| Hotline: 0983.970.780

Giáo sư Ra Hee Duk và cuộc gặp gỡ thi ca Việt - Hàn

Thứ Ba 15/07/2025 , 16:51 (GMT+7)

Giáo sư Ra Hee Duk đang giảng dạy Khoa Sáng tác Văn học của Đai học Khoa học và Công nghệ Seoul, tham gia chương trình ‘Gặp gỡ thi ca Việt - Hàn’ tại TP.HCM.

Giáo sư Ra Hee Duk - một nhà thơ có giọng điệu riêng

Giáo sư Ra Hee Duk (Ra Heeduk) sinh năm 1966 ở Nonsan, tỉnh Chungcheong Nam, Hàn Quốc. Ngoài công việc giảng dạy, giáo sư Ra Hee Duk cũng là một tác giả nổi tiếng của văn chương Hàn Quốc đương đại. Xuất hiện trên văn đàn xứ sở kim chi từ năm 1989 với tác phẩm “Gửi đến cội rễ”, giáo sư Ra Hee Duk liên tục giành được nhiều giải thưởng văn học uy tín, trong đó có thể kể đến Giải Văn học Kim Soo-young, Giải Văn học Kim Dal-jin, Giải Thơ Sowol, Giải Văn học Midang, Giải Văn học Lee Sang, Giải Văn học Jihoon, Giải Văn học Nghệ thuật Im Hwa, Giải Văn học Baek Seok, Giải Thơ Yeongrang...

Giáo sư Ra Hee Duk.

Giáo sư Ra Hee Duk.

Thông qua sự kết nối của Trường Đại học Văn Lang, giáo sư Ra Hee Duk sang Việt Nam tham gia chương trình “Gặp gỡ thi ca Việt - Hàn” tổ chức tại TP.HCM. Bằng chính tác phẩm của mình, giáo sư Ra Hee Duk quan niệm sống: “Tôi sẽ là người khả dĩ/ Đặt niềm tin vào những điều bất khả/ Không lung linh ánh sáng/ Giữa le lói ánh đèn đom đóm/ Tôi sẽ viết về ánh sáng và bóng đêm - nơi ta chưa từng chạm/ về những điều khắc khoải theo dòng mực cạn khô”.

Trong sự trỗi dậy của văn chương Hàn Quốc vài thập niên gần đây, giáo sư Ra Hee Duk dự phần với tư cách một tác giả có giọng điệu riêng. Tập thơ “Cái gì đó đang tối sầm lại” không chỉ được đón nhận nồng nhiệt tại Hàn Quốc, mà còn được dịch sang tiếng Anh để chinh phục công chúng quốc tế.

Phần lớn tác phẩm Ra Hee Duk đề cập đến sự ngột ngạt của xã hội công nghiệp, đôi khi khiến con người dễ dàng đánh mất chính mình: “Anh là người thành thật/ Muốn nói một lời dối gian, anh phải cố gắng vô vàn/ Giữ nét mặt không ai thấu rõ, chờ đến khi máu đông như mực khô lại/ Mỗi buổi sáng anh nhận một gương mặt mới/ Gương mặt hôm nay chẳng nhớ nổi ngày hôm qua/ Lời dối gian càng cứng lại, càng giống lời một con rắn chẳng còn nọc độc/ Anh là người thành thật/ Nhưng anh biết giá trị của lời nói dối/ Anh biết cả sự khác biệt giữa dối trá và bí mật/ Bởi làm sao có thể truyền đi nỗi buồn sâu thẳm mà chẳng dùng chút gian dối nào?”.

Tập thơ 'Cái gì đó đang tối sầm lại' phiên bản tiếng Anh của Ra Hee Duk.

Tập thơ "Cái gì đó đang tối sầm lại" phiên bản tiếng Anh của Ra Hee Duk.

Tác phẩm của Ra Hee Duk thể hiện sự gần gũi trong cách nhìn và cách nghĩ giữa người Việt Nam và người Hàn Quốc thời hội nhập

Bên cạnh thi ca, giáo sư Ra Hee Duk cũng có sở trường về tản văn. Những câu chuyện nhẹ nhàng và tinh tế của bà, giúp độc giả hiểu thêm nhiều giá trị bị khuất lấp giữa chen lấn bôn ba: “Tôi thật sự là một người đã trải qua không ít sai lầm trong đời. Có lần, tôi dừng chân nghỉ ngơi tại một ngôi chùa chỉ có những người xuất gia đang sinh sống. Sáng hôm sau khi thức dậy với mái tóc rối bù, tôi mới nhận ra rằng mình đã quên mang theo lược. Bình thường, tôi không phải là người cẩn thận chuẩn bị đồ đạc, nhất là những thứ như lược hay mỹ phẩm khi đi du lịch và hôm đó tôi lại không mang theo túi của mình.

Đúng lúc ấy, một vị sư già xuất hiện. Không kịp suy nghĩ, tôi liền cất tiếng hỏi: “Thưa sư thầy, người có thể cho con mượn lược được không?”. Vị sư thầy nhìn tôi ngạc nhiên. Lúc này, tôi mới chợt nhận ra mái đầu trọc sáng bóng của sư thầy. Tôi đã quên mất một điều rằng đây là nơi chỉ có những người xuất gia đang sinh sống và tôi đã vô tình hỏi một câu ngớ ngẩn. Tôi đứng đó ngượng ngùng không biết phải làm gì, như thể tôi đã vô ý trêu chọc sư thầy, nhưng sư thầy lại mỉm cười và chỉ tôi đến một góc phòng, nói rằng ở góc kia có một cái túi và trong đó không biết chừng có thể sẽ có chiếc lược mà tôi cần.

Những sai lầm khi không hề chứa đựng ác ý như thế này thường dễ dàng nhận được sự tha thứ. Và có lẽ chính vì thế mà những lần tôi vấp phải sai lầm lại không bao giờ đẩy tôi vào hoàn cảnh khó khăn hay dẫn đến bất hòa trong các mối quan hệ, trái lại, chúng lại thường mang đến những bất ngờ ngọt ngào và niềm vui không ngờ tới”.

Tham gia chương trình “Gặp gỡ thi ca Việt - Hàn” có nhiều tác giả quen thuộc của văn chương Việt Nam. Giáo sư Ra Hee Duk không phải tác giả có nhiều đầu sách giới thiệu tại nước ta, nhưng tác phẩm của bà thể hiện sự gần gũi trong cách nhìn và cách nghĩ giữa người Việt Nam và người Hàn Quốc thời hội nhập: “Sai lầm chính là khoảng trống trong cuộc sống và trong tâm hồn. Nếu không có những khoảng trống ấy, làm sao ta có thể thở trong thế giới đầy rẫy sự chật chội này? Và làm sao ta có thể đứng vững trong dòng đời hối hả mà không bị cuốn đi? Có lẽ, điều nuôi dưỡng con người không phải là tài năng mà chính là sức mạnh của những sai lầm”.

Xem thêm
U16 nữ Hà Nội bảo vệ thành công ngôi vô địch quốc gia

U16 nữ Hà Nội giành chiến thắng 2-1 trước Hà Nam, chính thức bảo vệ thành công danh hiệu vô địch giải U16 bóng đá nữ quốc gia 2025.

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam sắp thu vé tham quan

Từ ngày 12/4/2025, người dân và du khách khi vào tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cần mua vé với mức giá 40.000 đồng/người/lượt.

Ươm tạo 100 doanh nghiệp du lịch tiên phong quản lý rác hiệu quả

Mục tiêu của ‘Mạng lưới du lịch Việt Nam không rác’ là đến năm 2030 ươm tạo được ít nhất 100 hạt nhân doanh nghiệp tiên phong thực hành quản lý rác hiệu quả.

Vật liệu cũ ‘kể chuyện mới’

Vườn hoa Diên Hồng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) bất ngờ ‘kể chuyện mới’ với một không gian nghệ thuật đầy màu sắc, được tạo dựng hoàn toàn từ vật liệu cũ.

Bình luận mới nhất