Trưa 22/7, cơn bão số 3 (bão Wipha) mang theo mưa lớn và gió giật cấp 10 quần thảo dọc dải đồng bằng ven biển Bắc Bộ. Tại Ninh Bình, sóng biển dội trắng chân đê, những cánh đồng bỗng chốc biến thành biển nước mênh mông.
Đến 18h cùng ngày, tỉnh chưa ghi nhận thiệt hại về người nhưng nông nghiệp thì không còn nguyên vẹn. Gần 80.000 ha lúa mùa bị ngập, 800 ha rau màu hè thu hư hại do nước lớn, hàng chục nghìn hecta nuôi trồng thủy sản, nhất là vùng ngoài đê, chìm sâu trong triều cường. Những ao tôm, đầm ngao là kế sinh nhai của hàng nghìn hộ dân giờ chỉ còn mặt nước đục ngầu.

Trạm bơm Cống Cái hoạt động hết công suất để tiêu úng cho khu vực sản xuất nông nghiệp của người dân Ninh Bình. Ảnh: Quang Dũng.
Trạm bơm Cống Cái hoạt động hết công suất để tiêu úng cho khu vực sản xuất nông nghiệp của người dân Ninh Bình.
Nhưng nếu bão là phép thử thì sự chuẩn bị chính là câu trả lời. Theo ông Bùi Xuân Diệu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Ninh Bình, tỉnh đã không bị động: “Chúng tôi triển khai sớm phương án phòng chống. Hơn 3.500 người dân vùng nguy hiểm đã được sơ tán, toàn bộ phương tiện đánh bắt được đưa vào bờ an toàn. Các xã tuyến biển có phương án riêng, sát thực tế. Nhờ vậy, dù mưa gió dữ dội nhưng không có sự hoảng loạn, không có mất mát về người”.
“Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã huy động 617 máy bơm thuộc 144 trạm bơm, cùng 62 cống dưới đê và 10 cống hồ vận hành liên tục để tiêu nước. Hệ thống này đã góp phần quan trọng trong việc rút nhanh nước khỏi đồng ruộng và khu dân cư, tạo điều kiện sớm khôi phục sản xuất và ổn định đời sống người dân”, ông Bùi Xuân Diệu cho hay.
Ở xã Kim Đông, nơi mưa đo được tới 250mm, sóng biển cao 2–3 mét, có lúc chỉ cách mặt đê chừng một sải tay, những phương án phòng chống thiên tai không chỉ là những câu khẩu hiệu. 9 chốt chặn được thiết lập ngay trong đêm, hàng nghìn bao tải, cọc tre, cuốc xẻng, áo phao được phát đến từng xóm. Mỗi hộ dân đều có lương thực, nước sạch dự phòng cho 5-7 ngày. Trạm y tế sáng đèn suốt đêm, lực lượng điện lực cắt cử người kiểm tra từng trạm biến áp, từng đường dây. Xã ven biển vận hành như một cỗ máy trơn tru, đồng lòng.
Tại xã Hải Thịnh, nơi đang thi công tuyến đê - kè, bão tràn đến không làm rối nhịp chuẩn bị. 11.000m3 đá hộc, 6.000 cấu kiện bê tông, hàng chục máy móc sẵn sàng cắm chốt bảo vệ công trình. Sáng 22/7, xã đã sơ tán 48 người già yếu, trẻ nhỏ đến nơi tránh trú an toàn. Dù mưa không ngớt nhưng không một ai bị bỏ lại phía sau.
Ở xã Hải Quang, 200 hộ dân nuôi trồng ngoài đê Cồn Xanh được sơ tán kịp thời. Tuyến đê biển dài 5,2km được lực lượng quản lý đê, công an, bộ đội biên phòng thay nhau túc trực. Những cống tiêu, bờ mương liên tục được khơi thông, vận hành bơm tiêu úng ngay khi mưa chưa dứt. Không chỉ chính quyền mà chính người dân cũng xắn tay áo cùng khắc phục hậu quả. Người vác bao đất, người khơi cống, người dọn cành gãy, bèo rác.

Cánh đồng ngập nước tại xã Rạng Đông, tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Bảo Thắng.
Để chống úng sau bão, tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo các Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi khẩn trương vận hành hệ thống tiêu thoát nước theo đúng phương án đã chuẩn bị. Mục tiêu là tiêu kiệt nước đệm, bảo vệ an toàn cho hàng nghìn hecta lúa và hoa màu, đồng thời chống ngập cho các khu công nghiệp, đô thị và khu dân cư tập trung.
“Trước bão, chúng tôi vừa vận động bà con rời khỏi nơi nguy hiểm, vừa tổ chức tuần tra ban đêm để canh gác tài sản. Sau bão, cán bộ lại tiếp tục cùng bà con khơi mương, dựng nhà, dọn lại đồng”, Trung tá Nguyễn Văn Định, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Hải Thịnh (Bộ đội Biên phòng tỉnh Ninh Bình) chia sẻ: “15 chiến sĩ trong đơn vị vẫn đang cơ động, bám dân, giúp từng hộ khôi phục sản xuất. Cơn bão tan rồi nhưng việc của chúng tôi thì chưa thể dừng lại”.
Không dừng lại ở việc khắc phục hậu quả sau bão số 3, tỉnh Ninh Bình đang đặt ra yêu cầu cao hơn cho các cấp, ngành trong việc chủ động ứng phó với những tình huống tiếp theo do hoàn lưu bão còn tiếp diễn.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh được giao nhiệm vụ tiếp tục chỉ đạo lực lượng vũ trang tham gia phòng, chống lũ, úng; sẵn sàng phương tiện, thiết bị, vật tư cơ động khi có yêu cầu hỗ trợ các địa phương.
Với vai trò đảm bảo nguồn điện ổn định cho hệ thống bơm tiêu, Công ty TNHH MTV Điện lực Ninh Bình được yêu cầu kiểm tra, củng cố toàn bộ hệ thống lưới điện, nhất là tại các trạm biến áp phục vụ tiêu úng cho lúa và hoa màu vụ mùa, những diện tích đang ở giai đoạn phát triển mẫn cảm với ngập úng kéo dài.
Ở cấp cơ sở, các xã, phường tiếp tục bám sát diễn biến thời tiết, kích hoạt các kịch bản sẵn sàng ứng phó với ngập úng, lũ sau bão. Những nơi đã từng xảy ra sự cố sạt lở, đất đá như phường Nam Hoa Lư, xã Nghĩa Sơn, xã Ninh Giang được yêu cầu tiếp tục theo dõi, gia cố, xử lý triệt để những điểm có nguy cơ và nghiêm cấm người và phương tiện tiếp cận các khu vực nguy hiểm.