Thông tin tại buổi họp báo về Diễn đàn Chuyển đổi Xanh & Ngày hội Tái chế 2025, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, trong bối cảnh biến đổi khí hậu và khủng hoảng tài nguyên ngày càng nghiêm trọng, chuyển đổi xanh không còn là lựa chọn, mà trở thành con đường bắt buộc để phát triển bền vững.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao chia sẻ tại buổi họp báo chiều 23/7. Ảnh: Nguyễn Thủy.
"Hiện có nhiều doanh nghiệp đã kết hợp thành công giữa công nghệ, ý tưởng sáng tạo và tinh thần bảo vệ môi trường", bà Vũ Kim Hạnh nói.
Đồng quan điểm, ông Đặng Thanh Long, Trưởng phòng phát triển đào tạo Intertek Việt Nam cho biết, chuyển đổi xanh là xu thế bắt buộc, do vậy, doanh nghiệp không thể đứng ngoài cuộc. Đặc biệt là đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong các ngành: xi măng, phân bón, hidro, điện, sắt thép, nhôm muốn xuất khẩu hàng hóa sang thị trường châu Âu từ ngày 1/1/2026 tới đây, phải chú ý đến việc khai báo và có giấy chứng nhận CBAM (thuế quan carbon đối với các sản phẩm sử dụng nhiều carbon - PV).
Là một trong những doanh nghiệp sử dụng lá dứa, bã cà phê làm thành sợi vải, bà Nguyễn Bích Diền, Phó Tổng Giám đốc Faslink cho hay, quá trình chuyển đổi xanh của doanh nghiệp gặp không ít khó khăn khi các sản phẩm này có giá thành thường cao hơn các sản phẩm thông thường, do đó người tiêu dùng vẫn còn e ngại khi lựa chọn sản phẩm xanh hóa, sản phẩm tuần hoàn.
Bà Nguyễn Bích Diền cũng mong muốn truyền thông để người tiêu dùng thay đổi thói quen suy nghĩ cũng như thói quen tiêu dùng và ủng hộ sử dụng các sản phẩm tái chế nhiều hơn.
Theo ông Lê Viết Đông Hiếu, Trưởng phòng phát triển bền vững DUYTAN Recycling, trong bối cảnh ô nhiễm rác thải nhựa ngày càng đáng lo ngại, các doanh nghiệp đóng vai trò then chốt không chỉ trong sản xuất mà còn trong tái tạo giá trị từ vật liệu đã qua sử dụng.
Việc xây dựng hệ sinh thái tái chế bền vững, với trọng tâm là kết nối chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng thông qua các sáng kiến đồng hành, từ khuyến khích phân loại rác tại nguồn, chủ động thực hiện chính sách trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) tại Việt Nam, đến phát triển các sản phẩm làm từ nhựa tái chế đạt chuẩn an toàn thực phẩm.
Theo bà Vũ Kim Hạnh, Diễn đàn Chuyển đổi Xanh & Ngày hội Tái chế 2025 do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao, Trung tâm BSA, Chương trình HVNCLC - Chuẩn hội nhập tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 31/7 tới đây tại Hội trường Thống Nhất (TP.HCM), dự kiến quy tụ gần 500 đại biểu trong nước và quốc tế, các trường đại học và cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo vì môi trường.
Đây không chỉ là nơi trình bày chính sách hay công nghệ, mà là điểm hẹn của những người đang hành động vì tương lai bền vững. Nhiều mô hình tuần hoàn, sản phẩm tái chế, giải pháp xanh sẽ sẽ được giới thiệu, góp phần vào hành trình xanh hóa Việt Nam.

Robot thu gom rác của nhóm bạn trẻ Saigon Xanh sẽ được trưng bày, giới thiệu tại Diễn đàn Chuyển đổi Xanh & Ngày hội Tái chế 2025. Ảnh: Như Quỳnh.
"Hy vọng từ các gian triển lãm đến hoạt động sân khấu, từ cuộc thi sinh viên đến phần trình diễn của trẻ em, tất cả sẽ tạo nên một chuỗi cảm hứng mạnh mẽ. Không chỉ là một ngày hội, đây là hành trình cùng nhau thực hành kinh tế tuần hoàn, sống xanh và hướng đến một tương lai bền vững cho tất cả”, bà Vũ Kim Hạnh nói và cho biết thêm, tại Diễn đàn có hàng loạt sản phẩm mang đậm tinh thần đổi mới, từ máy in 3D sử dụng nhựa tái chế cùng các sản phẩm in thực tế, túi đi chợ từ lưới đánh cá, đến robot dọn rác, phao chắn rác thông minh.
Cùng với đó, các gian hàng về bao bì sinh học, bao bì giấy, trạm refill, sản phẩm tẩy rửa từ vỏ dứa; các sản phẩm từ nguyên liệu bản địa như xơ mướp, cỏ bàng, xơ dừa, được tái sinh thành giỏ xách, đồ gia dụng nhờ bàn tay nghệ nhân; vải vụn ngành may mặc cũng trở thành túi tote, buộc tóc; viên nén trồng cây từ xơ dừa, hay sản phẩm làm sạch không khí từ vi sinh; các sản phẩm ngành dược, mỹ phẩm thiên nhiên và thực phẩm xanh...