Gặp nhà văn trẻ Nông Quốc Lập ở buổi Tổng kết Trại sáng tác “Truyện ngắn Hay năm 2025 - 2026” và tản văn “Đối thoại với núi rừng năm 2025” tại Nhà sáng tác Tam Đảo, thực sự tôi ngỡ ngàng và “kinh ngạc”. Nông Quốc Lập sinh năm 1980, người gầy guộc, tóc dựng ngược, sắc thái da không được khỏe. Anh chẳng cao lớn gì.
Để đến với Trại văn này, Nông Quốc Lập phải vượt qua quãng đường 300km từ Trùng Khánh, Cao Bằng. Anh bảo: “Từ nhà Lập đi qua đèo Khau Liêu, đèo Mã Phục, đèo Tài Hồ Sìn, đèo Cao Bắc, đèo Gió, đèo Giàng, quãng đường hơn 300km, đổ xăng 2 lần”.
Tôi nhớ lại, đèo Khau Liêu giữa Quảng Uyên và Trùng Khánh, đèo Mã Phục ở Trà Lĩnh,... đèo Giàng nằm trên Quốc lộ 3 giáp ranh giữa Bạch Thông và Ngân Sơn. Đây là tên các huyện cũ, trước ngày tổ chức chính quyền thành hai cấp. Hóa ra Nông Quốc Lập cùng con “ngựa sắt”- chiếc xe máy cũ từ Cao Bằng qua Thái Nguyên (mới). Không biết, dọc hành trình ấy, Nông Quốc Lập phải dừng lại nghỉ ngơi bao nhiêu lần? Dẫu 6 đèo mà Nông Quốc Lập đã vượt qua, đèo nào cũng đẹp; nhất là đèo 7 tầng Mã Phục được xem là đẹp nhất Cao Bằng, nhưng sức người phải mệt chứ?
Tôi kinh ngạc về điều đó. Mới hay văn chương mê dụ, Đường Văn có sức hấp dẫn đặc biệt với nhà văn trẻ Nông Quốc Lập. Chỉ có thể giải thích với tinh thần ấy.
***
Đường Văn thực ra là tên ấn phẩm chuyên đề văn học được Công ty Văn hóa Thi Nhân Các đầu tư và thực hiện. Đây là công ty tư nhân đầu tiên ở Việt Nam đầu tư cho văn học. Hay nói cách khác, Thi Nhân Các là đơn vị mở đầu thực hiện xã hội hóa văn học. Đường Văn quy tụ các nhà văn nổi tiếng như Hà Phạm Phú, Kiều Bích Hậu, Phan Mai Hương, PGS.TS Ngô Văn Giá, PGS.TS Nguyễn Bích Thu, nhà văn Nguyễn Đình Tú.... về “đầu quân” làm cố vấn hoặc tham gia Ban biên tập.

Nhà văn, đại tá Nguyễn Đình Tú chủ trì buổi họp chuyên đề về phương pháp sáng tác. Ảnh: Ngô Đức Hành.
Tháng 10/2023, Thi Nhân Các và Đường Văn tổ chức cuộc thi “Truyện ngắn hay Đường Văn”. Ngay từ đầu, cách làm được triển khai chuyên nghiệp, bài bản. Trại sáng tác lần thứ nhất cũng được tổ chức ở Tam Đảo, tập hợp nhiều nhà văn tên tuổi, những cây bút tiềm lực như Đoàn Hữu Nam, Văn Giá, Phạm Thanh Khương, Đinh Ngọc Lâm, Bùi Minh Vũ... Người xa nhất ở phía Bắc tham gia là Đoàn Hữu Nam (Lào Cai), xa nhất ở phía Nam là Bùi Minh Vũ (Đắk Lắk). Ban chung khảo gồm các nhà văn Hà Phạm Phú, Võ Thị Xuân Hà, Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Chí Hoan, Phan Mai Hương và dịch giả Linh Chi.
Cuộc thi “Truyện ngắn hay Đường Văn” năm 2023 thu được kết quả “có hậu”, tưởng thưởng xứng đáng những nỗ lực “đi trước mở đường” của Thi Nhân Các. Chung cuộc nữ tác giả trẻ Ngô Tú Ngân, từ TP. Hồ Chí Minh bước lên nhận Giải Nhất với truyện Mỵ Châu. Đó là một sự phát hiện tài năng của Đường Văn, vượt ra ngoài ý nghĩa “bộ giải”.
Trại viết năm 2025 - năm đầu tiên của Kỷ nguyên vươn mình, số trại viên tham gia đa dạng. Bên cạnh Tống Ngọc Hân - nhà văn viết truyện ngắn hàng đầu hiện nay và các cây bút đã thành danh Cầm Sơn, Hà Thanh Vân, Vũ Hải Đăng, phần lớn trại viên là những cây bút trẻ như: Tạ Thị Thanh Hải, Nông Quốc Lập, Bùi Tuấn Minh, Giai Quỳnh; đặc biệt là nhóm “tứ quái” đến từ Tây Nguyên: Li Phan, Lê Vi Thủy, Lê Kim Sơn, Võ Đình Duy. Trong số này, có những Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam tuổi đời còn rất trẻ như Bùi Tuấn Minh, Lê Vi Thủy - đều sinh năm 1983, tác giả còn lại đều đã và đang khẳng định phong cách văn học trên văn đàn. Tác phẩm của họ đã và đang được công bố trên các báo, tạp chí văn học nghệ thuật hàng đầu như Báo Văn Nghệ, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Chuyên đề Văn nghệ Công an (Báo Công an Nhân dân)...
Các nhà văn tham gia Trại sáng tác năm 2024 cũng như năm 2025 có thời gian hoàn thiện tác phẩm dự thi, tham quan thực tế trên địa bàn Vĩnh Phúc (cũ), giao lưu, trao đổi kinh nghiệm sáng tác.
Điều đặc biệt của Trại sáng tác văn học lần thứ hai do Đường Văn tổ chức là “tinh thần” văn nghệ, tinh thần của cái đẹp. Với các giả trẻ tham dự Trại viết để tham gia “Truyện ngắn Hay năm 2025 - 2026” và cuộc thi tản văn “Đối thoại với núi rừng năm 2025” hẳn sẽ “kiêng nể” tên tuổi, bút lực của nhà văn nổi danh Tống Ngọc Hân? Ngược lại, nhà văn Tống Ngọc Hân trải lòng: “Đường Văn giống như đường văn, không phải là con đường được tạo ra bằng những tên tuổi hay tạo ra những tên tuổi, mà là con đường của những sáng tác. Chỉ có tác phẩm hay và chưa hay, chứ không có ai hay hơn ai”.

Các nhà văn tham dự Trại sáng tác truyện ngắn Đường Văn 2025. Ảnh: Ngô Đức Hành.
Khiêm tốn và trân trọng “đồng nghiệp” những “phu chữ” cực nhọc như Tống Ngọc Hân, quả thật là vẻ đẹp đích thực. Đường Văn là tên một ấn phẩm văn học, như đã nói nhưng “đường văn” với tư cách con đường khám phá vẻ đẹp, con đường của chân - thiện mỹ, thì đó là con đường tít tắp. Hay nói cách khác, không ai quả quyết đâu là giới hạn của con đường.
Tôi nhớ năm 2023, khi khai mạc cuộc thi “Truyện ngắn hay Đường văn” lần thứ nhất, Tổng Giám đốc Công ty văn hóa Thi Nhân Các Nguyễn Trọng Thắng (còn được biết đến là dịch giả, nhà thơ Linh Chi) có nói: “Chúng tôi quyết định sẽ dấn thân trên một con đường chông chênh giữa một bên là bồng bềnh mây trắng của sự lãng mạn, một bên là những gai góc, khô cằn của xã hội kim tiền. Dẫu khó khăn và đầy thị phi, chúng tôi đã đang và sẽ tiếp tục bước đi trên con đường ấy”. Đó là quyết tâm, hơn cả sự chân thành, sẻ chia.
Ở “sự kiện” này, nhà thơ Linh Chi đọc bốn câu thơ: “Lưng luôn thẳng, bút không còng thế sự/ Tâm mãi ngay, mực cuồn cuộn trong hồn/ Dẫu mưa gió giữ chữ ngời ánh thép/ Vỉa than đời lấp lánh tấc lòng son”, xác tín thông điệp của Đường Văn.

Tổng Giám đốc Thi Nhân Các Nguyễn Trọng Thắng, người đầu tiên ở Việt Nam thực hiện xã hội hóa văn học, tổ chức các Trại sáng tác. Ảnh: Ngô Đức Hành.
Thời gian 10 ngày ở Trại lần thứ hai này, 18 nhà văn đã gửi Ban Tổ chức 14 truyện ngắn; trong đó các nhà văn Tống Ngọc Hân, Tạ Thị Thanh Hải, Nông Quốc Lập, Vũ Hải Đăng mỗi người hai tác phẩm. Số lượng tản văn cũng tương đối khá.
Tham gia một số hoạt động của Trại sáng tác lần thứ hai này của Thi Nhân Các tổ chức, tôi đặc biệt ấn tượng với buổi nói chuyện chuyên đề giữa Ban Tổ chức với các nhà văn tham dự Trại. Buổi nói chuyện do nhà văn, Đại tá Nguyễn Đình Tú hiện công tác ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội điều hành, trực tiếp làm diễn giả.
Nhà văn Nguyễn Đình Tú chắc không phải là người nhàn tản. Bận rộn sáng tác, sự vụ của cơ quan nhưng anh đọc hết các tác phẩm của các nhà văn, tác giả trẻ dự Trại đã gửi Ban Tổ chức. Anh trao đổi về đề tài, không né tránh điều được và chưa được trong tác phẩm của các tác giả.
Tâm lý thường thích được khen, nên được nhà văn “đàn anh” mổ xẻ và chê thì hẳn không ai muốn. Thế nhưng, nhà văn Nguyễn Đình Tú đã nhận xét với tất cả sự chân thành. Các nhà văn trẻ tiếp nhận với tất cả sự cầu thị, trân trọng. Đây là điều rất mới, không phải Trại viết nào được tổ chức bằng ngân sách nhà nước, do các tổ chức, đơn vị chủ trì, cũng làm được.
***
Theo nhà văn Hà Phạm Phú, đọc xong 14 truyện ngắn dự trại sáng tác, cảm giác chung là đáng mừng. “Chất lượng dù khác nhau, nhưng không có truyện không đạt yêu cầu. Không ít truyện trong số các tác phẩm dự trại nếu được sửa chữa tốt có thể đăng trên ấn phẩm Đường Văn”, ông chia sẻ.
Có tham gia Trại viết mới hiểu sự vất vả của Thi Nhân Các, cá nhân Trưởng Trại Nguyễn Trọng Thắng và Phó Trưởng trại Phan Mai Hương. Nếu như các tổ chức của nhà nước mở Trại sáng tác, họ có hẳn “bộ máy”, nhưng Trại sáng tác văn học Đường Văn chỉ có hai người. Lo từ kinh phí, lịch trình hoạt động đến thực đơn hàng ngày.
Nhà văn Phan Mai Hương trong Lễ Tổng kết trại, nhắc lại các cuộc thi văn chương của Đường Văn luôn khuyến khích đổi mới, sáng tạo, tôn trọng “cá tính” văn chương. “Ở các tác giả trẻ có tín hiệu, có thể phù hợp, hoặc không phù hợp với văn chương đương đại - nhưng chúng tôi hoàn toàn có thể tin tưởng trong tương lai, họ sẽ làm chủ nền văn học”, chị chia sẻ.

Các nhà văn tham dự Trại sáng tác truyện ngắn Đường Văn 2025 đi thực tế. Ảnh: Ngô Đức Hành.
Khi tôi đang “lọ mọ” thì được biết, ngày mai “tứ quái” Gia Lai sẽ về với Tây Nguyên. Nhà văn, đại tá Vũ Hải Đăng thì báo tin vào nhóm zalo: “Con xe của Nông Quốc Lập đi là Future Neo tuy cũ nhưng đi khá chắc và lướt. Sáng nay hai chú cháu đổ đèo chỉ mất 20 phút. Đến đường rẽ Đại Lải thì hai chú cháu chia tay”.
Như vậy là ngày kia nhà văn trẻ Nông Quốc Lập sẽ “đổ đèo” về đến bản làng. Dốc Mã Phục (ngựa phải nằm) đẹp như cổ tích, nhưng “dốc” Đường Văn còn khó khăn hơn. Nhưng chắc chắn, không riêng Nông Quốc Lập mà với tất cả những người đã tham gia Trại viết Đường Văn 2025, họ viết cách vượt qua, không bỏ cuộc.