Đây là tác phẩm trao cho anh “chìa khóa” mở cửa “ngôi đền văn chương”, chính thức trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và là tập thơ thứ tư sau 20 năm xuất bản tập thơ đầu có tên Ký ức xanh.
Lê Vĩnh Thái in không nhiều, túc tắc, điềm tĩnh như Huế. Thơ Lê Vĩnh Thái không ồn ào, sâu lắng, chiêm nghiệm như vòm trời Đại Nội. Tập thơ Khúc rời những con chim quên tổ chỉ có 27 bài thơ. Tôi để ý đến tập thơ này, không chỉ ở tên các thi phẩm đều có ý nghĩa hình tượng, biểu tượng, mà còn ở các danh từ “mảnh ghép”, “con chim”, tính từ “khúc rời”, “mùa không” trong năm bài thơ.

Nhà thơ Lê Vĩnh Thái.
Xin nói đến không gian nghệ thuật của sắc thái này.
D và những mảnh ghép rời rạc là một bài thơ tình gồm ba khúc, hay gọi cách khác là ba “mảnh ghép rời rạc”. Vì là mảnh ghép rời rạc nên tứ của bài thơ là tứ mở, hay gọi cách khác là cấu tứ lỏng. Đúng là những mảnh ghép rời rạc: “khi anh ngồi trước em/ cây bối rối mọc đầy trong tâm tưởng” – mảnh ghép 1; “ngày cũ/ em đã mở ra và khép lại con đường” – mảnh ghép 2; “câu nói hồn nhiên của em/ chẳng còn gì ngoài mưa” - mảnh ghép 3. Ba mảnh ghép rời rạc ấy hiện lên đời sống tâm trạng của nhân vật “anh”.
Tôi để ý đến mảnh ghép thứ 3: “câu nói hồn nhiên của em/ chẳng còn gì ngoài mưa/ cho anh đi trên sợi dây em đan bằng chuỗi ngày xa vắng/ cho anh về dòng sông em như trở về những ngày ngụp lặn/ và cho anh cả những ngày không nhau/ ngày buồn, cô đơn trong ngôi nhà ý nghĩ”.
Gọi là “Mảnh ghép” nhưng thực ra đó là ba đoạn phim quay chậm của con tàu ký ức, người đọc nghe tiếng còi tàu vào ga ký ức. “Cho anh đi trên sợi dây em đan bằng chuỗi ngày xa vắng” - câu thơ vừa hiện thực của những lứa đôi thương nhớ, đợi chờ, hy vọng vừa siêu thực chạm đến siêu thoát để an nhiên tâm hồn.
Bài thơ Khúc rời những con chim quên tổ là bài thơ khá dài (được nhà thơ Lê Vĩnh Thái đặt tên chung cho tập thơ), bài thơ điển hình xác tín tư duy nghệ thuật trong thơ của anh. Đó là “thế giới” của loài chim, người đọc có thể gặp ở đây: chim mặt cắt, chim chèo bẻo, tu hú, chim sâu, đại bàng, chàng làng... “Chim sâu” được nhắc đến bốn lần, “chàng làng” được nhắc đến bốn lần. Đây là hai loài chim đều có ích bắt sâu bọ trong tự nhiên, nhưng khác với chim sâu, chàng làng có đặc điểm giỏi bắt chước tiếng hót của các loài chim khác.
Bài thơ này có 32 câu, tuy nhiên có nhiều câu thơ dài, nhiều ký tự, ví dụ câu 17 gồm 145 chữ (từ); các câu 17, 18, 19, 20, 21 đều là những câu thơ dài như cánh loài chim bay trong không gian biểu tượng. Mặc dù được “gọi tên” nhưng có khi loài chim ấy chỉ là ẩn dụ; ví dụ “chiếc tổ của đường bay mang tên tu hú”, (câu thứ 12); “chim sâu mang xác đại bàng” (câu 16, 18, 19, 25).
Ngoài chuyện “chàng làng quen lề nhại tiếng”, Lê Vĩnh Thái còn sử dụng đến điển tích “ve sầu thoát xác”, “tu hú đẻ nhờ” trong thế giới tự nhiên để phúng dụ, ngoa dụ những vấn đề của đời sống xã hội, phản chiếu thế sự và nhân tính.
“Hỡi những con chim sâu mang xác đại bàng/ những con chàng làng quen lề nhại tiếng/ quay về quay về/ quay về/ ánh hào quang/ chỉ là ảo vọng hư danh thời quá vãng/ quay về/ quay về”. Bài thơ là một thông điệp, rằng phải thay đổi để thích nghi với đời sống. Đồng thời, phải biết mình, nhận ra mình “hỡi những con chim sâu mang xác đại bàng hỡi con chàng làng ảo vọng hư danh bay chưa qua khỏi bóng mình, mơ hồ bắt bóng, âm vang đôi cánh đầy giông gió” (câu thơ thứ 18).

Bìa tập thơ Khúc rời những con chim quên tổ.
Thơ của các nhà thơ hiện đại, thường hiện thực được làm nhòe mờ, trong bài thơ Khúc rời những con chim quên tổ, tất cả những loài chim (đã được nêu tên) xuất hiện trong một hiện thực hư ảo. Chính vì thế, bài thơ tạo ra sự ám ảnh. Người đọc thơ hiện nay (dẫu chưa đông về tỷ lệ) nhưng đã có cách đọc, cách cảm mới; đòi hỏi những nhà thơ với tư cách là những người sáng tạo ngôn ngữ phải có thi pháp, bút pháp mới, càng lạ càng dễ tạo ra trường cảm xúc.
*
Lê Vĩnh Thái còn rất trẻ, sinh ra và lớn lên ở thành phố Huế. Căn tính đến phong cách, lời ăn tiếng nói của anh toát lên tính cách Huế. Có lẽ vì thế Lê Vĩnh Thái viết nhiều về Huế, bằng cách cảm, cách nghĩ của riêng mình. Hay nói cách khác, Huế với tất cả các không gian đa chiều khúc xạ qua tâm hồn anh, đến ngưỡng đầy lên rồi lắng xuống một cách khác biệt.
Ở tập thơ Khúc rời những con chim quên tổ, Huế khoan thai, cổ tích và lảng bảng sau từng lớp ngôn ngữ, những khúc ru tình, khúc ru cô đơn. Có thể đó là ở bài thơ Con cúi đầu lạy sông, Những giấc mơ sông, Đưa em về Huế, Qua những khúc sông; hoặc viết cho mình (Tôi, con chim hót vườn em; Tôi chẳng thấy tôi; Viết tặng ngày sinh) hoặc viết cho người thân (Nhớ Ba).
Điều dễ nhận ra là Lê Vĩnh Thái mạnh dạn sử dụng phương ngữ, âm hưởng Huế từ trong Ca Huế - loại hình âm nhạc truyền thống được phát triển từ rất lâu đời, thăng hoa thời Nguyễn. Vì thế, nhạc tính trong thơ Lê Vĩnh Thái vừa thính phòng, vừa đại chúng phong cách tự sự, ngâm ngợi, tri âm, tri kỷ.
“con cúi đầu lạy sóng/ lạy ngọn nguồn Trường Sơn hùng vĩ/ đi từ thuở hồng hoang/ triệu triệu năm ư dư bộn bề ánh sáng/ tả hữu rừng đồi/ mênh mếnh nhùng nhằn rung” (Con cúi đầu lạy sông).
“tôi nằm/ sấp ngửa mặt vẫn trên trời dưới đất/ vẫn sáng tối khúc khuya lời ca man dại/ vẫn con đường đất cỏ nghêu ngao hát/ yêu thương chi mà khổ ri trời” (Đêm trên đồi phấn).
Huế là đất Cố Đô, vùng Di sản vật thể, phi vật thể và tư liệu; vùng đất Tâm linh. Ở vùng đất ấy, sông Hương có vị trí đặc biệt không chỉ là danh thắng, “dải lụa mềm” thành phố mà còn là biểu tượng, linh hồn Huế. Dòng sông có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, lịch sử, và là nguồn cảm hứng bất tận cho nghệ thuật và du lịch.

Bìa tập thơ Khúc rời những con chim quên tổ.
Lê Vĩnh Thái sinh ra bên dòng sông ấy. Trong bài thơ Những giấc mơ sông (tâm sự của nhà thơ dành cho con trai), Lê Vĩnh Thái vẽ nên bức tranh từ thi cảm về dòng sông: “con ngồi bên sông, câu ca ru tím sau nhà/ cây sung đầy trái/ dưới nước nhiều tôm cá/ con sông nuôi bao dòng chảy phận người/ nơi ba tắm ngụp lặn ấu thơ, tuổi thơ ba, tuổi thanh xuân của nội, cả xóm phường nơi ấy/ quen thêm tiếng gà gáy sau vườn nhà mình”.
Con sông ấy đi vào giấc mơ, hiển thị thành giấc mơ: “giấc mơ sông cuộn chảy màu xanh hiền hòa từ cạnh vườn nhà về quê xanh buốt tận thẳm sâu trí tưởng, tuổi thơ con”. Trong tâm thức thơ của Lê Vĩnh Thái, sông Hương trở thành một “dư địa” tôn giáo.
“con đập đầu thắp nén linh hương/ lạy tứ phương ngọn nguồn thủy tổ/ u u anh anh minh minh/ cho con màu da hình hài/ đượm hương đất mạ Huế mình” (Con cúi đầu lạy sông).
Đọc mấy câu thơ này của Lê Vĩnh Thái về dòng phồn sinh của Huế, không ai không liên tưởng đến câu nói giàu logic triết học: "Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc" (Nhà văn Nga Il-lia Ê-ren-bua). Tình yêu Tổ quốc bắt nguồn từ tình yêu những điều bình dị, gần gũi nhất của mỗi người. Với Lê Vĩnh Thái, đó là: “câu ca ru tím sau nhà/ cây sung đầy trái”, “ngụp lặn ấu thơ”, “tiếng gà gáy sau vườn nhà mình”...
Thi nhân từ cổ chí kim chẳng ai được yên ổn trong tâm hồn. Họ nhạy cảm hơn ai hết trước cái đẹp, đam mê hơn ai hết trong hành trình đi tìm cái đẹp. Nó là trạng thái đối nghịch hay còn gọi là mâu thuẫn của sự thống nhất. Chính vì thế, nhà thơ hay rơi vào cô đơn, thơ đến với họ như là phương cách đối thoại với chính mình những lúc cô đơn nhất.
“Những cơn mưa mù tăm tuyệt tích/ Hàng ghế dài trống không/ Tìm giữa lời cả một trời hư ảo/ Nghe xôn xao chẳng thấy bóng mình” (Tôi chẳng thấy tôi). Đây là bài thơ tứ tuyệt duy nhất trong tập thơ Khúc rời những con chim quên tổ. Trong “ký họa” đó, “bóng mình” vẫn là một dấu hỏi? Khi chưa tìm được câu trả lời, có nghĩa là Lê Vĩnh Thái vẫn tiếp tục sáng tạo.