
Dưới ánh trăng. Tranh: Trần Thị Ngọc Anh.
Trăng có tự ngàn xưa. Ông bà cụ kỵ tôi sinh ra đã có ánh trăng rồi. Tôi lớn lên đã có trăng đi vào trong lời ru ngọt ngào của bà của mẹ. Trăng đã ở trong truyện cổ tích, đưa tôi vào những giấc mơ kỳ diệu.
Có những hôm trăng tròn như cái mâm nhô lên khỏi dãy núi đàng đông. Trăng nhô lên khỏi ngọn tre, đứng trong nhà nhìn ra cứ tưởng những ngọn tre cong như chiếc cần câu đang treo cái đèn lồng rực rỡ. Ánh trăng ngời ngời rải một màu vàng lên trên nền trời bắt đầu sẫm lại. Một thứ ánh sáng huyền diệu thả xuống làng quê đang chuẩn bị bữa cơm muộn.
Mẹ dọn cơm ra sân, ánh trăng thay ánh đèn dầu rọi sáng khắp sân nhà. Cả nhà quây quần bên mâm cơm, bao nhiêu chuyện trong ngày các con đua nhau kể, bữa ăn mới thú vị làm sao. Trăng trung tuần vời vợi, ăn cơm xong anh em chúng tôi kê chiếc chõng tre ra sân nằm ngắm trăng. Hình cây đa chú Cuội rõ mồn một. Chúng tôi nghêu ngao khúc đồng dao “Chú Cuội ngồi gốc cây đa, thả trâu ăn lúa gọi cha ời ời, tối về cha đánh ba roi, đánh xong rồi lại bắt ngồi trông trâu.”. Rồi mấy đứa lại xuýt xoa thương cho chú Cuội, không được học hành vui chơi, quanh năm suốt tháng chỉ quanh quẩn bên gốc cây đa.
Ngày mùa ở nông thôn trăng là bạn bè thân thiết. Cơm tối xong, cha rũ lúa bông ra sân để trục. Chúng tôi chạy nhảy lên sân lúa đang nguyên hạt, tiếng hạt lúa cọ sào sạo dưới những đôi chân trần nhỏ bé. Ánh trăng theo vòng quay cót két của cái trục đá làm cho ánh sáng loang loáng. Đêm trăng sáng, đội sản xuất tổ chức sinh hoạt, mọi người ngồi dưới ánh trăng, bên ấm nước chè xanh điếu thuốc lào thi nhau nhả khói.
Trung thu không những là niềm háo hức đợi chờ của bọn trẻ mà còn là niềm vui của người lớn. Cha tôi ngồi tỉ mẩn tì mần trau chuốt từng cái nan tre. Mẹ đi chợ mua mấy tờ giấy màu. Cha cắt dán cho tôi cái đèn lồng xinh xinh. Trung thu ánh trăng sáng vằng vặc, bọn trẻ con tập trung rước đèn lồng vòng quanh đường làng ngõ xóm. Tiếng trống ếch vang vang, ánh trăng rung rinh theo nhịp chân nhịp nhàng của trẻ nhỏ. Trăng đồng hành cùng bọn trẻ chúng tôi, soi rõ từng bước chân nhỏ xinh xinh. Sau khi phá cỗ vui chơi thỏa thích ở đình làng, trăng ân cần theo chân từng đứa trẻ vào tận ngõ.

Đi cấy dưới trăng. Ảnh: Trà My.
Những ngày nắng nóng, mẹ tôi và các bà các chị rủ nhau đi nhổ mạ, đi cấy ban đêm. Tiếng giũ đất xoàn xoạt, hạt đất bắn tung tóe xiên qua dải lụa trăng. Mạ cắm xuống khiến ánh trăng vỡ loang ra trên mặt ruộng tạo thành những con sóng vàng nho nhỏ chạy vào xung quanh bờ. Đêm khuya thanh vắng, ánh trăng tràn trề chảy mãi chảy mãi, chảy vào cuối tận đường làng xa tít. Dưới tán lá cây, ánh trăng len lỏi thả xuống đường từng vũng sáng trông như những bông hoa to bằng bạc. Cơn gió thoảng qua lá cây, ánh trăng lay động làm các bông hoa vỡ ra luênh loang trên mặt đất.
Có những đêm mùa đông, ánh trăng như đông cứng lại trên các cành cây ngọn cỏ, tưởng như đưa tay ra là có thể vốc được từng nắm ánh sáng bỏ vào trong túi áo. Đêm càng về khuya ánh trăng càng sáng. Bờ cây bụi cỏ ban ngày trông bình thường, đêm qua ánh trăng chỗ sáng chỗ tối tạo nên những hình thù kì dị. Gió lay động làm cho chúng nhảy múa, đàn chó trong làng thấy lạ thi nhau sủa trong rấm rẳn. Những đêm như vậy mẹ tôi bảo, đó là tiếng chó cắn ma làm cho chúng tôi rúc đầu vào tấm chăn mà không dám thò đầu ra. Bao nhiêu là chuyện kể về trăng, chúng tôi nghe đi nghe lại đến thuộc làu.
Đêm trăng sáng, tôi theo mẹ đi gánh nước đêm. Tay cầm cái gàu múc nước bằng mo cau, mắt nhìn lên trời thấy trăng đang bước theo mình từng bước. Ra đến giếng làng ngó xuống, tôi thấy trăng nằm tận đáy giếng tự khi nào. Chiếc gàu nhẹ nhàng thả xuống, ánh trăng tan ra hàng ngàn mảnh lay động theo sóng nước, giếng bỗng sáng lấp lóa giống như một giếng vàng ai đã nung chảy. Ánh trăng sóng sánh theo đôi thùng nước nhún nhẩy về nhà. Những giọt nước văng ra mang theo ánh trăng rơi xuống đất hòa lẫn với muôn vàn ánh sáng đang rờ rỡ dưới đôi bàn chân thoăn thoắt của mẹ. Có nhiều đêm mặt trăng bị khuất, mẹ bảo, mặt trăng bị “Trai ăn”. Chúng tôi không biết “Trai” là gì nhưng giận Trai lắm và thương trăng lắm.
Trăng đã ăn sâu vào đời sống tinh thần của người dân quê tôi. Các cụ cao niên trông trăng để đoán biết thời tiết, “Trăng quầng thị hạn, trăng tán thì mưa”. Mẹ tôi trông trăng theo tục ngữ ông cha truyền lại, canh thời gian để dàn xếp công việc. “Mồng một lưỡi trai, mồng hai lá lúa, mồng ba câu liêm...” cứ như vậy cũng đủ biết trăng gần gũi thân thương đến mức nào rồi.
Trăng khuyết lại tròn. Quy luật của thiên nhiên gieo vào lòng người niềm tin hy vọng. Con người ta trong cuộc sống có nhiều lúc gặp khó khăn nhưng luôn tin tưởng vào một ngày mai tươi sáng, cũng như ánh trăng tròn rồi lại khuyết. Con người bầu bạn cùng trăng, nhưng có lẽ mặt trăng cũng rất quyến luyến loài người. Có những ngày đầu tháng mặt trời đã lên cao nhưng mặt trăng vẫn chần chừ không chịu lặn. Mặt trời đàng đông, mặt trăng lơ lửng đàng tây như đang luyến tiếc một hành trình giang dở. Trăng thân thương được ví như người mẹ dịu hiền: “Một mẹ sinh được ngàn con, rạng ngày lặn hết chỉ còn một cha, mặt mẹ tươi đẹp như hoa, mặt cha nhăn nhó chẳng ma nào nhìn”. Trăng là đề tài cho các thi nhân ngâm vịnh. Thú ngắm hoa thưởng nguyệt của những tao nhân mặc khách đã có từ xưa luôn luôn tồn tại và phát triển.

Trăng quê. Ảnh: TBNH.
Trăng treo vời vợi trên trời cao, nhưng đã chứng kiến cho bao cuộc trao duyên hò hẹn. Trăng tác thành duyên chồng vợ. Trăng thao thức cùng người vợ, người mẹ trông ngóng những người chồng người con đang ngoài mặt trận. Trăng khuyết rồi đầy, củng cố niềm tin sắt đá: Mọi chuyện dù khó khăn đến mấy rồi cũng sẽ qua, đến ngày viên mãn. Người thương tính từng tuần trăng một để đợi chờ người thương.
Đêm nay tôi ra sân ngẩng mặt lên nhìn trời. Trăng chơi vơi giữa bầu trời rộng lớn. Không còn những bờ tre có cây tre cao vút cong như cái cần câu để kéo trăng lên khi trăng vừa mọc. Nhưng trăng vẫn tròn vành vạnh thả xuống nhân gian ánh vàng rười rượi. Cũng có thể là tôi đã già. Cũng có thể là làng xóm đã mọc lên các nhà cao tầng che khuất sự phóng khoáng của ánh trăng. Tiếng gió xào xạc như tiếng thở dài, tiếc thương cho một thời xưa cũ. Những đứa trẻ thế hệ bây giờ ánh điện đã thay thế ánh trăng xưa. Sau khi học bài xong, chúng không còn nô đùa dưới ánh trăng như thế hệ chúng tôi, mà chỉ có những trò chơi trên mạng internet. Nhưng tôi tin, vẫn còn có những người chung thủy với ánh trăng, lòng vẫn dằng dặc những mùa trăng thương nhớ.