
Nhà thơ Phạm Vân Anh tặng hoa Thượng tá, nhà báo Nguyễn Văn Á trong lễ ra mắt sách. Ảnh: Ngô Đức Hành.
Tình cờ tôi được mời dự buổi giới thiệu tác phẩm mới “Giọt sương bên cửa sổ” (tập thơ) và “Phía Nam sông Bến Hải” (truyện ký) của Thượng tá, nhà báo Nguyễn Văn Á. Gặp nhau, biết ông là người điềm đạm, chân thành, sống nội tâm.
Là người lính bước ra từ khói lửa chiến tranh với hàng chục năm ròng lăn lộn trên khắp chiến trường khốc liệt tử sinh nên dễ dàng cảm nhận được từ ông phẩm cách “Bộ đội Cụ Hồ” trân quý và một tấm lòng sâu nặng nghĩa tình với đồng chí, đồng đội. Hình ảnh người lính trong hồi ức của ông chứa chan tình cảm trong hành văn cô đọng, chân phương.
Truyện ký “Phía Nam sông Bến Hải” gồm 2 phần; Phần I có tựa đề “Khi miền Nam vẫy gọi”, gồm 16 bài; Phần II có tựa đề “Trầm tích”, gồm 9 bài. Những bài viết qua tập truyện ký này là hồi ức của Thượng tá Nguyễn Văn Á về những trận đánh mà ông cùng đồng đội đã kinh qua. Đó là những kỷ niệm sát cánh “chia lửa” chiến trường. Đó còn là ký ức về những người anh hùng thầm lặng chưa được vinh danh như “81 ngày đêm đối mặt với tử thần”, “Trận đánh trên cánh đồng Phương Ngạn”, “Hồ Khê nơi các anh nằm lại”, “Những anh hùng chưa được vinh danh”, “Cuộc hành quân thần tốc”, Luồn sâu vào sào huyệt địch”, “Đánh địch rút chạy trên đường phố Lái Thiêu”…
Nguyễn Văn Á nhập ngũ tháng 8/1971, chiến đấu tại Quảng Trị, thuộc biên chế c16, e27, f320B (nay là f390, Quân đoàn 12). Năm 1975, ông tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Từ năm 1977-1980, Nguyễn Văn Á tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở mặt trận biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc.
Nguyễn Văn Á phục vụ trong Quân đội từ binh nhất đến cấp hàm cao nhất là Thượng tá, suốt 27 năm. Tháng 8/1998, được sự đồng ý của Bộ Quốc phòng, ông chuyển sang dân sự (Bộ Tài chính) với nghề nghiệp phóng viên Báo Tài chính.
Nguyễn Văn Á qua những trang hồi ức là một thanh niên sớm có lý tưởng. Những năm tháng đó, cuộc đời đẹp nhất của thanh niên, học sinh là được ra tiền tuyến, có mặt trên “trận tuyến diệt quân thù”. Như ông đã viết:
“Tháng 7 năm 1971, nhân có đợt tuyển quân của huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An, tôi háo hức tham gia khám nghĩa vụ quân sự. Tôi rất vui khi sức khỏe của mình được xếp loại A đủ điều kiện lên đường nhập ngũ. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang bởi tôi thuộc diện ưu tiên chờ làm thủ tục sang Tiệp Khắc học lớp công nhân kỹ thuật cơ khí vì anh đầu đang ở chiến trường B, anh thứ hai là liệt sĩ. Biết mình không có tên trong danh sách nhập ngũ lần này, tôi ngồi đứng không yên. Tôi viết đơn xin nhập ngũ lần thứ ba cầm trực tiếp đến gặp ông Ngô Ngoạt, Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Đức nằng nặc xin đi cho bằng được. Cuối cùng nguyện vọng của tôi cũng được ông Ngô Ngoạt chấp nhận. Đối với tôi, việc lên đường nhập ngũ chẳng những để hoàn thành nghĩa vụ công dân đối với Tổ quốc, mà còn là cơ hội để tôi trả thù cho anh tôi đã hi sinh vì bom đạn Mỹ” (Khi miền Nam vẫy gọi).
Trở thành người chiến sĩ giải phóng quân, Nguyễn Văn Á được biên chế trong "một đơn vị chủ lực cơ động của Mặt trận B5 đóng quân ở Đội 4, Nông trường Quyết Thắng, xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, khi đơn vị đang gấp rút chuẩn bị cho Chiến dịch Xuân – Hè năm 1972". Đó là mùa hè đỏ lửa, Nguyễn Văn Á không bao giờ quên.
Những chiến sĩ của Trung đoàn 27 (Đoàn Triệu Hải) anh hùng mà xạ thủ Nguyễn Văn Á tự hào là một chiến sĩ của đơn vị đã cùng quân dân Vĩnh Linh bám đất, bám làng, kiên gan chiến đấu chống lại mọi âm mưu thủ đoạn của Mỹ Nguỵ, mở rộng vùng giải phóng xuống phía Nam. Những người lính - những đứa con của đất mẹ Việt Nam, với sứ mệnh lịch sử của mình đã một lần nữa được tái hiện đầy bi tráng trong những trang viết của Nguyễn Văn Á.
“Mùa Xuân năm 1972, chiến trường Quảng Trị lại vào mùa chiến dịch… Đêm Trường Sơn và cái rét Nàng Bân vẫn còn phảng phất, đội hình hành quân của Tiểu đoàn 3 như con rắn khổng lồ lặng lẽ xuyên rừng, xuyên đêm vào chiến dịch. Những địa danh Khe Cau, kiềng Cây Quýt, núi Thu Bồn, Điểm cao 1001… lần lượt bị bỏ lại phía sau để rút dần cự ly đến địa bàn tác chiến. Im lặng và im lặng, đoàn quân như bóng ma “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng” trên đường vào chiến dịch, người đi sau bám người đi trước qua ánh sáng lân tinh phát ra từ cây gỗ mục cài sau ba lô của người đi trước. Cứ một tiếng đồng hồ thì dừng lại nghỉ 15 phút, đoàn quân như con sâu đo kiên trì nhích dần nhích dần đến Điểm cao 322 và 288 trước khi trời sáng” (Nổ súng trước giờ G).
“Phía Nam sông Bến Hải” còn là những trang văn học sử giá trị với nhiều biên độ cảm xúc. Những trận đánh mà tác giả đã trải qua, những người lính kiêu dũng, quả cảm mà tác giả đã cùng chung chiến hào, những câu chuyện nghĩa tình đồng đội và sự gắn bó máu thịt của quân dân trong thời chiến… đã được Nguyễn Văn Á tái hiện bằng giọng văn trần thuật, mang hơi thở chân thực và góc nhìn xác tín của người trong cuộc nên ấn tượng với người đọc.
“Phía Nam sông Bến Hải”, giúp người đọc thấm thía sâu hơn về sự tàn khốc của chiến tranh, nhiều vết thương không thể nào lành lại. Cũng qua đó, ta thấu hiểu được cái giá của hòa bình không thể lượng hóa bằng những con số hay miêu tả bằng từ ngữ… ta tự hào về một dân tộc Việt Nam anh hùng, với ý chí, nghị lực, sức mạnh đại đoàn kết đã làm nên những chiến công vĩ đại.
Đất nước đã thống nhất hơn 50 năm nay, biên giới bình yên cũng đã hàng chục năm nay nhưng dường như dư âm của chiến tranh, hình ảnh người lính giữa làn ranh sinh tử còn ám ảnh.
Đặc biệt, trong tập truyện ký “Phía Nam sông Bến Hải” có Phần 2 “Trầm tích” gồm 9 bài viết về “hành trình hậu chiến” của chính Thượng tá Nguyễn Văn Á để tri ân đồng đội, định tên cho liệt sĩ. Anh đã có những quyết tâm không mệt mỏi huy động mọi nguồn lực xây dựng nên những công trình tưởng niệm nằm bên sông Bến Hải để anh linh đồng đội về đây quây quần, an nghỉ. Hành trình ấy được thể hiện xúc động trong “Trả lại tên cho các liệt sĩ”, “Vết thương không mảnh đạn”, “Viết từ Quảng Trị”, “Nước mắt da cam”…

Đồng đội tặng hoa Thượng tá, nhà báo Nguyễn Văn Á trong lễ ra mắt sách. Ảnh: Ngô Đức Hành.
Trong hành trình đi tìm hài cốt của anh trai mình, Thượng tá, nhà báo Nguyễn Văn Á đã gặp những người mẹ liệt sĩ với nỗi đau muôn kiếp chẳng phôi phai: “Có một lần, tôi ngủ nhờ nhà mẹ Sở ở xã Hưng Lam, huyện Hưng Nguyên nằm bên bờ sông Lam. Năm ấy mẹ Sở mới 65 tuổi, nhưng lưng mẹ đã còng trước tuổi, đôi mắt bị mờ vì bệnh thiên đầu thống. Trên bàn thờ gia tiên của mẹ có 3 tấm bằng “Tổ quốc ghi công”! Khi tôi hỏi về hoàn cảnh gia đình và những đứa con liệt sĩ đã hi sinh, mẹ bỗng òa lên khóc: “Mẹ có 3 người con trai xung phong lên đường giết giặc nhưng đã hi sinh ở mặt trận phía Nam và chiến trường K!”. Nhìn tấm lưng còng của mẹ tôi thầm nghĩ, tấm lưng ấy còng xuống không chỉ vì thời gian, tuổi tác; mà còn vì nỗi đau mất con vít còng lưng mẹ... Nghĩ về nỗi đau của chính mình, tôi hiểu nỗi đau trong lòng mẹ vô bờ bến không thể nào khỏa lấp, dù thời gian là vô tận cũng chẳng thể nào băng bó cho lành!” (22 năm đi tìm hài cốt liệt sĩ).
Cho đến bây giờ, Thượng tá Nguyễn Viết Á vẫn nặng lòng với đồng đội, đồng chí. Vì thế, anh luôn bền bỉ với công tác, “Đền ơn đáp nghĩa”... Mỗi lần như vậy, anh được sống trong hai chiều kích, vừa được tri ân, đáp nghĩa; vừa được “hành hương về quá khứ”, trò chuyện cùng quá khứ.
Sự kết hợp giữa hồi ký cá nhân và góc nhìn của một nhà báo, một người miệt mài với công tác “Đền ơn đáp nghĩa” khiến tập truyện ký “Phía Nam sông Bến Hải” không chỉ kể lại lịch sử của một vùng đất, một đơn vị, những người lính mà còn giúp thế hệ sau thấu hiểu sâu sắc hơn về giá trị của độc lập, biết nâng niu, gìn giữ hòa bình. Đó cũng chính là giá trị tư tưởng của cuốn sách. Đó cũng là quan điểm sáng tác của Nguyễn Văn Á: Viết cũng là một cách “Đền ơn đáp nghĩa”, cuộc đời và trang văn phải hòa quyện vào nhau hướng về một đạo lý.