Vượt qua lúng túng ban đầu
Theo quy định hiện nay, khi thực hiện mô hình chính quyền 2 cấp, công tác quản lý đê điều và phòng chống thiên tai tại địa phương đã được phân định rõ ràng. Theo đó, cấp tỉnh tiếp tục đảm trách các nhiệm vụ như trước, trong khi cấp xã sẽ thực hiện cả nhiệm vụ của cấp huyện và cấp xã trước đây.
Cụ thể, cấp xã được giao 12 nhiệm vụ trọng tâm gồm: tuyên truyền pháp luật; xây dựng và thực hiện kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai; lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; quản lý, bảo vệ, xây dựng công trình đê điều, hồ chứa; thường trực và chỉ huy ứng phó thiên tai; tuần tra, canh gác, hộ đê và khắc phục hậu quả do thiên tai; chỉ đạo bảo vệ sản xuất, cứu trợ khẩn cấp; thành lập đội xung kích; thu, nộp và triển khai nguồn lực từ Quỹ phòng chống thiên tai; kiểm tra, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến đê điều, thiên tai theo thẩm quyền.
Việc giao nhiệm vụ rõ ràng, đầy đủ sẽ giúp cấp xã chủ động hơn trong quản lý rủi ro thiên tai và đảm bảo an toàn đê điều trên địa bàn.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến (trái) cùng lãnh đạo địa phương xã Hải Thịnh, tỉnh Ninh Bình kiểm tra kho vật tư. Ảnh: Bá Thắng.
Chia sẻ với Báo Nông nghiệp và Môi trường bên lề cuộc họp ứng phó với cơn bão số 3 (bão Wipha) chiều 21/7 tại tỉnh Ninh Bình, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Thịnh (tỉnh Ninh Bình), cho biết, trước đây, mỗi khi thiên tai xảy ra, xã đều nhận chỉ đạo trực tiếp từ cấp huyện. Tuy nhiên, khi địa phương thực hiện mô hình chính quyền 2 cấp, xã thực hiện nhiệm vụ theo chỉ đạo từ UBND tỉnh.
Vừa qua, ngay khi có thông tin về cơn bão số 3, xã Hải Thịnh đã chủ động xây dựng phương án ứng phó, phân công cán bộ phụ trách từng cung tuyến cụ thể.
“Đây là cơn bão đầu tiên trong bối cảnh tổ chức bộ máy mới nên công tác lãnh đạo, chỉ đạo ban đầu còn nhiều lúng túng. Tuy nhiên, nhờ sự hướng dẫn kịp thời từ Trung ương và tỉnh Ninh Bình, đặc biệt trong công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, chúng tôi đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm. Xã đã xây dựng các phương án chi tiết cho từng tình huống thiên tai, đồng thời tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn. Nhờ vậy, việc triển khai phương châm ‘4 tại chỗ’ đã được thực hiện bài bản, hiệu quả, huy động được sự tham gia tích cực của cán bộ và người dân”, ông Tiến chia sẻ.
Rõ vai, giao đúng việc
Trường hợp của xã Hải Thịnh cho thấy rõ những bỡ ngỡ ban đầu của cấp cơ sở khi lần đầu tiên ứng phó thiên tai trong bối cảnh chuyển đổi sang mô hình chính quyền 2 cấp. Việc không còn nhận chỉ đạo trực tiếp từ cấp huyện khiến xã lúng túng trong công tác lãnh đạo, điều hành.
Tuy nhiên, với sự hỗ trợ sát sao từ Trung ương và tỉnh Ninh Bình, cùng các quy định mới được ban hành, xã đã dần làm chủ tình hình, chủ động xây dựng phương án ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”.

Cán bộ xã Hải Thịnh phát loa truyền thanh tuyên truyền, hướng dẫn công tác ứng phó bão số 3 tới người dân. Ảnh: Bá Thắng.
Theo ông Nguyễn Văn Hải, đại diện Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), Nghị định số 200/2025/NĐ-CP của Chính phủ quy định rõ vai trò, chức năng của Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự các cấp, đặc biệt là cấp tỉnh và cấp xã, đều những lực lượng đóng vai trò nòng cốt trong ứng phó sự cố, thiên tai tại địa phương.
Ở cấp tỉnh, Ban Chỉ huy có nhiệm vụ tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phòng thủ dân sự, kế hoạch phòng chống thiên tai trên toàn địa bàn. Khi có tình huống xảy ra, đơn vị này tiếp nhận và xử lý thông tin từ Tổng đài 112, tham mưu ban hành hoặc bãi bỏ các quyết định liên quan đến cấp độ phòng thủ dân sự.
Đồng thời, Ban Chỉ huy cấp tỉnh chỉ đạo, tổ chức lực lượng thực hiện các biện pháp cấp bách, huy động và phân bổ nguồn lực hỗ trợ, cứu trợ, khắc phục hậu quả. Một trong những nhiệm vụ quan trọng không kém là tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng thủ dân sự và thiên tai. Đồng thời theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn các sở, ngành, địa phương thực hiện các kế hoạch đã đề ra.

Chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Cảng Hải Thịnh tuần tra khu vực ven biển. Ảnh: Bá Thắng.
Đối với cấp xã, nơi trực tiếp đối mặt với thiên tai, Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự có vai trò chủ động hơn bao giờ hết. Đơn vị này có trách nhiệm xây dựng và triển khai kế hoạch phòng thủ dân sự phù hợp với địa bàn; tham mưu ban hành hoặc bãi bỏ tình trạng phòng thủ dân sự cấp độ 1; trực tiếp chỉ huy lực lượng và phương tiện tại chỗ để ứng phó khi có sự cố xảy ra.
Cấp xã cũng được trao thẩm quyền đề xuất các biện pháp cấp bách, huy động lực lượng, tiếp nhận và phân bổ nguồn cứu trợ đến người dân. Ngoài ra, việc truyền tin, báo động, phổ biến văn bản chỉ đạo của cấp trên, tổ chức thông tin tuyên truyền, giáo dục kiến thức về phòng thủ dân sự cho người dân, cũng là những nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao năng lực tự bảo vệ của cộng đồng.
“Trong mô hình tổ chức mới, cấp xã không chỉ là ‘điểm cuối’ tiếp nhận mệnh lệnh mà đã trở thành ‘điểm đầu’ của các hoạt động ứng phó, phòng ngừa, khắc phục sự cố. Sự phân công rõ ràng, chủ động hơn này vừa đặt ra thách thức về năng lực điều hành, vừa mở ra cơ hội để chính quyền cấp xã phát huy tính linh hoạt và hiệu quả trong quản lý rủi ro thiên tai ngay tại cơ sở”, ông Nguyễn Văn Hải đánh giá.
Trước tình hình khẩn cấp do bão số 3 (bão Wipha) diễn biến phức tạp, với sức gió trên đất liền được dự báo có thể đạt tới cấp 10, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai đã nhanh chóng cùng với chính quyền cấp xã tại tỉnh Ninh Bình vào cuộc.
Cục đã chủ động xây dựng nhiều phương án ứng phó cụ thể, đồng thời cử cán bộ chuyên ngành trực tiếp xuống 3 xã trọng điểm là Gia Minh, Nghĩa Hưng và Hải Thịnh để phối hợp chỉ đạo, kiểm tra công tác chuẩn bị tại cơ sở, đảm bảo ứng phó kịp thời theo phương châm “4 tại chỗ”.