Theo báo cáo nhanh của Trực ban Phòng, chống thiên tai và an toàn công trình thủy lợi (Cục Quản lý và Xây dựng công trình thủy lợi), tại khu vực Bắc Bộ, hơn 2.490 hồ chứa đang vận hành với lượng nước trữ trung bình đạt từ 58 đến 85% dung tích thiết kế. Trong đó, một số hồ lớn như Núi Cốc (Thái Nguyên) đạt 77%, Cấm Sơn (Bắc Giang) chỉ mới 53%. Khu vực Bắc Trung Bộ cũng ghi nhận dung tích trung bình ở mức 56-86%, trong đó hồ Ngàn Trươi (Hà Tĩnh) mới đạt 31%.
Tình trạng thiếu nước cũng phổ biến tại Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, nơi nhiều hồ mới đạt 46-75% dung tích thiết kế. Hồ Ia Mơr (Gia Lai) chỉ đạt 39%. Khu vực Nam Bộ có lượng trữ nước ở mức trung bình thấp, với hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh) chỉ đạt 46% dung tích.

Hồ chứa nước Ngàn Trươi, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Tùng Đinh.
Cả nước hiện có hơn 330 hồ chứa thủy lợi bị hư hỏng nặng, tập trung tại Phú Thọ (51 hồ), Hà Tĩnh (48 hồ), Lạng Sơn (22 hồ), Lâm Đồng (20 hồ), Gia Lai (18 hồ). Cùng với đó, hàng trăm công trình đang được sửa chữa nâng cấp hoặc xây dựng mới.
Tuy vậy, đến thời điểm hiện tại không ghi nhận sự cố nào xảy ra đối với hệ thống hồ chứa thủy lợi trên toàn quốc.
Tại khu vực Bắc Bộ và đồng bằng sông Hồng, các địa phương đã vận hành 61 trạm bơm với 324 tổ máy và 50 cống tiêu thoát nước. Tuy nhiên, riêng Hà Nội đã ghi nhận ngập úng gây thiệt hại 31 ha hoa màu, cây ăn quả do mưa lớn. Các địa phương khác đang tiếp tục rà soát và cập nhật thiệt hại.
Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, Cục Thủy lợi yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm các công điện của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường, đặc biệt là Công điện số 4594/CĐ-BNNMT và Công điện số 08/CĐ-TL-VHTT liên quan đến ứng phó với bão Wipha.
Các tỉnh, thành phải thường trực 24/24h trong thời gian có mưa lũ, bố trí nhân lực trực tại các công trình xung yếu, đặc biệt là hồ chứa đầy nước hoặc đang thi công. Việc vận hành hồ chứa phải tuân thủ quy trình đã được phê duyệt, tuyệt đối không xả lũ bất thường, đồng thời tích nước hợp lý đối với các hồ đang ở mức thấp để bảo đảm an toàn cho vùng hạ du và phục vụ sản xuất.
Riêng với các hồ có tràn cửa van hoặc nằm gần khu dân cư, các địa phương cần theo dõi sát mực nước, đánh giá trạng thái công trình, kịp thời cảnh báo người dân vùng hạ du trước khi xả lũ hoặc khi có nguy cơ xảy ra sự cố. Các địa phương cũng được yêu cầu rà soát phương án thi công tại các công trình đang xây dựng, đảm bảo không triển khai hạng mục vượt lũ hoặc không đạt tiến độ an toàn.