Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, mưa lớn kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, đe dọa đến tính mạng và tài sản của người dân, chính quyền các địa phương trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã chủ động kiểm tra, rà soát các điểm có nguy cơ cao; triển khai phương án di dời hộ dân đến nơi an toàn, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Tại thôn Đề Chu, xã Tủa Thàng, tỉnh Điện Biên gia đình anh Hờ A Phổng nhiều năm sinh sống dưới chân núi. Từ đầu mùa mưa năm nay, bùn đất liên tục tràn xuống sân, vườn và khu vực quanh nhà, đặc biệt trong khoảng 2 tuần gần đây, khối lượng đất đá đổ xuống ngày càng lớn, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất nghiêm trọng.

Xã Tùa Thàng huy động lực lượng hỗ trợ gia đình anh Hờ A Phổng, thôn Đề Chu di dời khỏi vùng sạt lở. Ảnh: Xã Tùa Thàng.
Trước tình hình đó, Ban phát triển thôn Đề Chu đã báo cáo với Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn xã Tủa Thàng. Qua kiểm tra, đánh giá thực tế, lực lượng chức năng xác định đây là điểm có nguy cơ sạt lở cao và đã vận động gia đình anh Phổng di dời khẩn cấp đến nơi an toàn. Ngôi nhà cũ đã được tháo dỡ, di chuyển và tập kết tại khu vực nền đất mới vừa được san gạt.
Ông Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Tủa Thàng cho biết: Hiện nay, xã đang kiểm tra, rà soát và thống kê các hộ dân sinh sống tại những khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Đồng thời, phối hợp với các thôn, bản vận động di dời các hộ dân đến nơi ở tạm an toàn nhằm chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Tại xã Si Pa Phìn, tỉnh Điện Biên sau mùa mưa năm 2024, tại khu vực nhóm B, bản Phìn Hồ đã xuất hiện một cung trượt dài khoảng 200m, rộng khoảng 20cm, sâu 70cm. Qua thời gian, các vết nứt ngày càng lan rộng, gây sụt lún nghiêm trọng và đe dọa an toàn của 22 hộ dân sinh sống phía dưới.
Trước nguy cơ sạt lở hiện hữu, từ đầu mùa mưa năm nay, UBND xã Si Pa Phìn đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn kiểm tra, đánh giá hiện trạng và xây dựng các phương án ứng phó.

Hỗ trợ người dân tháo dỡ, di dời nhà cửa ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở nhằm đẩm bảo an toàn trong mùa mưa lũ. Ảnh: Hoàng Châu.
Ông Vàng A Thỉnh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Si Pa Phìn cho biết: Qua rà soát, tại khu vực này đã xác định 5 vết nứt chính với độ rủi ro cao. Đến nay, chúng tôi đã vận động được 6 hộ di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm. Các hộ còn lại, phần lớn chưa có quỹ đất và nơi ở tạm nên chưa thể di chuyển. Do đó, mỗi khi xuất hiện mưa lớn, chính quyền xã cùng các tổ chức chính trị - xã hội đều trực tiếp xuống bản, vận động, hỗ trợ người dân di chuyển tạm thời đến nơi an toàn, đề phòng nguy cơ thiên tai bất ngờ xảy ra.
Hiện nay UBND xã Si Pa Phìn đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng để triển khai dự án tái định cư cho các hộ tại nhóm B, bản Phìn Hồ.
Trong cao điểm mùa mưa lũ, việc rà soát, xây dựng phương án di dời và sớm triển khai dự án bố trí, ổn định dân cư vùng thiên tai là nhiệm vụ cấp thiết. Việc kịp thời đưa người dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, giúp ổn định cuộc sống lâu dài, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của người dân, hạn chế tối đa thiệt hại do mưa lũ gây ra.