| Hotline: 0983.970.780

Nhiều hồ chứa thủy lợi còn dung tích để điều tiết lũ

Thứ Tư 23/07/2025 , 20:07 (GMT+7)

Tính đến 17h ngày 23/7, nhiều hồ chứa thủy lợi tại Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ vẫn còn dung tích trống để tích lũ.

Tại khu vực Bắc Bộ, hơn 2.490 hồ chứa đang vận hành với lượng nước trữ trung bình đạt từ 65% đến 100% dung tích thiết kế. Một số hồ lớn ghi nhận mức tích nước cụ thể như: Núi Cốc (Thái Nguyên) đạt 72%, Cấm Sơn (Bắc Giang) đạt 55%, Đại Lải đạt 72%, Yên Lập đạt 74% và Tràng Vinh đạt 71%. Tổng cộng khu vực này có 137 hồ hư hỏng nặng, trong đó Phú Thọ có 51 hồ và Lạng Sơn có 22 hồ. Ngoài ra, 47 hồ đang trong quá trình sửa chữa, nâng cấp.

Do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã xảy ra tình trạng cây cối gãy đổ, sạt lở đất và nước suối dâng cao, gây cản trở giao thông và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. Ảnh: Đức Hải.

Do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã xảy ra tình trạng cây cối gãy đổ, sạt lở đất và nước suối dâng cao, gây cản trở giao thông và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. Ảnh: Đức Hải.

Tại Bắc Trung Bộ, các hồ chứa đạt từ 58% đến 86% dung tích thiết kế. Hồ Cửa Đạt (Thanh Hóa) hiện đạt 82% dung tích, còn khả năng trữ gần 580 triệu m³ nước. Hồ Tả Trạch (Thừa Thiên Huế) đã đạt 93%. Tuy nhiên, một số hồ như Ngàn Trươi (Hà Tĩnh) mới chỉ tích 31%. Khu vực này có 132 hồ hư hỏng, trong đó Nghệ An và Hà Tĩnh chiếm gần một nửa. Các hồ như Cửa Đạt, Tả Trạch, Vực Mấu đang xả nước qua phát điện với lưu lượng từ 64 đến 171 m³/s.

Tại Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, lượng nước trong các hồ đạt từ 46% đến 72% dung tích thiết kế. Hồ Định Bình (Gia Lai) đạt 59%, Phú Ninh (Quảng Ngãi) đạt 65%, trong khi hồ Ia Mơr chỉ tích được 40%. Khu vực này có 61 hồ hư hỏng nặng và đang thi công sửa chữa 37 hồ, chủ yếu tại Lâm Đồng và Khánh Hòa.

Riêng Nam Bộ, các hồ chứa ghi nhận lượng nước trữ từ 46% đến 72% dung tích thiết kế. Hồ Dầu Tiếng, hồ chứa lớn do Bộ trực tiếp quản lý, hiện chỉ đạt 46% dung tích và đang xả lũ với lưu lượng 36 m³/s.

Tổng diện tích cây trồng bị ngập, gãy đổ trên toàn quốc là 88.277 ha. Trong đó, riêng Bắc Bộ chiếm hơn 62.000 ha. Ninh Bình là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất với 62.273 ha lúa bị ngập.

Bắc Trung Bộ thiệt hại gần 26.000 ha, chủ yếu tại Thanh Hóa (23.598 ha) và Nghệ An (2.376 ha). Các địa phương đang tiếp tục thống kê và cập nhật thiệt hại.

Tổng cộng 189 trạm bơm với 901 máy đã được vận hành tại nhiều địa phương; riêng tỉnh Ninh Bình còn mở thêm 13 cống tiêu để hỗ trợ tiêu úng. Cụ thể, Thanh Hóa đang vận hành 79 trạm bơm với 330 máy; Ninh Bình 64 trạm với 332 máy; Hưng Yên, Bắc Ninh, Phú Thọ và Bắc Nam Hà cũng đã huy động hàng chục trạm bơm.

Trạm bơm Cống Cái hoạt động hết công suất để tiêu úng cho khu vực sản xuất nông nghiệp của người dân Ninh Bình. Ảnh: Phạm Hiếu.

Trạm bơm Cống Cái hoạt động hết công suất để tiêu úng cho khu vực sản xuất nông nghiệp của người dân Ninh Bình. Ảnh: Phạm Hiếu.

Cục Quản lý và Xây dựng công trình thủy lợi tiếp tục duy trì trực ban 24/24 giờ, theo dõi sát tình hình mưa lũ, mực nước hồ chứa và an toàn công trình. Trước đó, trong hai ngày 20-21/7, đoàn công tác của Cục đã kiểm tra thực địa tại Phú Thọ, rà soát nhiều hồ chứa và điểm sạt lở, đồng thời làm việc với địa phương về công tác ứng phó bão số 3.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng yêu cầu các tỉnh, thành thực hiện nghiêm các công điện chỉ đạo từ Chính phủ và Bộ trưởng. Các yêu cầu này nhấn mạnh công tác cảnh báo sớm, vận hành hồ chứa đúng quy trình và bố trí lực lượng sẵn sàng “bốn tại chỗ” khi có tình huống bất thường xảy ra.

Các địa phương cũng được yêu cầu theo dõi sát mực nước, đặc biệt với các hồ yếu, hồ có cửa van hoặc nằm trên lưu vực đông dân cư, đồng thời đảm bảo tiến độ thi công tại các công trình đang xây dựng để tránh xảy ra sự cố trong mùa mưa lũ.

Xem thêm
Uống nước nhớ nguồn

Nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2025), Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết mang tiêu đề 'Uống nước nhớ nguồn'. Báo Nông nghiệp và Môi trường xin trân trọng giới thiệu toàn văn.

Bình luận mới nhất