| Hotline: 0983.970.780

Cây đổ, sầu riêng rụng trái, giao thông ách tắc do ảnh hưởng bão số 3

Thứ Hai 21/07/2025 , 11:22 (GMT+7)

Lâm Đồng Ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3 gây mưa lớn, gió giật mạnh tại Lâm Đồng, làm nhà tốc mái, cây đổ, sầu riêng rụng trái, giao thông bị ảnh hưởng.

Nhiều khu vực hư hại nặng vì mưa bão

Do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3 (Wipha), từ trưa đến chiều ngày 20/7, nhiều xã, phường phía Nam tỉnh Lâm Đồng hứng chịu đợt mưa lớn kéo dài kèm theo dông lốc, gió giật mạnh. Các khu vực bị ảnh hưởng nặng gồm: Phường 1, 2, 3 và các xã Bảo Lâm 1, 2, 3, 4…

Nhiều khu vực ở xã Bảo Lộc bị ngập sâu ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân. Ảnh: P.H.

Nhiều khu vực ở xã Bảo Lộc bị ngập sâu ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân. Ảnh: P.H.

Trận mưa lớn gây thiệt hại đáng kể đến tài sản và sản xuất nông nghiệp của người dân. Hàng loạt cây xanh bật gốc, trụ điện bị đổ, nhiều tuyến đường giao thông tê liệt và mất điện cục bộ. Đáng lo ngại hơn, nhiều diện tích sầu riêng bị rụng trái hàng loạt do gió giật.

Theo một số hộ dân trồng sầu riêng tại xã Bảo Lâm 2, thời tiết năm nay biến đổi khó lường, mọi năm vào thời điểm này trời mưa không lớn và liên tục. "Năm nay mưa lớn kèm gió với cường độ dày đặc trong tháng 7 khiến những vườn sầu riêng đang cho trái rất khó đứng vững", một hộ dân tại xã Bảo Lâm 2 buồn bã nói. 

Cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông tại đèo Bảo Lộc và người dân cùng dọn dẹp khu vực cây bị đổ đè lên ô tô của người đi đường. Ảnh: P.H.

Cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông tại đèo Bảo Lộc và người dân cùng dọn dẹp khu vực cây bị đổ đè lên ô tô của người đi đường. Ảnh: P.H.

Bên cạnh đó, mưa lớn kèm giông lốc còn làm tốc mái một số căn nhà dân, nhiều nhà bị nước tràn vào gây ngập úng, ảnh hưởng đến sinh hoạt. Tại nhiều tuyến phố, cây gãy đổ làm cản trở giao thông, dây điện bị đứt gây nguy hiểm cho người đi đường.

Anh Lê Văn Nam, phường 2, xã Bảo Lộc, cho biết, ảnh hưởng bảo số 3 nên mấy ngày qua nhiều khu vực trên địa bàn xã Bảo Lộc bị ảnh hưởng nghiêm trọng. "Mưa rất lớn và giông lốc kèm theo xoáy nên nhiều cây bị đổ ngã, nhà cửa bị tốc mái, đi lại nguy hiểm", anh Nam lo lắng nói.

Lực lượng dân quân xã Bảo Lâm 1 cắt dọn cây bị đổ ngã sau trận mưa chiều 20/7. Ảnh: P.H.

Lực lượng dân quân xã Bảo Lâm 1 cắt dọn cây bị đổ ngã sau trận mưa chiều 20/7. Ảnh: P.H.

Ngay sau mưa lớn, lực lượng công an, dân quân, thanh niên, điện lực và tổ dân phố đã được huy động khẩn trương khắc phục hậu quả. 

Mưa lớn kéo dài cũng đã gây nên tình trạng sạt lở một số điểm trên khu vực đèo Bảo Lộc. Cụ thể, vào chiều 20/7, một sự cố nghiêm trọng xảy ra tại Km105+500, Quốc lộ 20, thuộc thôn 5, phường 3, một cây rừng lớn bật gốc đổ chắn ngang đèo Bảo Lộc, đè trúng một ô tô 5 chỗ đang lưu thông hướng từ Lâm Đồng đi TP Hồ Chí Minh.

Chiếc ô tô bị hư hỏng phần đầu xe. Rất may, trong xe chỉ có tài xế và người này không bị thương. Tuy nhiên, vụ việc đã khiến giao thông trên đèo Bảo Lộc bị tê liệt gần một giờ đồng hồ. 

Vườn sầu riêng của một hộ gia đình ở Phường 2, xã Bảo Lộc bị rụng trái do ảnh hưởng của mưa kèm gió lớn. Ảnh: P.H.

Vườn sầu riêng của một hộ gia đình ở Phường 2, xã Bảo Lộc bị rụng trái do ảnh hưởng của mưa kèm gió lớn. Ảnh: P.H.

Ngay sau sự cố, tổ Cảnh sát Giao thông chốt đèo Bảo Lộc (thuộc Trạm CSGT Mađaguôi, Công an tỉnh Lâm Đồng) đã lập tức có mặt tại hiện trường phối hợp cùng người dân cưa cây, di dời phương tiện và điều tiết giao thông. Sau khoảng 40 phút, tuyến đường được thông suốt trở lại.

Sự cố này tiếp tục dấy lên lo ngại về an toàn giao thông tại các cung đường đèo núi trong điều kiện thời tiết cực đoan. Nhiều người đề xuất cần tăng cường cảnh báo nguy cơ cây gãy đổ, đất đá sạt lở trong mùa mưa bão để hạn chế tai nạn đáng tiếc.

Người dân và chính quyền địa phương cùng cắt dọn cây bị đổ ngã tại phường 2, xã Bảo Lộc. Ảnh: P.H.

Người dân và chính quyền địa phương cùng cắt dọn cây bị đổ ngã tại phường 2, xã Bảo Lộc. Ảnh: P.H.

Chủ động ứng phó, đảm bảo an toàn cho người dân

Trước diễn biến phức tạp của bão số 3 (Wipha), Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Hồ Văn Mười đã ban hành công điện khẩn yêu cầu toàn tỉnh tập trung cao độ ứng phó với nguy cơ mưa lũ, ngập úng, sạt lở đất.

Các xã, phường, đặc khu phải theo dõi chặt diễn biến bão, kiểm soát nghiêm ngặt hoạt động tàu thuyền, tổ chức sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, gia cố nhà cửa, công trình dân sinh và sản xuất.

Cây cổ thụ bị ngã chắn ngang đường thuộc địa bàn xã Bảo Lâm 4. Ảnh: P.H.

Cây cổ thụ bị ngã chắn ngang đường thuộc địa bàn xã Bảo Lâm 4. Ảnh: P.H.

Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng cũng chỉ đạo tăng cường lực lượng túc trực tại các tuyến đường xung yếu, không để người và phương tiện qua lại nơi mất an toàn; đồng thời yêu cầu các đơn vị quản lý thủy điện, thủy lợi vận hành xả lũ đúng quy định, thông báo kịp thời cho địa phương và người dân.

Giao Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì công tác phòng chống thiên tai, đôn đốc các địa phương thực hiện phương châm “3 sẵn sàng”, “4 tại chỗ”, duy trì chế độ trực ban 24/24h để kịp thời chỉ đạo, ứng cứu khi có tình huống khẩn cấp xảy ra.

Xem thêm

Bình luận mới nhất