Mùa hoa lêkima nở
Ở quê ta miền đất đỏ.
Thôn xóm vẫn nhắc tên người anh hùng đã chết cho mùa hoa lê-ki-ma nở.
Đời sau vẫn còn nhắc nhở.
Sông núi đất nước ơn người anh hùng đã chết cho đời sau.
Lời bài hát “Biết ơn chị Võ Thị Sáu,” nhạc và lời Nguyễn Đức Toàn
Cho đến tận bây giờ, mỗi khi bài hát này vang lên, dù chỉ trong suy nghĩ, tôi không khỏi nghẹn ngào. Bài hát nói về sự hy sinh của chị Võ Thị Sáu cho mùa hoa lêkima nở và cho “đời sau”, với giai điệu lặp lại, gợi ra sự tiếp nối giữa các thế hệ.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chị Võ Thị Sáu, quê ở huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đã hi sinh khi mới 16 tuổi. Nhà văn Phùng Quán viết trong tác phẩm Vượt Côn Đảo, rằng hồi bé, chị Sáu rất thích chơi với hoa lêkima. Có lẽ lòng yêu nước và lòng dũng cảm của chị, như bao đứa trẻ khác, bắt nguồn từ những kí ức tuổi thơ êm đềm, vui chơi dưới tán cây trong vườn nhà.

Cây hồng xiêm trong sân nhà bà ngoại của tác giả. Ảnh: Tôn Nữ.
Sự gắn bó của mỗi người với mảnh đất nơi mình sinh ra, tôi nghĩ, cũng như những cây xanh bám rễ, nương tựa vào vòng tuần hoàn của tự nhiên và sự sống xung quanh.
Tôi bắt đầu học tiếng Tây Ban Nha khi mới chuyển về New York năm vừa rồi. Cuối kỳ thu, tôi được đọc một văn bản về ẩm thực Peru trong sách giáo khoa, và bắt gặp tên hai loại quả nghe rất lạ tai: quả chirimoya và quả lucuma.
Tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha chung gốc Latinh và có nhiều giao thoa trong từ vựng, nhưng tên hai loại trái cây bản địa này chỉ có trong tiếng Tây Ban Nha. Khi tìm hình ảnh chúng trên Google, tôi chợt nhận ra hai loại trái cây rất quen thuộc với nhiều người Việt Nam. Chirimoya là quả mãng cầu, còn lucuma phiên âm sang tiếng Việt thì thành quả lêkima, hay còn được gọi bằng tên thân thuộc là quả trứng gà.
Những loại quả đã quá quen thuộc trong ký ức tuổi thơ, nhưng tôi chưa bao giờ tự hỏi về nguồn gốc của chúng.
Quả trứng gà là một trong những thức quà yêu thích nhất của tôi hồi bé mỗi dịp về quê nghỉ hè. Ông Điện, hàng xóm nhà bà ngoại, có một cây trứng gà cao sum suê, quả to bằng nắm tay. Mỗi mùa hè quả chín vàng cây, ông đều chia trứng gà cho cả xóm. Tôi bé nhất nhà nên được các bác, các anh chị để dành những quả ngon và chín bùi nhất.
Một loài cây từ châu Mỹ khác, hết sức thân thuộc ở quê mẹ tôi, là cây hồng xiêm, hay còn gọi là cây sapôchê, tên tiếng Tây Ban Nha là sapodilla - một loài cây đến từ Mexico và Trung Mỹ. Nhà bà ngoại tôi có cây hồng xiêm lớn, tán rộng, trồng trước sân.
Bác tôi kể, cây hồng xiêm này em gái bà trồng vào năm 1975, trước khi bà vào Nam lấy chồng. Tán cây rộng, che chắn một góc sân nhà. Dù nắng có gắt đến đâu, dưới tán cây luôn có cảm giác dịu mát.

Bóng cây hồng xiêm rọi xuống tường trong ngõ ở làng. Ảnh: Tôn Nữ.
Sau khi bà tôi mất, bác cả dỡ nhà 5 gian cổ để xây nhà thờ mới. Bác chặt cây hồng xiêm, xây cổng mới. Giờ cây thì không còn, nhưng mỗi khi nhớ về quê ngoại, tôi lại nhớ về cây hồng xiêm của bà; nhớ những chiếc lá xanh che bóng, tán rộng và hiền từ, vỏ sần sùi của nó.
Cũng đã lâu rồi kể từ lần cuối tôi được ăn lêkima. Ông Điện đã qua đời, cây trứng gà nhà ông cũng không còn. Bao nhiêu thứ đã đổi thay.
Tôi vẫn nương vào những bóng cây tuổi thơ trong ký ức.
Nhiều người bạn cùng lứa tôi cũng có mối liên kết mạnh mẽ với những loài cây, loài quả này. Những giống cây có nguồn gốc từ Nam Mỹ đều được trồng phổ biến ở các vùng nông thôn Việt Nam, như hồng xiêm, na, trứng gà…. Nông thôn đổi thay, thế hệ trước cũng đã đi xa, để lại trong lòng những đứa trẻ đô thị nỗi nhớ về tuổi thơ êm đềm, sung túc dưới những bóng cây cao, quả ngọt.
Một người bạn của tôi kể có lần tới thăm trường THPT chuyên Khoa học xã hội - Nhân văn ở đường Nguyễn Trãi, đứng trong khuôn viên, nhìn lên tán lá hồng xiêm, bạn bỗng nhớ về hai cây hồng xiêm hai cậu trồng ở quê ngoại, cây na bở bà trồng bên góc nhà, cây lêkima cao gầy, nhiều quả, ông trồng sau khi bà mất.
Suy nghĩ về bóng cây ngày xưa như để kết một sợi dây tình cảm giữa người với người, sống lại trong tình cảm gia đình, tình làng nghĩa xóm, tình yêu quê hương, kể cả ước mơ ngây ngô thời thơ ấu. Như cách rễ cây đâm sâu vào đất, chúng cũng bám vào ký ức trong tâm thức mỗi người, đi theo chúng ta khắp thế gian. Để đến lúc ta đi xa, bất kể đến thăm vùng đất hay miền khí hậu nào, ta đều nghĩ đến hình bóng quen thuộc của những loài cây tuổi thơ.
Những loài cây du nhập vào nước ta là những “sứ giả” kết nối Việt Nam với những dân tộc, những vùng đất xa xôi có thổ nhưỡng, khí hậu nhiệt đới giống nước ta. Ví dụ, cây trứng gà bắt nguồn từ vùng núi Andes - dãy núi dài nhất thế giới ôm trọn bờ Tây lục địa Nam Mỹ; cây xà cừ mọc trù phú ở vùng Trung Phi; cây phượng là loài bản địa ở quốc đảo Madagascar.

Phong cảnh làng quê tác giả ở Thanh Oai, Hà Nội. Ảnh: Tôn Nữ.
Tôi tiếc vì không học tiếng Tây Ban Nha sớm hơn. Việt Nam, các nước Đông Nam Á, và các nước Mỹ Latinh cùng chung lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của thực dân, và cũng chung khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm, nhiều mưa. Có những mối liên hệ sâu sắc giữa những dân tộc cách nhau nửa vòng Trái đất, đã trở thành một phần của văn hóa, cảnh quan, và hương vị ở cả nông thôn lẫn thành thị.
Celine, người bạn đồng môn ở Harvard của tôi, là người gốc Mỹ Latinh. Celine cũng nhận ra mối tương đồng trong lịch sử kiên cường của quê hương bạn ấy và Việt Nam. Điều này thôi thúc bạn thực hiện những nghiên cứu chuyên sâu về những mối liên kết giữa nhân dân Đông Nam Á và châu Mỹ Latinh.
Linh Trang và Trúc Lam, hai người bạn tôi lớn lên ở Hà Nội và Cần Thơ, cũng chỉ ra những tương đồng về cách sử dụng gia vị trong ẩm thực Nam Mỹ và Việt Nam. Ở Peru người ta thường nấu ăn với xì dầu, còn người Costa Rica thích ăn trái cây chấm muối ớt như người Việt.
Những ký ức của chúng tôi nhỏ bé so với ký ức của cả dân tộc, nhưng không hề tầm thường. Bóng cây tuổi thơ trong tôi đã cắm rễ đến ký ức của hòa bình, độc lập Tổ quốc, kết nối tôi với gia đình và những người con Việt Nam đã ngã xuống. Rễ cây trong tôi kéo dài hàng trăm năm, giăng từ Bắc tới Nam, sang khắp các châu lục, đan vào ký ức tập thể và ý thức về sự hy sinh của thế hệ trước.
Nguyễn Đình Tôn Nữ sinh năm 1999, hiện theo học bằng Tiến sĩ Lịch sử ở Đại học Columbia (New York, Hoa Kỳ), nghiên cứu chuyên sâu về chiến tranh Việt Nam và lịch sử thế giới.