Trên cơ sở những dự báo về diễn biến thời tiết, thiên tai trên địa bàn TP.HCM trong năm 2025, nhất là những dự báo về mưa, triều cường, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP.HCM đã chủ động và kịp thời tham mưu các cấp chính quyền về các phương án phòng chống thiên tai, trong đó ứng phó với ngập lụt.
UBND TP.HCM đã phê duyệt phương án ứng phó, phòng chống mưa lớn, triều cường, xả lũ thượng nguồn trên địa bàn thành phố. Trên cơ sở đó, các địa phương, đặc biệt là các khu vực ven sông, kênh, rạch, vùng trũng thấp và các sở, ngành đã xây dựng kế hoạch, phương án chi tiết cho từng địa phương, đơn vị. Khi xảy ra tình huống thiên tai, mưa lớn, triều cường hoặc xả lũ thượng nguồn, các sở, ngành, địa phương sẽ chủ động tổ chức triển khai các phương án ứng phó nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Cống ngăn triều Tân Thuận thuộc dự án chống ngập TP.HCM. Ảnh: Minh Sáng.
Nhằm giảm thiểu thiệt hại do ngập lụt nói riêng, thiên tai nói chung, công tác thông tin, tuyên truyền rất được thành phố coi trọng. Trong thời gian qua, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP.HCM đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ và Tây Nguyên, cung cấp kịp thời thông tin dự báo khí tượng, thủy văn trên nhiều cổng thông tin, báo chí. Thông tin được cung cấp bằng các phương pháp thích hợp nhất để người dân có thể tiếp cận nhanh nhất, qua đó nắm bắt tình hình và chủ động các phương án ứng phó.
Ngoài các trạm thủy văn hiện đang khai thác, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP.HCM phối hợp với Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ và Tây Nguyên xây dựng, bổ sung trạm thủy văn ở khu vực xã An Phú, huyện Củ Chi (nay là xã An Nhơn Tây, TP.HCM), nhằm làm cho dữ liệu thu thập ngày càng dày hơn, qua đó nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo diễn biến mực nước sông Sài Gòn trong trường hợp có mưa lớn kết hợp triều cường và xả lũ thượng nguồn.
Bên cạnh các giải pháp phi công trình, TP.HCM luôn quan tâm, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp công trình trong phòng chống ngập lụt. Hàng năm, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP.HCM đều phối hợp với UBND các địa phương, các chủ đầu tư, tiến hành kiểm tra an toàn công trình trước mùa mưa lũ. Công tác kiểm tra giúp cho các địa phương, chủ đầu tư phát hiện được những vị trí xung yếu và chủ động tiến hành xử lý, gia cố để đảm bảo an toàn công trình.
Hàng năm, các địa phương và cơ quan, đơn vị liên quan ở TP.HCM đang làm rất tốt công tác đầu tư, bảo trì, duy tu, sửa chữa, nâng cấp các công trình, đặc biệt là công trình phòng chống thiên tai. Cụ thể như trong năm 2024, đã có 4 dự án ven sông Sài Gòn được đưa vào sử dụng. Đây là những dự án trọng điểm, góp phần vào công tác kiểm soát triều cường, lũ, qua đó đã nâng cao khả năng phòng chống ngập lụt cho khu vực ven sông Sài Gòn.
Về chống ngập khu vực đô thị TP.HCM, hiện nay việc thực hiện dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng đã đạt 90%. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án, có một số khó khăn, vướng mắc. Hiện thành phố đang tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm tiếp tục triển khai dự án, dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác vận hành vào khoảng đầu năm 2027.
Trong thời gian chờ dự án chống ngập hoàn thành, UBND TP.HCM đã giao các sở, ban, ngành và UBND các địa phương, rà soát các hệ thống cống kiểm soát triều và chủ động sửa chữa, đầu tư nâng cấp nhằm đồng bộ, khép kín toàn bộ lưu vực của dự án chống ngập. Qua đó, sau khi dự án hoàn thành, đưa vào vận hành sẽ phát huy tối đa hiệu quả chống ngập của dự án.