| Hotline: 0983.970.780

Nàng tiên cá cuối cùng: Khúc bi ca về loài bò biển

Thứ Ba 22/07/2025 , 18:19 (GMT+7)

Một câu chuyện viết nên từ hóa thạch hay khúc bi ca về loài bò biển Stellar và lời cảnh tỉnh về tốc độ diệt chủng..., tất cả có trong 'Nàng tiên cá cuối cùng'.

Câu chuyện viết nên từ hóa thạch

“Tất cả mọi sinh vật trong thiên nhiên, được nhào nặn tỉ mỉ và công phu đến thế, được nhân giống tuyệt vời đến thế, được hỗ trợ thuận lợi đến thế trên khắp ba vương quốc, dường như đều được Đấng Tạo Hóa dành cho con người. Tất cả đều có thể được con người sử dụng...” - lời của Linnaeus trong Luận văn khoa học nổi tiếng "Oeconomia Naturae" (1749) từng là biểu tượng cho thế giới quan của một thời đại: khi thiên nhiên được nhìn như một kho tài nguyên vô hạn, và con người là kẻ được quyền định đoạt.

Chính tư tưởng này đã khiến bò biển Stellar - một loài động vật hiền lành, từng sống sót qua kỷ băng hà - tuyệt chủng chỉ sau 30 năm kể từ khi bị con người phát hiện.

Tác phẩm Nàng tiên cá cuối cùng của tác giả Iida Turpeinen ra mắt ngày 19/7/2025 được đánh giá là có sức ảnh hưởng trong nền văn học Phần Lan đương đại. Ảnh: Hoàng Hiền.

Tác phẩm Nàng tiên cá cuối cùng của tác giả Iida Turpeinen ra mắt ngày 19/7/2025 được đánh giá là có sức ảnh hưởng trong nền văn học Phần Lan đương đại. Ảnh: Hoàng Hiền.

Gần ba thế kỷ sau tuyên ngôn tại "Oeconomia Naturae", khi loài người lần lượt chứng kiến sự ra đi của bò biển cho đến cá thể cuối cùng, tháng 7/2025, cuốn tiểu thuyết Nàng tiên cá cuối cùng của nhà văn Phần Lan Iida Turpeinen vang lên như một khúc bi ca, tái hiện lại bi kịch của những sinh vật tội nghiệp này. Tác phẩm là bản hòa tấu mê hoặc giữa khoa học và văn chương, tưới đẫm nỗi đau của tự nhiên.

Cho đến nay, Georg Wilhelm Steller vẫn là người duy nhất có những ghi chép chi tiết về loài vật này khi chúng còn sống. Loài bò biển Steller (tên khoa học Hydrodamalis gigas) được đặt theo tên ông để ghi nhận công lao trong việc phát hiện và ghi chép về loài vật này.

Cuốn sách kể về chuyến thám hiểm Bắc Thái Bình Dương của Georg Wilhelm Steller, tiến sĩ thần học, nhà tự nhiên học, cùng thuyền trưởng Vitus Bering với mục tiêu tìm tuyến đường biển từ châu Á sang châu Mỹ vào năm 1741. Tuy họ không tới được lục địa mới, nhưng Georg Wilhelm Steller đã có một bất ngờ khác khi phát hiện một loài động vật có vú khổng lồ, được ví như “nàng tiên cá” trong truyền thuyết.

Tuy nhiên, “Một số nhà khoa học cho rằng con vật này là một huyền thoại, là chuyện nhảm nhí của các thủy thủ, và rằng Steller đã tự bịa ra con vật này để khuếch trương danh tiếng của mình”, bởi họ không tin rằng một sinh vật to lớn đến vậy lại có thể biến mất chỉ sau ba thập kỷ kể từ khi được phát hiện. Nhưng đó là sự thật tàn nhẫn: chúng ra đi quá nhanh, quá lặng lẽ, đến mức con người không kịp lưu giữ một minh chứng sống nào.

Mỗi dòng chữ như tiếng vọng từ đại dương xa xôi, được cất lên từ hóa thạch còn sót lại của một loài sinh vật không còn tồn tại. Tác phẩm gây ấn tượng mạnh mẽ bởi sự đan cài tài tình giữa các yếu tố khoa học và văn chương, triết luận và diễn giải, chiêm nghiệm và day dứt...

Hồi chuông cảnh tỉnh về tốc độ diệt chủng

Bên cạnh câu chuyện về chuyến phiêu lưu và những thông tin khoa học thú vị, cuốn sách còn gợi lên những suy ngẫm về bảo tồn. Trong phần cuối của cuốn sách, tác giả đề cập đến việc khoảng gần 500 loài sinh vật khác được xác định là đã biến mất trong thời gian cuốn sách được viết - một con số gây choáng váng, thậm chí khó tin.

Tác phẩm không chỉ truyền cảm hứng về đam mê nghiên cứu và tinh thần trách nhiệm với thiên nhiên, đồng thời cũng là hồi chuông cảnh tỉnh với nhân loại về tốc độ diệt chủng mà con người đang góp phần tạo ra.

Cuốn sách cho bạn đọc thấy rằng con người đã can thiệp vào tự nhiên không chỉ bằng sự khai thác, mà bằng cả sự thờ ơ và kiêu ngạo. Những loài sinh vật mất đi không đơn thuần là những cái tên trong danh mục đỏ, mà còn là những mắt xích quan trọng trong hệ sinh thái, những kho lưu trữ di truyền không thể thay thế, thậm chí là những minh chứng sống động của lịch sử tiến hóa.

Những con ếch biến mất không chỉ là một loài nhỏ bị tuyệt chủng, mà có thể là sự sụp đổ của chuỗi thức ăn, sự mất cân bằng trong sinh thái, kiểm soát dịch bệnh, và lan truyền hệ lụy tới cả cộng đồng con người.

Việc gần 500 loài biến mất chỉ trong thời gian một cuốn sách được viết ra không còn là một cảnh báo, mà là một thực tại. Thực tại ấy cho thấy thiên nhiên đang không kịp tự chữa lành. Và nếu không thay đổi, chính con người sẽ là loài tiếp theo phải đối mặt với một tương lai tương tự.

Khi sự sống quanh ta mờ dần và lặng lẽ biến mất, đó cũng là lúc nhân loại đối mặt với câu hỏi lớn nhất của thời đại: Chúng ta có đang tự hủy diệt chính mình, chỉ vì không học được cách sống cùng tự nhiên?

Cuốn sách "Nàng tiên cá cuối cùng" của tác giả Phần Lan Iida Turpeinen do NXB Kim Đồng phát hành. Với "Nàng tiên cá cuối cùng", nữ nhà văn Iida Turpeinen đã vinh dự nhận Giải thưởng Văn học Helsingin Sanomat dành cho tác phẩm đầu tay xuất sắc nhất và lọt vào danh sách đề cử Finlandia - giải thưởng văn học lớn nhất tại Phần Lan và Giải thưởng Torch-Bearer - giải thưởng nhằm tôn vinh các tác phẩm văn học Phần Lan nổi bật trong năm có triển vọng thành công trên thế giới.

Xem thêm
U16 nữ Hà Nội bảo vệ thành công ngôi vô địch quốc gia

U16 nữ Hà Nội giành chiến thắng 2-1 trước Hà Nam, chính thức bảo vệ thành công danh hiệu vô địch giải U16 bóng đá nữ quốc gia 2025.

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam sắp thu vé tham quan

Từ ngày 12/4/2025, người dân và du khách khi vào tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cần mua vé với mức giá 40.000 đồng/người/lượt.

Ươm tạo 100 doanh nghiệp du lịch tiên phong quản lý rác hiệu quả

Mục tiêu của ‘Mạng lưới du lịch Việt Nam không rác’ là đến năm 2030 ươm tạo được ít nhất 100 hạt nhân doanh nghiệp tiên phong thực hành quản lý rác hiệu quả.

Vật liệu cũ ‘kể chuyện mới’

Vườn hoa Diên Hồng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) bất ngờ ‘kể chuyện mới’ với một không gian nghệ thuật đầy màu sắc, được tạo dựng hoàn toàn từ vật liệu cũ.

Bình luận mới nhất