| Hotline: 0983.970.780

Wipha: Thử thách đầu mùa bão với mô hình chính quyền hai cấp

Thứ Ba 22/07/2025 , 06:40 (GMT+7)

Ninh Bình Chính quyền xã Hải Thịnh từng bước thích nghi với mô hình tổ chức mới, chỉ vài tuần trước khi bão Wipha đổ bộ vào miền Bắc.

Tối 21/7, sau một ngày quần quật đội mưa, vượt gió, ông Bùi Xuân Diệu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Ninh Bình gọi điện thoại về nhà, "khất cơm" gia đình. "Anh em mấy xã lân cận, đa số là luân chuyển. Bão to là cũng "rối" đây, ông quay sang nói với cánh phóng viên, như giải thích.

Phó Giám đốc Bùi Xuân Diệu kiểm tra công tác hậu cần phòng, chống bão Wipha. Ảnh: Bảo Thắng.

Phó Giám đốc Bùi Xuân Diệu kiểm tra công tác hậu cần phòng, chống bão Wipha. Ảnh: Bảo Thắng.

Bão số 3 (tên quốc tế "Wipha") là thử thách đầu tiên mà mô hình chính quyền hai cấp ở tỉnh Ninh Bình phải đương đầu. Từng thử lửa qua không ít giông gió, từ thuở còn ở cơ sở, nhưng lần này có lẽ khiến vị lãnh đạo Sở trăn trở nhất. Không phải vì nghi ngại tinh thần "4 tại chỗ", "3 sẵn sàng", mà vì sợ chính quyền mới ở cấp xã vừa vận hành vài tuần, có thể sẽ không được trơn tru.

Từ cuối tuần trước, khi bão Wipha bắt đầu diễn biến phức tạp, ông Diệu đã cùng các phòng chức năng của Sở "cắm chốt" tại vùng trọng điểm, trực tiếp kiểm tra từng đoạn đê yếu, từng điểm xung yếu ở vùng ven biển Kim Sơn, Yên Mô, Gia Viễn. 

"Chính quyền xã nay được kỳ vọng làm nhiều việc vốn trước đây do huyện đảm nhiệm. Nhưng con người thì còn thiếu, anh em cũng chưa quen địa bàn, kinh nghiệm ứng phó với thiên tai còn hạn chế", ông chia sẻ. Bởi vậy, với vai trò là Phó Giám đốc Sở và giữ vai trò hạt nhân trong công tác phòng, chống thiên tai của tỉnh, ông Diệu càng sát sao trong việc chỉ đạo, kiểm tra thực địa, như cách để bù đắp cho những thiếu hụt ban đầu ở cấp cơ sở.

Ông cho biết, để ứng phó hiệu quả với bão số 3 lần này, Ban Chỉ huy đã đặc biệt nhấn mạnh phương châm "4 tại chỗ", gồm chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư - phương tiện - kinh phí tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Đi xuống xã nào, sau khi kiểm tra đê, kè là ông sẽ đi tìm phòng vật tư. Số lượng, chỉ tiêu cụ thể từ bao tải, tre, bạt, đến phương tiện, nhân lực và các vị trí cần bảo vệ ưu tiên đều được hạch toán kỹ càng.

Khi thiên tai xảy ra, từng thành viên Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự theo địa bàn được phân công đều có mặt tại hiện trường để phối hợp chặt chẽ với các lực lượng vũ trang, công an, quân đội, dân quân tự vệ và đội xung kích các xã, kịp thời cứu hộ, xử lý các tình huống khẩn cấp.

"Như lần ứng phó bão Yagi, bài học huy động vật tư, phương tiện ngay từ giờ đầu đã giúp bảo vệ vững chắc các tuyến đê trọng yếu", ông Diệu bày tỏ. Trong đó, có thể kể đến xử lý cọc tre hộ chân và trải bạt chống xói lở mái đê phía đồng tuyến đê Hữu Đáy đoạn qua xã Hùng Tiến huyện Kim Sơn; đắp bao đất, cát nâng cao trình đê tả sông Vạc dài khoảng 500m có cao trình thấp hơn so với các đoạn còn lại... Công tác rà soát trọng điểm xung yếu được thực hiện ráo riết ngay trong những giờ đầu, không để xảy ra sự cố đáng tiếc.

“Không lo mới là lạ”, ông Diệu nói nửa đùa nửa thật, khi trở về dùng cơm ở Đồn Biên phòng Hải Thịnh, lúc đồng hồ đã gần 20h, giày còn lấm bùn, điện thoại vẫn chưa dứt những cuộc gọi từ các xã ven biển. 

Cán bộ Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai phối hợp Chi cục Thủy lợi, Hạt quản lý đê điều Hải Hậu kiểm tra những vị trí xung yếu. Ảnh: Bảo Thắng.

Cán bộ Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai phối hợp Chi cục Thủy lợi, Hạt quản lý đê điều Hải Hậu kiểm tra những vị trí xung yếu. Ảnh: Bảo Thắng.

Nếu mô hình hai cấp trong mắt vị Phó Giám đốc Sở là những cuộc gọi liên miên trong màn đêm dày đặc trước bão, thì với ông Nguyễn Văn Long, Chủ tịch xã Hải Thịnh, "hai cấp" là sự bỡ ngỡ bởi "trước kia mỗi khi có thiên tai đều có cấp huyện chỉ đạo". Nhiều nhiệm vụ trước đây thuộc về tuyến trung gian đã được chuyển giao cho cấp xã, nơi vẫn bị xem là nhân lực mỏng, điều kiện kỹ thuật hạn chế.

Không chỉ Hải Thịnh, nhiều xã mới ở Ninh Bình sau sáp nhập cũng đang trong quá trình vừa học, vừa làm. Như ông Long thừa nhận, điều khó nhất không phải là tinh thần ứng phó - vốn đã ăn sâu trong mỗi cán bộ, mỗi người dân vùng ven biển - mà là làm sao vận hành được một hệ thống “chưa kịp trơn tru” trong tình huống khẩn cấp.

“Địa phương bây giờ như một tổ đội tiền phương, vừa là người đề xuất, tổ chức, vừa là người thực thi", ông Long tâm sự và nói thêm rằng, trong các phương án ứng phó với bão Wipha, xã được tỉnh giao những đầu việc rõ ràng, cụ thể. Nhưng bản thân ông vẫn muốn được tạo thêm cơ chế, về quy chế phối hợp liên xã, điều phối nhân lực linh hoạt và công cụ hỗ trợ phản ứng nhanh. Đó có lẽ vẫn là những khoảng trống mà cấp xã chưa thể lấp đầy trong một sớm một chiều.

Tuy nhiên, chính trong thử thách, nội lực cộng đồng mới thể hiện rõ. Ở Hải Thịnh, bên cạnh đội xung kích xã, các tổ dân phố, hội phụ nữ, cựu chiến binh, đoàn thanh niên đều được huy động. Từng nhóm người cầm cuốc, cầm bạt, chở bao tải cát đi gia cố mép đê, canh chừng triều cường. Những căn nhà gần cửa biển được gia cố từ sớm, thậm chí có nơi còn chủ động giăng đèn chiếu sáng để đề phòng mất điện ban đêm.

Về Hải Thịnh vào đêm trước ngày bão Wipha đổ bộ không chỉ là thành tích mấy trăm hộ dân được di dời vào vùng an toàn, mấy nghìn tàu thuyền đã vào khu neo đậu, mà còn là tinh thần tự lực, tự cứu chính mình của hơn 33.000 người dân nơi đây. "Chúng tôi làm tất cả những gì có thể, bởi nếu không, thiệt hại sẽ rất khó lường”, ông Long nói, giọng lẫn trong tiếng gió đang rít ngày một to ngoài cửa sổ.

Tâm bão Wipha còn cách bờ biển Ninh Bình mấy chục kilomet nữa, nhưng hoàn lưu bão đã trút những cơn mưa nặng hạt, tựa như áp lực mà chính quyền xã Hải Thịnh đang gánh trên vai. Ở đó, không chỉ là việc ngăn nước tràn đê, mà còn là bài toán tổ chức bộ máy, kịch bản ứng phó và sự gắn kết giữa các tổ chức, cá nhân - thứ mà người Hải Thịnh nói riêng và Ninh Bình nói chung tin là sẽ dày dạn hơn qua đợt bão dông này.

Xem thêm
Yên Bình đủ điều kiện trở thành trung tâm du lịch sinh thái, nông nghiệp sạch

LÀO CAI Yên Bình đủ điều kiện để trở thành một trong những xã là trung tâm sinh thái du lịch nông nghiệp, công nghiệp sạch của tỉnh Lào Cai trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất