| Hotline: 0983.970.780

Hồng Lam - đảo thức giữa dòng Lam

Chủ Nhật 25/05/2025 , 10:13 (GMT+7)

‘Với mô hình du lịch sinh thái, Huy đang làm cho Hồng Lam thức dậy giữa dòng Lam’ - lời của Bí thư Huyện ủy Nghi Xuân khiến tôi quyết tâm 'mò' ra đảo.

Muốn ra Hồng Lam chỉ có cách đi đò ngang. Ảnh: Ngô Đức Hành.

Muốn ra Hồng Lam chỉ có cách đi đò ngang. Ảnh: Ngô Đức Hành.

Muốn ra Hồng Lam chỉ có cách đi đò ngang. Đây là đò ngang duy nhất còn lại ở xứ Nghệ chứ không riêng Hà Tĩnh. Lê Vũ Nguyên Huy - tác giả mô hình HTX du lịch sinh thái Hồng Lam dặn dò tôi mặc áo phao. Xe máy được đẩy lên, người và hàng hóa chất ngất. Đò đầy thì phải sang sông.

Có mặt tại bến đò phía đảo, câu thơ trong thi phẩm Sông Lam nổi tiếng của Trần Mạnh Hảo chợt thức dậy trong tôi: “Sông bổ đôi Nghệ Tĩnh”. Bên ni là Nghi Xuân Hà Tĩnh, bên tê là Vinh Nghệ An.

Nguyên Huy là người thành phố Vinh, bén duyên với đảo Hồng Lam cũng vì ưa khám phá. “Em theo đám bạn sang đây, check-in rồi thích và gắn bó với mảnh đất này. Nghe các cụ kể, làng đảo xưa do người bên Vinh chèo đò sang, phát hiện và ở lại. Họ là những cư dân đầu tiên”. Huy nói.

Hồng Lam là một trong 7 thôn của xã Xuân Giang (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) nhưng là thôn cách biệt. Ngày mà người dân Vinh phát hiện ra vùng đất trù phú giữa sông này như Nguyên Huy nói, đến nay cũng đã 500 năm. Thời những năm 90 của thế kỷ trước, Hồng Lam đỉnh điểm có khoảng 1.500 nhân khẩu, nay chỉ còn trên dưới 400 với 135 hộ dân. Nguyên nhân có nhiều, nhưng chủ yếu đò giang cách trở, lụt bão, đời sống dân sinh, lúc ốm lúc đau, trẻ con đến trường... tất tật phải bên đò vào đất liền.

Cả xóm có đến vài chục ngôi nhà bỏ hoang. Một số bức tường xói mòn, loang lổ, dấu hiệu hư hỏng, những khu vườn trước nhà cỏ dại mọc um tùm. Trường Tiểu học… không người học.

Huy chỉ, trên nền đất đó vốn là 3 phòng học. Năm 2002, Bộ Công an và UBND tỉnh Hà Tĩnh phát động quyên góp, xây dựng lại kiên cố thành 1 tòa nhà hai tầng với 8 phòng học khang trang. Trường là một phân hiệu của Trường tiểu học Xuân Giang, nhưng gần chục năm nay đóng cửa.

Các thế hệ người dân “làng đảo” nối tiếp nhau làm nông nghiệp, đất phù sa không phụ người nhưng vì tương lai của con cháu nên phải vào đất liền mưu sinh. Đảo vì thế ngày càng ít người.

Nghe Nguyên Huy kể chuyện, tôi lại nhớ hai người phụ nữ với khuôn mặt sạm nắng mưa lúc chờ đò. Đó là bà Trần Thị Sâm năm nay đã 71 tuổi có 6 người cháu gọi bằng bà và chị Hồ Thị Loan năm nay 69 tuổi, cũng đã lên chức nội ngoại.

“Đò thì ngày bình thường cũng thuận lợi chú nà. Đò chạy từ 5h00 đến 18h00 trong ngày, giá có hỗ trợ, nhà đò chỉ thu 3.000 đ/lượt. Khổ là mất thời gian chờ và khi có bão lụt, nước sông dâng cao. Bên đảo không có lúa, chỉ có màu. Đất thì làm chưa hết nhưng thu hoạch không biết bán cho ai. Người ta gọi Lam Hồng là “đảo ngọc” nhưng lắm điều khổ. Tôi đưa con, cháu đi học cứ sáng đưa đi, chờ đến chiều đón về luôn. Bên này giờ trâu bò nhiều hơn người. Cả thôn có đến hơn 300 con trâu bé lớn. Không khí mát lành, yên bình, đêm không phải đóng cửa cài then, nhiều cụ bà sống khỏe mạnh hơn trăm tuổi. Có điều đất lành nhưng chim chưa chịu đậu”. Bà Sâm nói.

Cả thôn Hồng Lam có đến hơn 300 con trâu bé lớn. Ảnh: Ngô Đức Hành.

Cả thôn Hồng Lam có đến hơn 300 con trâu bé lớn. Ảnh: Ngô Đức Hành.

Sông Lam hiền hòa, thơ mộng đã thảo thơm bồi đắp nên bãi phù sa màu mỡ, nuôi dưỡng mảnh đất Hồng Lam từ bao đời nay. Người dân đảo trồng lạc, trồng cói không cần đến phân bón. Chăn nuôi gia súc phát triển mạnh. Nhưng, nhiều năm nay, thôn Hồng Lam ngày càng thu hẹp, trước rộng hơn 4km2, nay chỉ còn khoảng 2,5km2, đất sản xuất cũng bị sông “nuốt” đi rất nhiều. Thiên tai thì có từ bao đời, nguyên nhân trực tiếp là do “cát tặc” ngày đêm hoành hành dọc sông Lam.

*

Chiếc xe điện Buggy chở tôi dừng lại trước khu du lịch của HTX Dịch vụ Hồng Lam. Nguyên Huy và vợ là “tác giả” mô hình du lịch sinh thái - ngành nghề kinh doanh của HTX. Vợ Huy, chị Võ Phương Trinh, cùng sinh 1992, bên Vinh, cùng sinh viên Nông nghiệp. Vì mê cảnh vật, con người nơi đây và cũng nhận thấy tiềm năng của “làng đảo”, vợ chồng Huy ấp ủ phát triển dự án du lịch trải nghiệm này.

“Có rất nhiều khó khăn từ khi khởi điểm cho tới thành hình, khó nhất là công tác dân vận để bà con trong thôn cùng hiểu và đồng hành với mình, sau đó tới giấy tờ pháp lý”. Huy kể lại. 

HTX Dịch vụ Hồng Lam ra đời năm 2023 với mục tiêu phát triển du lịch bản địa, liên kết bao tiêu đầu ra cho các sản phẩm địa phương, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân “ốc đảo”. Vợ chồng Nguyên Huy tham gia với vai trò thành viên HTX và cố vấn mô hình thí điểm trải nghiệm du lịch. Các thành viên còn lại đều là người dân Hồng Lam.

Những ngày đầu bề bộn khó khăn. Điện, nước không có. Giao thông đi lại cách trở. Cơ sở vật chất, đồ ăn thức uống... đều khan hiếm. Thậm chí thời gian đầu, Huy phải chở cả đá lạnh “đi đò” sang để phục vụ du khách.

Những vị khách đầu tiên đến “ốc đảo” ban đầu là người thân, bạn bè, không ít người đến chỉ để ủng hộ vợ chồng Huy. Nhưng đến rồi thì mới hay, không gian này quá “chill chill” để "check in". Những thảm cỏ bằng phẳng, xanh mướt mát. Rặng phi lao trăm năm tuổi rủ bóng yên bình. Và hoa cỏ. Một mê cung hương đồng gió nội. Và thế là tiếng lành đồn xa, người nọ giới thiệu người kia.

HTX dịch vụ Hồng Lam mong muốn xây dựng một hành trình giúp du khách trải nghiệm 'sống chậm'. Ảnh: Lê Vũ Nguyên Huy cung cấp.

HTX dịch vụ Hồng Lam mong muốn xây dựng một hành trình giúp du khách trải nghiệm “sống chậm”. Ảnh: Lê Vũ Nguyên Huy cung cấp.

Ở đây, thời gian như chậm lại. Những hình ảnh gần gũi tưởng như chỉ có trong ký ức làng quê xưa: con đò nhỏ, lũy tre xanh, trâu, bò đằm dưới bùn và những người nông dân trên cánh đồng.

Huy nói rất muốn xây dựng một hành trình giúp du khách trải nghiệm “sống chậm”, cảm nhận được những giá trị truyền thống của làng quê, được đón tiếp như những người xa quê về thăm, không cầu kỳ, mọi thứ vừa đủ nhưng sự nhiệt tình thì phải luôn dư dả.

Hiện mô hình thí điểm du lịch trải nghiệm tại Hồng Lam đã tạo công ăn việc làm cho 10 nhân sự là người làng, bước đầu đưa được mặt hàng nông sản địa phương tới với khách du lịch, như ngô, lạc, rươi, mắm cáy, gà “chạy bộ” Hồng Lam… Con em xa quê khi trở về Hồng Lam có thêm một nơi để vui chơi, sinh hoạt cộng đồng. Có người đã trở về chung tay cùng HTX phát triển du lịch trên chính quê hương mình.

Huy đưa tôi đi giới thiệu cơ sở vật chất, lều trại, thuyền Kayak mà vợ chồng anh sắm phục vụ khách du lịch. Kể cho tôi nghe những giá trị mà HTX dịch vụ Hồng Lam đã mang đến làng đảo. Như niềm hạnh phúc của các em nhỏ trên đảo khi lần đầu tiên được xem múa lân, vẽ mặt nạ, làm đèn lồng dịp Tết trung thu. Những điều tưởng như rất nhỏ ở đất liền, phố xá, nhưng ở đảo là một giá trị lớn.

Chưa vội để đòi hỏi một sự thay đổi lớn với Hồng Lam, tất cả đang bắt đầu bằng những niềm vui nhỏ, bước đi chậm. Nhưng rõ ràng, từ sự quan tâm, niềm tin của lãnh đạo huyện Nghi Xuân đặt vào lớp trẻ, từ khát vọng đổi đời của người dân Hồng Lam, từ đam mê của những người như vợ chồng Huy; và từ tiềm năng du lịch giàu có,… giữa dòng Lam, Hồng Lam đã thức.

Hồng Lam nhìn từ trên cao. Ảnh: Thanh Tùng.

Hồng Lam nhìn từ trên cao. Ảnh: Thanh Tùng.

Xem thêm
Chim trời: chỉ dấu của đất lành

Là biểu tượng của tự do và đa dạng sinh học, thế nhưng chim trời, đặc biệt là các loài chim hoang dã, di cư, đang dần vắng bóng.

Sân Quy Nhơn mở cửa tự do 3 vòng đấu giải vô địch quốc gia

Công ty CP Thể thao MerryLand Quy Nhơn Bình Định mở cửa tự do sân Quy Nhơn 3 vòng đấu cuối giải vô địch quốc gia LPBank V.League 2024-2025 diễn ra tại Bình Định…

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam sắp thu vé tham quan

Từ ngày 12/4/2025, người dân và du khách khi vào tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cần mua vé với mức giá 40.000 đồng/người/lượt.

Vật liệu cũ ‘kể chuyện mới’

Vườn hoa Diên Hồng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) bất ngờ ‘kể chuyện mới’ với một không gian nghệ thuật đầy màu sắc, được tạo dựng hoàn toàn từ vật liệu cũ.