Ngày 23/7, lần đầu tiên sau sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, TP. Cần Thơ tổ chức họp mặt với các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã trên toàn địa bàn, dưới sự chủ trì của ông Đỗ Thanh Bình - Bí thư Thành ủy và ông Trần Văn Lâu - Chủ tịch UBND thành phố.

Lần đầu tiên sau khi sáp nhập, lãnh đạo TP. Cần Thơ họp mặt đông đảo cộng đồng doanh nghiệp. Ảnh: Kim Anh.
Hội nghị ghi nhận nhiều ý kiến, kiến nghị thẳng thắn của cộng đồng doanh nghiệp, đa phần tập trung vào các lĩnh vực liên quan đến ngành nông nghiệp và môi trường, “nóng” nhất vẫn là thủ tục đất đai.
Là doanh nghiệp 100% vốn của Pháp, Công ty Cổ phần Vườn trái Cửu Long chuyên sản xuất nông nghiệp bền vững và phát triển vườn cây ăn trái theo tiêu chuẩn quốc tế, sản xuất nước ép cung cấp cho phân khúc thị trường cao cấp, phục vụ xuất khẩu.
Ông Lê Văn Đồng - Tổng Giám đốc Công ty cho biết, mỗi năm doanh nghiệp sản xuất khoảng 5.000 trái cây từ vùng nguyên liệu khoảng 200 ha trải dài ở các tỉnh ĐBSCL.
Đứng trước nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất, doanh nghiệp cần quỹ đất để xây dựng nhà máy mới, nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời chính xác. Trong khi đó, việc triển khai vùng nguyên liệu phải mất từ 2-3 năm mới đáp ứng được nhu cầu phát triển. Những vướng mắc trong thủ tục đất đai có thể khiến kế hoạch đầu tư của doanh nghiệp nguy cơ bị trì hoãn.
Lãnh đạo Công ty Cổ phần Vườn trái Cửu Long cho biết thêm, doanh nghiệp đã nhiều lần làm việc với các sở ngành liên quan của TP. Cần Thơ về vấn đề trên, tuy nhiên chỉ nhận được câu trả lời là “đang quy hoạch”.

Ông Lê Văn Đồng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vườn trái Cửu Long kiến nghị tìm quỹ đất xây dựng nhà máy mới. Ảnh: Kim Anh.
“Doanh nghiệp chỉ cần 2-2,5 ha để xây dựng nhà máy mới. Thế nhưng, doanh nghiệp đang rơi vào tình huống không biết giải quyết như thế nào đối với dự án này, đất không nhiều, nhưng vướng nhiều thứ có thể từ quy hoạch”, ông Lê Văn Đồng cho biết.
Không chỉ lĩnh vực cây ăn trái, lĩnh vực dược liệu cũng đang trở thành tiềm năng cho TP. Cần Thơ phát triển. Công ty TNHH Đầu tư, sản xuất kinh doanh Đặc Ân chuyên phát triển vùng dược liệu và các sản phẩm tinh chất lá trầu không, đặt vấn đề hợp tác, đầu tư vùng trồng cây dược liệu quý hiếm, đặc hữu ở thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng (cũ) nay là phường Vĩnh Châu (TP. Cần Thơ) – khu vực chuyên trồng hành tím. Doanh nghiệp sẽ cung cấp cây giống và liên kết bao tiêu đầu ra cho nông dân
Liên quan đến vấn đề trên, ông Ngô Thái Chân - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường TP. Cần Thơ phản hồi, địa phương rất hoan nghênh việc doanh nghiệp thuê đất để trồng cây dược liệu ở Vĩnh Châu. Việc trồng trồng cây dược liệu ở Vĩnh Châu sẽ giúp nông dân hạn chế việc sử dụng nguồn nước ngầm và có thêm thu nhập.
“Nông dân Vĩnh Châu nhiều đời nay trồng khoảng 1.600-1.700 ha hành tím, sản lượng khoảng 160.000 tấn/năm. Việc trồng hành tím tốn nhiều nước tưới, đại đa số bà con phải sử dụng nước ngầm sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước. Do đó việc doanh nghiệp đề nghị tham gia trồng cây dược liệu ở Vĩnh Châu, Sở rất hoan nghênh”, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường TP. Cần Thơ cho biết.

Ông Ngô Thái Chân - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường TP. Cần Thơ giải đáp một số kiến nghị của doanh nghiệp. Ảnh: Kim Anh.
Đối với nhu cầu thuê đất công để thực hiện các dự án theo kiến nghị của doanh nghiệp, ông Chân đề nghị liên hệ trực tiếp với UBND cấp xã nơi đóng doanh nghiệp hoặc Sở Nông nghiệp và Môi trường để được hướng dẫn.
Bên cạnh đó, Ban quản lý khu chế xuất và công nghiệp TP. Cần Thơ đã giới thiệu đến doanh nghiệp một số vị trí tiềm năng tại Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ hoặc Khu công nghiệp Trần Đề để doanh nghiệp lựa chọn, mở rộng sản xuất kinh doanh.