng. Ảnh: H.Đ.
Ông Nguyễn Cảnh Đức, Trưởng phòng Kinh tế xã Sì Lờ Lầu (Lai Châu) chia sẻ, những ngày thời tiết mưa gió, chúng tôi tập trung chỉ đạo bà con nhân dân không đi đến các khu vực có nguy cơ sạt lở; đồng thời di chuyển người dân ra khỏi vùng không an toàn. Đặc biệt, khi mưa bão, bà con không sản xuất nông nghiệp và ngủ lại tại đồi núi cao theo thói quen. Ngoài ra, khuyến cáo người dân tránh sông suối khi mưa lũ nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản.
Khoảng 2 tháng nay, tại Lai Châu xuất hiện nhiều đợt mưa kéo dài dẫn đến tình trạng đất, đá trên các đồi cao ngấm no nước, nguy cơ xảy ra trượt, sạt là rất lớn.
Trước tình hình đó, Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của các xã, phường trên địa bàn tỉnh Lai Châu cắt cử cán bộ trực tiếp xuống các địa bàn. Tại các điểm có nguy cơ sạt lở, tuyến giao thông huyết mạch được đặt cảnh báo, chăng dây khoanh vùng, đẩy mạnh tuyên truyền và hướng dẫn nhân dân chủ động trong phòng chống thiên tai...
Tuy vậy, theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Lai Châu, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 7 đợt thiên tai và 1 sự cố sạt lở đất, đá làm 7 người chết, 6 người bị thương, 673 nhà dân bị ảnh hưởng và thiệt hại nhiều công trình xây dựng, thủy lợi, trường học. Ngoài ra, thiên tai đã khiến 215 ha hoa màu bị hư hỏng và làm nhiều vật nuôi, gia súc bị chết hoặc bị cuốn trôi.
Do đó, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lai Châu, trong đó Sở Nông nghiệp và Môi trường là thành viên, đã đốc thúc các đơn vị, địa phương chủ động ứng phó với tình hình mưa lũ; tổ chức trực ban 24/24, khi có mưa lớn xảy ra triển khai các phương án ứng phó kịp thời nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra; khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ để giúp nhân dân sớm ổn định cuộc sống…

Tại Lai Châu, sạt lở cũng là một trong những "điểm nghẽn" khiến cho việc giao thương của người dân gặp nhiều khó khăn. Ảnh: H.Đ.
Không lơ là, chủ quan khi ứng phó thiên tai
Với việc tuyên truyền của chính quyền địa phương cũng như thấy được sự nguy hiểm của mưa, lũ nên người dân tại các xã vùng cao đều hiểu và chấp hành tốt công tác phòng chống thiên tai.
Tại các khu vực nguy cơ cao về sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, người dân chủ động di chuyển nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản. Đặc biệt, bà con không lên các nương đồi để thu hoạch sản phẩm nông nghiệp và vớt củi trên các sông, suối… khi diễn biến thời tiết bất thường.
Bà Tẩn Thị Liên ở bản Sòn Thầu, xã Phong Thổ cho hay, nhà tôi chủ yếu làm nông nghiệp, nương ở trên đồi chủ yếu trồng khoai sọ với sắn. Mấy hôm trời mưa nhiều, tôi chỉ ở nhà và trông con. Khi nào hết mưa thì mới lên nương đồi làm, thế mới đảm bảo an toàn tính mạng cho bản thân.
Việc chủ quan, thiếu chuẩn bị và không tuân thủ các biện pháp phòng tránh thiên tai sẽ gây ra những hậu quả nặng nề về người và của, làm chậm trễ sự phát triển kinh tế, gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và đời sống xã hội và thực tế đã có nhiều bài học đau xót.
Chính vì vậy, không chỉ những xã vùng cao, những địa bàn hiểm trở, mà ngay cả những phường trung tâm của tỉnh Lai Châu người dân cũng cần được nâng cao nhận thức về phòng chống thiên tai.
Ông Lê Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Phong cho biết, trên cơ sở mùa mưa bão đang tới và diễn biến phức tạp, chúng tôi cũng tập trung nhiều lực lượng tuyên truyền để bà con phòng tránh các nguy cơ; đồng thời chỉ đạo các phòng ban chuyên môn rà soát các điểm có nguy cơ sạt lở để có các giải pháp cụ thể.
Chủ động các phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, tỉnh Lai Châu tiếp tục phát huy tốt phương châm “4 tại chỗ”, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Lê Văn Lương, ngoài kế hoạch, phương án ứng phó với các tình huống thiên tai để tránh bị động thì phải phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng cho các Sở, ngành, địa phương; không được lơ là, chủ quan, thậm chí có biện pháp mạnh đối với những trường hợp không chấp hành…