| Hotline: 0983.970.780

Ứng phó thiên tai vùng cao cần có giải pháp lâu dài

Thứ Hai 21/07/2025 , 18:38 (GMT+7)

Sạt lở đất, lũ quét và ngập lụt cục bộ liên tiếp đã khiến một số điểm dân cư tại Lai Châu bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Sạt lở khiến nhiều hộ dân phải di dời

Từ đầu tháng 7 đến nay, trên địa bàn tỉnh Lai Châu liên tiếp xảy ra mưa lớn, kéo dài, khiến một số tuyến giao thông bị sạt lở, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi lại của người dân. Trong đó, sạt lở trên tuyến quốc lộ 4D (Lai Châu đi Lào Cai) đoạn qua xã Bình Lư đã làm một người tử vong.

Cũng khoảng thời gian này, tại xã Sìn Hồ có mưa vừa, mưa to, cục bộ. Tại bản Sìn Hồ Dao, xã Sìn Hồ xuất hiện nhiều vết nứt và sạt lở.

Quan sát bằng trực quan thì vết nứt lớn nhất có chiều dài 80 m, rộng 20-40 cm và sụt lún từ 0,3-1 m. Khu vực này có địa hình khá dốc (khoảng 20-25%), với tình trạng địa chất yếu và liên kết rời rạc thì nguy cơ đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản nhà ở của các hộ dân xung quanh là rất cao.

Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lai Châu cùng xã Sìn Hồ kiểm tra thực địa điểm sạt lở tại bản Sìn Hồ Dao. Ảnh: H.Đ.

Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lai Châu cùng xã Sìn Hồ kiểm tra thực địa điểm sạt lở tại bản Sìn Hồ Dao. Ảnh: H.Đ.

"Khu vực trên xuất hiện cung sạt, trượt gây ảnh hưởng trực tiếp đến 5 hộ nằm trong diện có nguy cơ rất cao, 11 hộ nằm trong diện có nguy cơ và các công trình hạ tầng trong khu vực. Ngoài ra, sân bê tông nhà văn hóa bản Sìn Hồ Dao bị sụt lún với chiều dài 4,5 m, chiều rộng 2 m; đất sụt hở móng nhà văn hóa có chiều dài khoảng 2 m...", ông Lê Bá Sơn, Chủ tịch UBND xã Sìn Hồ thông tin.

Sau khi nắm bắt tình hình, tổ công tác của xã Sìn Hồ đã trực tiếp kiểm tra thực địa, xác minh thiệt hại và tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp phòng tránh thiên tai theo phương châm “chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả”.

"Đối với 5 hộ dân đang sinh sống trên sườn dốc tại khu vực sạt lở bị ảnh hưởng trực tiếp, xã yêu cầu các hộ dân nghiêm túc di chuyển ngay ra khỏi vùng sạt lở. Các hộ gia đình nhất trí và tự di chuyển người và tài sản ra khỏi khu vực sạt lở đến nhà người thân ngay từ chiều ngày 5/7/2025. Các hộ gia đình chủ động di chuyển, không yêu cầu được hỗ trợ người, nhân lực và phương tiện để di chuyển", ông Lê Bá Sơn thông tin thêm.

Trước sự an nguy của những hộ dân, UBND xã Sìn Hồ cùng Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lai Châu làm việc tại thực địa để xem xét và đưa ra giải pháp khắc phục lâu dài, thực hiện di chuyển các hộ dân ra khỏi vùng sạt lở mất an toàn... 

Các vết nứt xuất hiện sau nhà dân, gây sạt lở đất đá ở bản Sìn Hồ Dao. Ảnh: H.Đ.

Các vết nứt xuất hiện sau nhà dân, gây sạt lở đất đá ở bản Sìn Hồ Dao. Ảnh: H.Đ.

Khó khăn bố trí đất cho người dân

Thực tế, Lai Châu là tỉnh miền núi, địa hình chia cắt mạnh, nên thường xuyên chịu tác động bất lợi của thiên tai gây sạt lở đất, gây hư hỏng đường sá, công trình, tài sản… Chỉ cách đây hơn 2 tháng, vụ sạt lở công trình thủy điện Tả Páo Hồ 1A đã làm 9 người thương vong. Chưa hết, tháng 9/2024, tại bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ xuất hiện vết nứt dài tới 200 m, sụt lún và hố cát tơ gây ảnh hưởng 19 hộ dân. 

Chính vì vậy, công tác chỉ đạo điều hành, ứng cứu, cứu trợ và khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn. 

Ông Vương Đức Lợi, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lai Châu nhìn nhận, việc cảnh báo mưa lớn cục bộ và nguy cơ sạt lở lũ quét chưa chi tiết do công nghệ dự báo còn hạn chế, nhất là hệ thống giám sát loại hình thiên tai lớn như gió lốc, mưa đá, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đá…

Trong khi, nguồn lực cho công tác di chuyển dân cư ra khỏi các vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất chưa được xã hội hóa. Thiếu quỹ đất ở và đất sản xuất mở rộng diện tích canh tác cho những điểm sắp xếp bố trí dân cư thực hiện rất khó khăn, đại đa số các hộ tái định cư đều sản xuất trên diện tích cũ của họ...

Chính quyền địa phương tuyên truyền để người dân bản Sìn Hồ Dao di dời đến nơi an toàn. Ảnh: H.Đ.

Chính quyền địa phương tuyên truyền để người dân bản Sìn Hồ Dao di dời đến nơi an toàn. Ảnh: H.Đ.

Để ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lai Châu đề nghị các địa phương tăng cường công tác tuần tra, phát hiện kịp thời sự cố và có biện pháp xử lý ngay từ đầu mùa mưa, đặc biệt các công trình thủy lợi, giao thông, nhà cửa, trường học, trạm y tế... Quản lý chặt chẽ việc khai thác tài nguyên trên các sông suối, việc xây dựng các công trình thủy điện, xây dựng các công trình có xả thải ven các sông suối để tránh gây sạt lở và cản trở dòng chảy tiêu thoát lũ.

Các địa phương theo dõi, cập nhật, thường xuyên thông tin dự báo, cảnh báo và diễn biến của mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, lũ trên các sông và sạt lở đất để hướng dẫn người dân chủ động phòng, tránh; 

Đồng thời, tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các biện pháp để chủ động ứng phó thiên tai để bảo đảm an toàn tính mạng, giảm thiệt hại về tài sản của nhân dân và nhà nước. 

Xem thêm
Khách hàng Thanh Hóa đổ xô 'săn' ưu đãi chưa từng có để lên đời xe điện VinFast

Những ngày cuối tuần 18-20/7, Quảng trường Lam Sơn (Thanh Hóa) sôi động hơn bao giờ hết với hàng nghìn người dân đổ về sự kiện 'Vi vu muôn ngả - Phủ xanh Việt Nam' do VinFast tổ chức.

Hành trình xanh của doanh nghiệp Việt

Nhiều doanh nghiệp lớn tại Việt Nam đã và đang từng bước thể hiện vai trò tiên phong, hành động cụ thể, bền bỉ để lan tỏa hành trình xanh.

Tin bão mới nhất: Bão số 3 cách Quảng Ninh khoảng 100 km

Từ đêm nay 21/7, gió trong đất liền sẽ mạnh dần lên cấp 7-9, vùng gần tâm bão ven biển Quảng Ninh - Nghệ An có gió cấp 10-11, giật cấp 14.

5 Luật mới định hình tương lai khoa học công nghệ Việt Nam

Quốc hội thông qua 5 đạo luật nhằm tháo gỡ điểm nghẽn trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Cơ bản xử lý sự cố mất điện, hối hả đưa tàu thuyền lên bờ

Thanh Hóa đã cơ bản xử lý xong sự cố mất điện, ngư dân hối hả đưa tàu thuyền lên bờ tránh trú bão.

Bình luận mới nhất