| Hotline: 0983.970.780

Dấu vết lịch sử ở Bảo tàng Gốm thời dựng nước

Thứ Ba 22/07/2025 , 18:20 (GMT+7)

Dấu vết lịch sử qua những sản phẩm gốm của người Việt, được thể hiện rõ nét ở ‘Bảo tàng Gốm thời dựng nước’ vừa được khánh thành tại TP.HCM.

Chi Bảo và những mảnh gốm thời văn hóa Đa Bút Thanh Hóa, niên đại khoảng 8.000 - 6.000 năm trước Công nguyên. Ảnh: Văn Bảy.

Chi Bảo và những mảnh gốm thời văn hóa Đa Bút Thanh Hóa, niên đại khoảng 8.000 - 6.000 năm trước Công nguyên. Ảnh: Văn Bảy.

Dấu vết lịch sử được nhìn thấy qua gốm, vì đó những sản phẩm văn hóa đặc sắc gắn bó mật thiết với đời sống vật chất và tinh thần của người Việt từ ngàn đời xưa. Dấu vết lịch sử ở mỗi nồi đất, mỗi chum vại trong sinh hoạt thường dân, đến những bình gốm men lam tinh xảo dùng trong cung đình. Dấu vết lịch sử ở gốm cũng phản ánh sâu sắc tiến trình trình độ kỹ thuật và năng lực thẩm mỹ của người Việt qua các thời kỳ.

Bằng khảo sát các di chỉ, có thể thấy gốm Việt xuất hiện từ văn hóa Hòa Bình (12.000 - 10.000 năm trước Công nguyên), văn hóa Bắc Sơn (10.000 - 8.000 năm trước Công nguyên), Quỳnh Văn (8.000 - 6.000 năm trước Công nguyên), Cái Bèo (7.000 - 5.000 năm trước Công nguyên), Đa Bút (6.000 - 5.000 năm trước Công nguyên), Phùng Nguyên (2.000 - 1.500 năm trước Công nguyên), Sa Huỳnh (2.000 - 1.000 năm trước Công nguyên), Đồng Đậu (1.500 - 1.000 năm trước Công nguyên), Gò Mun (1.000 - 600 năm trước Công nguyên)...

Mỗi sản phẩm gốm đều mang dấu vết lịch sử và văn hóa. Ảnh: BTCC.

Mỗi sản phẩm gốm đều mang dấu vết lịch sử và văn hóa. Ảnh: BTCC.

Dấu vết lịch sử của gốm Việt thời dựng nước là một câu chuyện hấp dẫn với công chúng. Vì vậy, khi doanh nhân Chi Bảo thành lập “Bảo tàng Gốm thời dựng nước” tại TP.HCM, lập tức thu hút sự quan tâm của giới sưu tầm lẫn giới thưởng ngoạn. Doanh nhân Chi Bảo từng là một gương mặt diễn viên nam ăn khách của điện ảnh nước ta cách đây hai thập niên.

Doanh nhân Chi Bảo cho biết, sau khi rời khỏi phim trường, ông dành nhiều thời gian để sưu tầm gốm. Hiện tại, doanh nhân Chi Bảo sở hữu hơn 1.000 cổ vật gốm thuộc nhiều nền văn hóa tiền Đông Sơn, Xây dựng Bảo tàng Gốm thời dựng nước, doanh nhân Chi Bảo bày tỏ: “Bảo tàng mong muốn trở thành cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, khơi dậy niềm tự hào về nền văn hóa cổ đại Việt Nam. Chúng tôi kỳ vọng nơi đây sẽ trở thành điểm đến văn hóa - lịch sử hàng đầu, nơi mỗi hiện vật kể câu chuyện về cội nguồn dân tộc”.

Gốm thời văn hóa Phùng Nguyên. Ảnh: BTCC.

Gốm thời văn hóa Phùng Nguyên. Ảnh: BTCC.

Trong các sản phẩm gốm trưng bày ở Bảo tàng Gốm thời dựng nước, có một sản phẩm được công nhận Bảo vật quốc gia vào cuối năm 2024 là chõ gốm Đông Sơn. Theo các nhà nghiên cứu, chõ gốm Đông Sơn được làm bằng đất nung, sét mịn pha cát, bã thực vật, sạn nhỏ, pha bột thổ hoàng. Xương gốm màu xám đỏ. Áo gốm màu đỏ. Quan sát kỹ áo, xương gốm và chụp Micropicture - vi ảnh cho thấy gốm được nung ở nhiệt độ cao, khoảng 800 - 900°C.

Chõ gốm Đông Sơn là hiện vật gốc, độc bản, mang dấu vết lịch sử đặc biệt. Đây là báu vật của người Việt cổ thời các vua Hùng dựng nước được đánh giá rất cao trong thứ bậc của đồ gốm văn hóa Đông Sơn.

Chõ gốm Đông Sơn được công nhận Bảo vật quốc gia. Ảnh: BTCC.

Chõ gốm Đông Sơn được công nhận Bảo vật quốc gia. Ảnh: BTCC.

Trước chõ gốm Đông Sơn, một số sản phẩm gốm đã được công nhận Bảo vật quốc gia từ năm 2012 đến nay. Có thể kể đến bình gốm hoa lam vẽ Thiên Nga (thời Lê sơ) hoặc tượng gốm người dâng lễ vật thuộc dòng gốm Phù Lãng.

Gốm Việt ở từng vùng miền đều mang một dấu ấn riêng biệt. Gốm Bát Tràng nổi bật với kỹ thuật làm men và họa tiết vẽ tay tinh xảo, gốm Biên Hòa mang phong cách hiện đại và mạnh mẽ; gốm Gò Sành lại thể hiện sự độc đáo trong cách tạo hình và trang trí. Dù khác biệt, tất cả đều phản ánh một tinh thần Việt Nam cần cù, sáng tạo và trân trọng cái đẹp.

Nét tinh xảo thể hiện ở từng sản phẩm gốm. Ảnh: BTCC.

Nét tinh xảo thể hiện ở từng sản phẩm gốm. Ảnh: BTCC.

Ngày nay, trong xu hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa, nghề gốm truyền thống đứng trước nhiều thách thức. Tuy nhiên, nhiều nghệ nhân và làng nghề vẫn nỗ lực bảo tồn và phát triển, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại để đưa gốm Việt vươn tầm quốc tế. Những sản phẩm gốm không chỉ là vật dụng thường ngày mà còn là tác phẩm nghệ thuật mang hơi thở văn hóa Việt, góp phần gìn giữ bản sắc dân tộc.

Sự có mặt của Bảo tàng Gốm thời dựng nước do tư nhân đầu tư, không chỉ góp thêm một địa chỉ văn hóa, mà còn chứng minh bề dày lịch sử của gốm Việt xứng đáng được trân trọng và gìn gữ.

Xem thêm
U16 nữ Hà Nội bảo vệ thành công ngôi vô địch quốc gia

U16 nữ Hà Nội giành chiến thắng 2-1 trước Hà Nam, chính thức bảo vệ thành công danh hiệu vô địch giải U16 bóng đá nữ quốc gia 2025.

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam sắp thu vé tham quan

Từ ngày 12/4/2025, người dân và du khách khi vào tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cần mua vé với mức giá 40.000 đồng/người/lượt.

Ươm tạo 100 doanh nghiệp du lịch tiên phong quản lý rác hiệu quả

Mục tiêu của ‘Mạng lưới du lịch Việt Nam không rác’ là đến năm 2030 ươm tạo được ít nhất 100 hạt nhân doanh nghiệp tiên phong thực hành quản lý rác hiệu quả.

Vật liệu cũ ‘kể chuyện mới’

Vườn hoa Diên Hồng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) bất ngờ ‘kể chuyện mới’ với một không gian nghệ thuật đầy màu sắc, được tạo dựng hoàn toàn từ vật liệu cũ.

Bình luận mới nhất