| Hotline: 0983.970.780

Điện Biên: Xây dựng phương án ứng phó thiên tai từ cơ sở

Thứ Ba 22/07/2025 , 10:03 (GMT+7)

Chính quyền cấp xã ở Điện Biên chủ động xây dựng phương án, ứng phó thiên tai, góp phần giảm thiểu thiệt hại, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản cho người dân.

Trước diễn biến bất thường của thời tiết, đặc biệt trong cao điểm mùa mưa lũ, chính quyền các xã trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã và đang phát huy vai trò, trong công tác phòng, chống thiên tai. Việc chủ động xây dựng, triển khai các phương án sát với thực tiễn địa phương đang trở thành yếu tố then chốt giúp giảm thiểu thiệt hại, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản cho người dân.

Những ngày giữa tháng 7, mưa lớn kéo dài khiến nhiều khu vực trong tỉnh Điện Biên bị ảnh hưởng nặng nề: hàng chục hộ dân bị sạt lở đất đe dọa nhà ở, 46ha lúa bị ngập úng hoặc vùi lấp, nhiều tuyến đường liên thôn bị chia cắt do đất đá tràn xuống, hệ thống kênh mương, thủy lợi hư hỏng. Trong bối cảnh đó, các xã đã kịp thời kích hoạt phương án ứng phó tại chỗ, phối hợp chặt chẽ với người dân, lực lượng xung kích cơ sở để khắc phục hậu quả thiên tai.

Kiểm tra công tác phòng chống thiên tai tại xã Si Pa Phìn. Ảnh: Hoàng Châu.

Kiểm tra công tác phòng chống thiên tai tại xã Si Pa Phìn. Ảnh: Hoàng Châu.

Tại xã Quảng Lâm, nơi mới thực hiện mô hình chính quyền hai cấp, chính quyền xã đã chủ động triển khai nhiều biện pháp thiết thực nhằm phòng, tránh và giảm nhẹ rủi ro. Từ đầu tháng 7, xã đã tổ chức hai đợt vận động người dân tại bản Huổi Lắp rời khỏi khu vực cung trượt nguy hiểm.

Ông Nguyễn Văn Dung, Chủ tịch UBND xã Quảng Lâm cho biết: Cung trượt này hình thành từ mùa mưa năm ngoái, hiện đe dọa trực tiếp đến 29 hộ dân với 151 nhân khẩu. Dù đã có chính sách hỗ trợ di dời, nhưng do nơi ở mới còn thiếu thốn, một số hộ quay trở lại chỗ cũ. Mỗi khi có mưa lớn, xã đều cử cán bộ bám bản tuyên truyền, vận động người dân chủ động rời khỏi vùng nguy hiểm.

Không riêng Quảng Lâm, nhiều xã khác trên địa bàn tỉnh Điện Biên cũng đã xây dựng các phương án ứng phó thiên tai theo phương châm “bốn tại chỗ”, đặc biệt chú trọng cảnh báo sớm, cập nhật thông tin thời tiết cho người dân, huy động lực lượng xung kích tại chỗ kiểm tra các khu vực xung yếu, sẵn sàng sơ tán người dân khi cần thiết.

Kiểm tra khu vực sạt lở đất tại xã Xa Dung đánh giá mức độ nguy hiểm, kịp thời đề xuất phương án xử lý, đảm bảo an toàn cho người dân. Ảnh: Hoàng Châu.

Kiểm tra khu vực sạt lở đất tại xã Xa Dung đánh giá mức độ nguy hiểm, kịp thời đề xuất phương án xử lý, đảm bảo an toàn cho người dân. Ảnh: Hoàng Châu.

Việc xác định ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai là nhiệm vụ thường xuyên, cấp thiết giúp cấp xã chủ động hơn trong mọi tình huống. UBND các xã đã chỉ đạo tổ chức rà soát, đánh giá nguy cơ thiên tai, lập bản đồ vùng có nguy cơ sạt lở, ngập úng; chủ động chuẩn bị phương tiện, vật tư, hậu cần, đồng thời kiện toàn lực lượng ứng cứu nhanh, tổ chức trực 24/24 trong các đợt mưa lớn.

Đặc biệt, các xã đã đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp với từng nhóm dân cư, nâng cao ý thức và kỹ năng ứng phó với thiên tai cho người dân, từ đó tạo sự chủ động, hạn chế tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào lực lượng bên ngoài.

Với địa hình đồi núi phức tạp, nhiều khu vực có nguy cơ cao về sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, tỉnh Điện Biên xác định phòng chống thiên tai không chỉ là nhiệm vụ của tỉnh mà phải bắt đầu từ cơ sở – nơi gần dân nhất. Khi cấp xã vào cuộc chủ động, kịp thời và quyết liệt, hiệu quả phòng tránh thiên tai sẽ được nâng cao, góp phần đảm bảo cuộc sống bình yên cho người dân vùng cao trong mùa mưa lũ.

Xem thêm
Yên Bình đủ điều kiện trở thành trung tâm du lịch sinh thái, nông nghiệp sạch

LÀO CAI Yên Bình đủ điều kiện để trở thành một trong những xã là trung tâm sinh thái du lịch nông nghiệp, công nghiệp sạch của tỉnh Lào Cai trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất