| Hotline: 0983.970.780

Khẩn cấp thành lập ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự cấp xã

Chủ Nhật 20/07/2025 , 14:14 (GMT+7)

Trong bối cảnh chính quyền hai cấp vừa vận hành, việc triển khai phương châm ‘4 tại chỗ’ là nhiệm vụ cấp bách để chủ động ứng phó thiên tai.

Cấp xã cần lập Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự theo Nghị định 200

Sáng 20/7, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp với các bộ ngành, địa phương để ứng phó với bão số 3 (bão Wipha).

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng bày tỏ sự chia sẻ sâu sắc tới gia đình các nạn nhân bị thiệt hại trong vụ lật tàu trên vịnh Hạ Long, Quảng Ninh. Đến nay, các lực lượng chức năng đã cơ bản hoàn thành công tác trục vớt tàu và tìm kiếm nạn nhân nhưng vẫn còn một số trường hợp mất tích. 

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp ứng phó với cơn bão số 3 (bão Wipha). Ảnh: TTXVN.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp ứng phó với cơn bão số 3 (bão Wipha). Ảnh: TTXVN.

Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, Phó Thủ tướng yêu cầu huy động đầy đủ lực lượng Trung ương và địa phương, thống nhất hành động khẩn cấp để kịp thời phòng, tránh và ứng phó hiệu quả với bão.

Phó Thủ tướng lưu ý, sau khi kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp, các tỉnh, thành phố cần rà soát và đánh giá thực chất mức độ sẵn sàng ứng phó thiên tai, đặc biệt là trước cơn bão sắp tới.

Chia sẻ với báo chí về thực thi “4 tại chỗ” ở địa phương, Thứ trưởng Bộ NN-MT Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh: Trước hết, cấp xã phải khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự theo Nghị định 200 quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng thủ dân sự, vừa được Thủ tướng ký ban hành ngày 9/7. 

Trong đó, chủ tịch UBND xã là trưởng ban chỉ đạo; các phó trưởng ban gồm trưởng công an xã, chỉ huy trưởng quân sự cấp xã và lãnh đạo phòng kinh tế - hạ tầng (hoặc phòng phụ trách nhiệm vụ phát triển kinh tế xã). Đơn vị này cũng đóng vai trò thường trực, đảm bảo mọi hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp xã được vận hành thông suốt. 

“Đây là yêu cầu phải làm ngay, rất mới, nhưng hiện nay các địa phương chưa triển khai kịp”, ông Hiệp cho hay. Trong bối cảnh chính quyền 2 cấp vừa đi vào hoạt động, việc triển khai “4 tại chỗ” cần được đẩy nhanh ngay từ cấp xã, tránh tình trạng bị động trong công tác ứng phó và tìm kiếm cứu nạn.

Bộ NN-MT đề nghị các xã nhanh chóng xác định các khu vực trọng điểm, những điểm có nguy cơ cao như ngập úng, sạt lở... để tập trung nhân lực, phương tiện và trang thiết bị tại chỗ, tránh tình trạng phân tán lực lượng, gây khó khăn và nguy hiểm trong ứng cứu bão số 3.

Thứ trưởng nói, “Cần đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, duy trì cơ chế chỉ huy thống nhất, tương tự như hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống thiên tai, nhằm kịp thời xử lý mọi tình huống khẩn cấp”.

Báo cáo của Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự, Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Bộ đội Biên phòng các địa phương, tính đến 6 giờ 30 ngày 20/7, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 54.300 phương tiện/227.194 người biết diễn biến, hướng đi của bão để chủ động phòng tránh. Tổng diện tích nuôi thủy sản tại các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An có nguy cơ bị ảnh hưởng của bão và mưa lũ là 148.834 ha; 20.154 lồng bè; 3.743 chòi canh nuôi trồng thủy sản.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường kêu gọi cấp xã khẩn trương thành lập Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự, tránh bị động trong cứu nạn trong bão số 3. Ảnh: VGP. 

Bộ Nông nghiệp và Môi trường kêu gọi cấp xã khẩn trương thành lập Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự, tránh bị động trong cứu nạn trong bão số 3. Ảnh: VGP. 

Hành động khẩn cấp, đồng bộ trước bão số 3

Để chủ động ứng phó với bão số 3 và mưa lũ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị tập trung triển khai các nội dung theo công điện của Thủ tướng Chính phủ.

Bài liên quan

Cụ thể, đối với tuyến biển từ Quảng Ninh đến Đắk Lắk theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; tổ chức kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh. Triển khai công tác đảm bảo an toàn về người, phương tiện, tài sản.

Đối với các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An, căn cứ diễn biến bão số 3, chủ động quyết định việc cấm biển đối với tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch và di dời dân tại các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản ven bờ, trên biển, trên đảo để đảm bảo an toàn; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Đối với vùng đồng bằng, cần rà soát, sẵn sàng sơ tán người dân ra khỏi nhà ở không đảm bảo an toàn, khu vực nguy cơ bị ngập sâu, cửa sông, ven biển. Chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn các tuyến đê biển, đê cửa sông nhất là các vị trí xung yếu hoặc đang thi công.

Chủ động tiêu nước đệm, chống úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp, khu đô thị và khu công nghiệp có nguy cơ ngập lụt. Tổ chức cắt tỉa cành cây; chằng chống, gia cố; có biện pháp đảm bảo an toàn hệ thống viễn thông, hệ thống lưới điện.

Đối với vùng núi, triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động khơi thông dòng chảy những nơi bị tắc, nghẽn; tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn; chỉ đạo chính quyền cấp xã thông báo đến từng hộ dân sinh sống tại vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét kiểm tra, rà soát xung quanh nơi ở để kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường, nguy hiểm để chủ động sơ tán ra khỏi vùng nguy hiểm.

Sẵn sàng phương án tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện đi qua nếu không bảo đảm an toàn; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra sạt lở.

Chỉ đạo kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hầm, lò khai thác khoáng sản, các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, thủy lợi nhỏ, hồ xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Xem thêm

Bình luận mới nhất