| Hotline: 0983.970.780

1 người chết, 304 nhà dân ở tỉnh Phú Thọ bị tốc mái

Chủ Nhật 20/07/2025 , 10:58 (GMT+7)

Mưa giông vào ngày 19/7 đã khiến 1 người chết do bị mái tôn bay trúng người tại xóm Cọi Vỉnh, xã Tân Lạc, tỉnh Phú Thọ.

Tại tỉnh Phú Thọ, báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai và TKCN cho biết: Mưa giông vào ngày 19/7 đã khiến 1 người chết do bị mái tôn bay trúng người tại xóm Cọi Vỉnh, xã Tân Lạc (tỉnh Hòa Bình cũ).

Ngoài ra, mưa lớn kèm gió giật mạnh cũng đã làm hư hỏng, tốc mái 304 nhà dân, 2 nhà văn hóa, 9 trường học và 1 trạm y tế; nhiều cột điện hạ thế và trung thế bị đổ; hơn 10 ha cây ăn quả, cây lâm nghiệp bị đổ gãy.

Cơn mưa giông kèm theo gió giật mạnh đã gây thiệt hại tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Ảnh: X.Đ/Báo Lao Động.

Cơn mưa giông kèm theo gió giật mạnh đã gây thiệt hại tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Ảnh: X.Đ/Báo Lao Động.

Đến thời điểm hiện tại, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, Phòng chống thiên tai và TKCN các xã bị thiệt hại đã xuống kiểm tra hiện trường, huy động lực lượng hỗ trợ nhân dân khắc phục thiệt hại, ổn định đời sống.

Đối với gia đình có người chết, chính quyền địa phương đã hỗ trợ gia đình để tổ chức mai táng; lực lượng chức năng tiến hành di dời đối với 8 hộ tại xóm Chanh, xã Kim Bôi (Hòa Bình cũ) trong vùng có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn, bố trí tạm thời chỗ ở cho các hộ dân bị ảnh hưởng, cung cấp nhu yếu phẩm cần thiết.

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão WIPHA, Tỉnh ủy Phú Thọ đã ban hành công văn gửi đến các địa phương về việc triển khai ứng phó.

Chỉ đạo kiểm tra, chủ động biện pháp đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du; bố trí lực lượng thường trực sẵn sàng vận hành điều tiết và xử lý các tình huống; tiến hành rà soát, triển khai các biện pháp an toàn đối với các hoạt động du lịch, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản trên sông, hồ; sẵn sàng phương án sơ tán người dân trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn trước khi ảnh hưởng bão trực tiếp.

Các địa phương xây dựng phương án và sẵn sàng tổ chức sơ tán người dân ra khỏi các căn nhà yếu không đảm bảo an toàn; khu vực có nguy cơ ngập sâu, sạt lở đất, lũ quét, nhất là khu vực ven sông, suối, khu vực miền núi. Sẵn sàng các biện pháp đảm bảo an toàn, hạn chế thiệt hại về nhà ở, kho tàng, trụ sở, công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy, đê điều; bảo vệ sản xuất nông nghiệp, chống ngập úng khu đô thị và khu công nghiệp.

Kiểm soát, hướng dẫn giao thông an toàn, nhất là các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.

Xem thêm

Bình luận mới nhất