Ngày 22/7, Quyền Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Đức Thắng chủ trì cuộc họp triển khai xây dựng, sửa đổi các văn bản chính sách liên quan đến lĩnh vực đất đai và khoáng sản, đây là những nhiệm vụ quan trọng được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ quan tâm nhằm phù hợp với mô hình chính quyền địa phương hai cấp cũng như phục vụ phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Cuộc họp có sự tham dự của Thứ trưởng Trần Quý Kiên và lãnh đạo các đơn vị chuyên môn trực thuộc Bộ.

Quyền Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Đức Thắng chủ trì cuộc họp triển khai xây dựng, sửa đổi các văn bản chính sách liên quan đến lĩnh vực đất đai và khoáng sản. Ảnh: Khương Trung.
Tại cuộc họp, Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã trình bày báo cáo về tiến độ xây dựng Nghị quyết của Chính phủ liên quan đến cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tháo gỡ khó khăn trong triển khai Luật Địa chất và Khoáng sản năm 2024. Cục cũng báo cáo về danh mục khoáng sản chiến lược, quan trọng giai đoạn 2025–2030 và các nội dung chính trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Địa chất và Khoáng sản.
Bên cạnh đó, các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai 2024 cũng được trình bày, tập trung vào việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành luật. Quyền Bộ trưởng Trần Đức Thắng đã chỉ đạo cụ thể về các vấn đề then chốt như: quyền của người sử dụng đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; đăng ký đất đai và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…
Liên quan đến yêu cầu hoàn thiện chính sách đất đai theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp, Quyền Bộ trưởng đề nghị các đơn vị cần bám sát các nội dung đã được phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền tại Nghị định số 151/2025/NĐ-CP để đảm bảo tính đồng bộ và khả thi khi triển khai trong thực tế.
Với tinh thần “chính sách phải thông thoáng, tháo gỡ, phân cấp và đồng hành”, Quyền Bộ trưởng Trần Đức Thắng nhấn mạnh rằng các quy định từ Trung ương không chỉ mang tính định hướng mà còn là nền tảng pháp lý để các địa phương chủ động triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, để chính sách đi vào cuộc sống, hệ thống pháp luật cần đảm bảo tính ổn định, minh bạch và dễ áp dụng.

Toàn cảnh cuộc họp ngày 22/7. Ảnh: Khương Trung.
Ông cũng lưu ý, khung pháp lý cần được hoàn thiện theo hướng rõ ràng, có hướng dẫn cụ thể cho các tình huống phát sinh trong quá trình thực hiện. Đối với các nội dung chưa đủ rõ ràng, cần khẩn trương lấy ý kiến của Bộ Tư pháp và các cơ quan chuyên môn để đảm bảo tính hợp pháp và tính khả thi trong thi công.
Nhấn mạnh đất đai và tài nguyên khoáng sản là những lĩnh vực quan trọng, do đó nếu quản lý tốt, minh bạch thì đây sẽ là nguồn lực lớn thúc đẩy phát triển.
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường bày tỏ kỳ vọng rằng với việc ban hành các chính sách chặt chẽ, rõ ràng và đồng bộ, sẽ tạo dựng một môi trường phát triển minh bạch, chuyên nghiệp và đáng tin cậy, không chỉ với người dân mà còn với cộng đồng doanh nghiệp. Đây cũng là cam kết của ngành trong việc đồng hành cùng địa phương, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu phục vụ phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.