Nằm ở khu vực địa hình chia cắt, dốc cao, mùa mưa bão luôn là thử thách lớn với tỉnh Điện Biên. Lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, ảnh hưởng đến sinh kế và hạ tầng sản xuất của người dân.
Hằng năm, tỉnh Điện Biên thường xuyên hứng chịu nhiều đợt mưa lớn kéo dài, gây ra lũ quét, sạt lở đất, làm gián đoạn giao thông, cô lập bản làng, gây thiệt hại nặng nề về nhà cửa, hoa màu và ảnh hưởng đến tính mạng người dân.
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều đợt thiên tai, gây thiệt hại hàng tỷ đồng. Dù mức độ thiệt hại có phần giảm so với những năm trước, tình hình vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, đòi hỏi các cấp, ngành và địa phương phải tăng cường ứng phó, giảm thiểu tác động từ thiên tai.

Lực lượng dân quân và bộ đội hỗ trợ người dân di dời khỏi vùng có nguy cơ sạt lở. Ảnh: Hoàng Châu.
Hiện nay, biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng chống thiên tai chính là bước đi cấp thiết, góp phần giảm nhẹ rủi ro và tăng cường tính chủ động cho người dân
Nguyên nhân không chỉ do mưa lớn bất thường, mà còn xuất phát từ tâm lý chủ quan, thiếu kiến thức và kỹ năng ứng phó của một bộ phận người dân. Một số hộ dân vẫn sinh sống ven suối, dưới chân taluy, không có đường thoát hiểm khi mưa lớn.
Nhiều nơi nếu người dân không chủ động cảnh giác, thì thiệt hại sẽ còn lớn hơn nhiều. Cán bộ không thể có mặt kịp ở mọi bản làng. Tự thân mỗi gia đình, người dân phải được trang bị kiến thức, kỹ năng ứng phó. Ông Chu Văn Bách - Chủ tịch UBND xã Thanh Nưa, tỉnh Điện Biên nói.
Những năm qua, công tác truyền thông và nâng cao ý thức cộng đồng đã cho thấy nhiều chuyển biến rõ rệt. Hơn 85% người dân vùng cao đã tiếp cận bản tin cảnh báo sớm qua loa truyền thanh, tin nhắn điện thoại và các nhóm Zalo.
Song song với đó, các hộ dân cũng chủ động củng cố mái nhà, chuẩn bị bao cát, tích trữ lương thực, nước, áo mưa sẵn sàng di dời khi cần thiết. Những hành động nhỏ như dọn dẹp suối, kênh mương, cột lại mái nhà… đã trở thành thói quen.

Do cầu nối bản Giảng Co Ké và Nà Lốm bị nước cuốn trôi, xã Thanh Nưa chăng dây cảnh báo nguy hiểm. Ảnh: Hoàng Châu.
Không chỉ trông chờ vào lực lượng chức năng, nhiều địa phương trong tỉnh Điện Biên đã chủ động triển khai mô hình tự quản phòng chống thiên tai. Tại bản Hua Thanh, từ khi thành lập tổ xung kích cộng đồng, người dân đã biết cách nhận diện dấu hiệu sạt lở, biết sơ tán theo tình huống giả định và thường xuyên tham gia các buổi tuyên truyền.
“Trước đây cứ mưa là lo, không biết phải làm gì. Giờ bản có đội phòng chống thiên tai, có bản đồ cảnh báo nên cả bản chủ động hơn.” bà Lò Thị Mỷ, 54 tuổi, chia sẻ.
Bên cạnh đó, tỉnh Điện Biên cũng đang phối hợp liên ngành tổ chức phổ cập kiến thức phòng chống thiên tai vào trường học, xây dựng bảng tin cộng đồng song ngữ Kinh – Thái – Mông tại các xã trọng điểm. Các chương trình hỗ trợ sinh kế gắn với thích ứng thiên tai cũng đang phát huy hiệu quả. Tại một số xã vùng cao, người dân được hướng dẫn trồng dược liệu và làm du lịch sinh thái – những mô hình có khả năng phục hồi nhanh sau thiên tai.
Song, khó khăn vẫn còn nhiều. Một số bản chưa có sóng điện thoại, đường giao thông xuống cấp khiến cảnh báo và tiếp cận cứu hộ gặp nhiều trở ngại. Việc di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm cũng cần đồng bộ với hỗ trợ sinh kế và quy hoạch dân cư mới.
Ứng phó thiên tai không chỉ là trách nhiệm của cơ quan chức năng mà cần bắt đầu từ mỗi người dân. Khi mỗi người dân hiểu được rủi ro, có kỹ năng bảo vệ mình và cộng đồng thì tổn thất do thiên tai sẽ được giảm thiểu rõ rệt. Đó là nền tảng để Điện Biên thích ứng hiệu quả với khí hậu ngày càng cực đoan.