Tôi viết 'Gọi người', 'Mắt biếc'

Hoàng Quý - Thứ Năm, 08/05/2025 , 19:17 (GMT+7)

Tôi viết gọi những đồng đội thân yêu về thăm lại Trường Sơn một thời bom đạn; tôi viết để tạ lỗi với đồng bào trên dải Trường Sơn của Tổ quốc tôi.

Tháng 5 năm 2003, nhà văn Hà Đình Cẩn - khi ấy là Tổng Biên tập Tạp chí Nhà văn, tổ chức chuyến đi dọc theo công trình xây dựng đường Hồ Chí Minh.

Giai đoạn 1 của công trình nằm trong dự án chiến lược lớn là mở thêm tuyến đường thứ 2 dọc theo đất nước từ Cao Bằng đến Đất Mũi nhằm phá thế độc đạo của quốc lộ 1. (Lễ khởi công đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1 đã được tổ chức tại bến phà Xuân Sơn, huyện Bố Trạch, Quảng Bình vào ngày 5 tháng 4 năm 2000). Kế hoạch của giai đoạn này là mở và xây dựng hoàn chỉnh, thông tuyến tới Kon Tum, đồng thời tạo các trục ngang nối phía Đông và phía Tây vắt qua Trường Sơn hùng vĩ kết nối với một phần nước bạn Lào và Campuchia.

Đoàn chúng tôi gồm các nhà văn Đỗ Trung Lai, Nguyễn Trác, Đức Ban, Văn Vinh và một tổ làm phim của Xưởng phim Hội Nhà văn. Nhà văn Hà Đình Cẩn làm trưởng đoàn. Chúng tôi xuất phát từ 65 Nguyễn Du, Hà Nội, trên hai chiếc xe, một xe do nhà văn Hà Phạm Phú hỗ trợ, một xe của Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh điều động, dẫn đoàn. Ai cũng náo nức, bồi hồi trước giờ xất phát.

Hầu hết chúng tôi đều là lính - lính Trường Sơn trong những năm tháng gian truân và khốc liệt chưa xa. Món quà mang theo duy nhất và ý nghĩa nhất là tập trường ca “Đường tới thành phố” của nhà thơ Hữu Thỉnh, tái bản lần thứ 3, do chúng tôi lựa chọn và cùng góp sức in 1.000 cuốn làm “quà chữ” tặng các cán bộ, kĩ sư, các công nhân làm đường dọc công trường.

Sáng ngày thứ tư, đoàn vào cầu Đakrông. Đakrông thuộc mái Đông Trường Sơn. Cầu Đakrông lúc này đã là cây cầu dây văng hiện đại dài 182m rộng 8m thay thế cho những cây cầu cũ. Tôi nhớ, đơn vị chúng tôi đã từng vượt sông Đakrông ở tuyến vượt Khe Xom. Lâm - một chiến sĩ ở tiểu đội tôi vốn là sinh viên, vượt Khe Xom giữa cơn sốt rét ác tính và đã nằm xuống ở phía đường 14A. Vùng thung lũng sông Đakrông trù phú - nơi cư ngụ của hai dân tộc hết lòng vì kháng chiến và cách mạng là Pa Kô và Vân Kiều. Người Pa Kô và Vân Kiều chiếm tới ba phần tư trong cộng đồng tộc người vùng thung lũng Đakrông và tập trung ở hai buôn Xa Lăng và Klu.

Trong khi dừng lại trên cầu, thấy tôi nhìn mãi dòng nước khá xiết trong mùa mưa đến sớm ở Trường Sơn, nhà thơ Đỗ Trung Lai đồng cảm: “Hoàng Quý nhớ năm tháng Trường Sơn, đúng không?”. Và anh khích lệ: “Mấy đêm vừa rồi, tranh thủ lúc nghỉ, khó ngủ, mình đã đọc “Chợt nhớ sông Cầu”, “Khi chiến tranh đi qua”, “Sông cũ” và nhiều bài thơ của cậu. Rất thích. Chuyến trở lại Trường Sơn này rồi sẽ viết được nhiều, có thể như thế Hoàng Quý ạ”.

Cùng lúc, một đoàn các mẹ, các chị người Pa Kô với những gùi măng chất ngất dừng lại nhìn chúng tôi. Cạnh các mẹ, các chị là những đứa trẻ xống áo phong phanh, mắt tròn xoe, ngạc nhiên và tò mò. Chúng tôi lục trong các túi đồ, đưa cho các cháu vài phong lương khô và mấy gói kẹo mua vội khi qua Đồng Hới.

Thế nhưng, rất bất ngờ, một người mẹ Pa Kô xua tay: “Không nhận của bộ đội đâu. Bộ đội quên đồng bào rồi”. Tôi sững người một lát rồi chợt hiểu, sau 1975, những người lính ít có dịp và rất khó khăn dù muốn trở lại với Trường Sơn, trở lại với đồng bào, với những người một lòng một dạ vì kháng chiến, vì cách mạng, những người tải lương, gùi đạn, giao liên và không ít lần vét những hạt bắp, hạt muối quý giá chăm sóc cán bộ, chiến sĩ sốt rét, bị thương... trong suốt cuộc chiến tranh không cân sức với kẻ thù tàn bạo và hùng mạnh.

Tôi thanh minh rằng chúng tôi vẫn nhớ đồng bào lắm. Rất nhiều chúng tôi còn đi tiếp hai cuộc chiến tranh giữ nước không lâu sau đó ở hai đầu Tổ quốc. Đồng bào đừng giận chúng tôi. Tôi cố giải thích rằng con đường đang mở sẽ đi suốt chiều dài đất nước, sẽ dễ dàng và thuận lợi biết bao cho chúng tôi trở lại thăm đồng bào, và Trường Sơn sẽ thay da đổi thịt, sẽ được dựng xây, đồng bào sẽ dần vơi bớt cực khổ, đói nghèo...

Có lẽ, nhận thấy sự thật thà trong những lời thanh minh, các mẹ, các chị đã đồng ý cho tụi trẻ nhận quà. Tất cả đã vui trở lại. Tôi nắm bàn tay xanh xao guộc gầy của một người chị, nhìn sâu vào đôi mắt thăm thẳm sẫm màu lá. Bàn tay ấy, cặp mắt ấy theo tôi suốt hành trình...

"Có ai về mắc võng với tôi không?!". Tranh minh họa: Quang Cường.

Tôi đã viết “Gọi người” và “Mắt biếc” ngay trong những ngày sau đó. Vừa đi vừa viết. Tới Kon Tum thì hoàn thành. Tôi viết gọi những đồng đội thân yêu hãy về thăm lại Trường Sơn một thời bom đạn, một thời chúng ta sống không toan tính, sống thương yêu, sống rất đẹp trên con đường trường chinh, tất cả để đánh thắng kẻ thù xâm lược, để đất nước được hòa bình, thống nhất. “Riêng “Mắt biếc”, tôi phổ nhạc để có thể tự hát lên khi nhớ về Đakrông, nhớ về Trường Sơn. “Mắt biếc” cũng là lời tạ lỗi với đồng bào trên dải Trường Sơn kiêu hãnh và vĩ đại của Tổ quốc tôi./.

*Dưới đây là 2 bài thơ trong câu chuyện kể trên của nhà thơ Hoàng Quý:

Gọi người

Bãi khách ấy có rất nhiều săng lẻ/ Đêm dừng chân ngửa mặt lên trời/ Cánh võng mắc như thuyền chợt đi, chợt đến/ Có ai người trở lại nữa hay thôi?

Tôi từng tới rừng kia một ngày xa ngái/ Hái đầy tay những trái giòn xanh/ Chiều hút tầm bom mặt mày sạm khói/ Đã cười đùa toàn những chuyện huyên thuyên

Trời trở rét úp thìa cho bớt rét/ Túm tít xem trăng. Trăng đã qua trời/ Sương ướt giọt quờ tay sang võng cạnh/ Trong đám chiều qua có đứa đi rồi

Tôi từng khóc một chiều bãi khách/ Thằng bạn người Nùng chết tuổi thanh niên/ Cơn sốt rét bất ngờ không thuốc/ Bó theo người độc tấm tăng con

Có những cuộc đời như trăng khuyết tuổi/ Tất tật đem cho không toan tính điều gì/ Bãi khách ấy/ Vạt rừng săng lẻ ấy/ Bao người đi qua...

Đồng đội tôi giờ thưa thớt cả/ Đứa cấy ruộng quê, đứa tất tả thị thành/ Tôi chỉ muốn gào to trước cánh rừng xưa cũ/ Có ai về mắc võng với tôi không?!

Mắt Biếc

Tôi ru em ngủ/ Trăng vừa mới nhen/ Con đường rất quen sao tìm chẳng thấy

Tôi ru em ngủ/ Đường xưa quên lối xin đừng trách tôi/ Cầm mùa trăng này thắp sáng lên tay/ Cầm bằng sang ngày ngày như kỷ niệm/ Nắm tay em gầy/ Chiều xanh ngơ ngác/ Chiều như mắt biếc em dành đợi tôi

Tôi ru em ngủ/ Sao vừa sáng lên/ Con thuyền cố hương nghiêng buồm đợi ai

Tôi ru em ngủ/ Đường ve rung tiếng em còn nhớ chăng/ Một ngày vô thường xót buốt trên tay/ Tìm lại con đường đường xa vời vợi/ Nắm tay em gầy

Chiều xanh ngơ ngác/ Chiều như mắt biếc em dành đợi tôi...               

Hoàng Quý
Tin khác
Cốt cách người Việt qua lối sống ăn mặc thong dong
Cốt cách người Việt qua lối sống ăn mặc thong dong

Cốt cách người Việt được tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng tìm hiểu và phác thảo những nét sinh động trong cuốn sách ‘Việt Nam ăn mặc thong dong’.

'Lệ Chi Viên' tái dựng cuộc đời anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi
'Lệ Chi Viên' tái dựng cuộc đời anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi

‘Lệ Chi Viên’ được tái dựng từ ‘Bí mật vườn Lệ Chi’ nổi tiếng hơn hai thập niên trước, cho thấy sân khấu về đề tài lịch sử vẫn có sức hấp dẫn công chúng.

Thanh kiếm và lưỡi cày
Thanh kiếm và lưỡi cày

Nếu mỗi người sẽ có đủ minh triết để vui vẻ hài lòng với những điều nhỏ nhặt mình làm thì thanh kiếm sẽ không cần tồn tại nữa. Khi điều đó chưa xảy ra thì thanh kiếm vẫn còn hiện diện bên lưỡi cày.

30/4 năm nay, các bạn đi đâu?
30/4 năm nay, các bạn đi đâu?

Tôi cảm thấy biết ơn với những người đã ngã xuống. Biết ơn với những người còn sống – tiếp tục sống một cuộc đời bình dị mà đẹp đẽ như ông tôi. Và đó là lý do 30/4 năm nay, tôi không đi đâu cả. Tôi chỉ muốn về với ông mệ.

Ba tôi nhận lệnh mở đường Trường Sơn
Ba tôi nhận lệnh mở đường Trường Sơn

Ba tôi, Thiếu tướng Võ Bẩm, là tư lệnh đầu tiên của lực lượng mở đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại.  

Nhớ ơn thế hệ chân trần chí thép đánh bại công nghệ của siêu cường
Nhớ ơn thế hệ chân trần chí thép đánh bại công nghệ của siêu cường

Chúng tôi biết ơn thế hệ đi trước - những người đã bám trụ trong lòng đất chật hẹp để chiến đấu giành độc lập dân tộc cho thế hệ hôm nay được sống và học tập trong bầu trời hòa bình.

Nhà thơ Nguyễn Duy tìm thân nhân trong cuộc sống hòa bình
Nhà thơ Nguyễn Duy tìm thân nhân trong cuộc sống hòa bình

Nhà thơ Nguyễn Duy thực hiện chuyến đọc thơ xuyên Việt chủ đề ‘Tìm thân nhân’ kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, với chương trình đầu tiên tại TP.HCM sáng 20/4.

Nguyễn Huy Thiệp nhiều năm suy ngẫm về công nghệ văn chương
Nguyễn Huy Thiệp nhiều năm suy ngẫm về công nghệ văn chương

Nguyễn Huy Thiệp không chỉ là cây bút truyện ngắn xuất sắc, mà ông còn dành nhiều tâm tư trong các tiểu luận về vai trò nhà văn và công nghệ văn chương.

Nguyễn Huy Thiệp giữa chất liệu gốm và chất liệu văn
Nguyễn Huy Thiệp giữa chất liệu gốm và chất liệu văn

Nguyễn Huy Thiệp vẽ gốm và những tác phẩm gốm lấy cảm hứng từ tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp, được hội ngộ tại triển lãm ‘Gốm Thiệp’ ở Hà Nội.

Trịnh Công Sơn khát khao để lúa reo mừng tựa vẫy tay
Trịnh Công Sơn khát khao để lúa reo mừng tựa vẫy tay

Trịnh Công Sơn trong chiến tranh và trong hòa bình, đều ngợi ca sức sống bất tận của làng quê Việt Nam, mà thời gian càng lùi xa càng thấy đáng trân trọng.

Một địa danh gần gũi và thân thương ở miền Đông Nam Bộ
Một địa danh gần gũi và thân thương ở miền Đông Nam Bộ

Một địa danh gắn bó với tuổi thơ và gia đình, dẫu đổi thay ra sao, vẫn luôn có ý nghĩa sâu sắc trong hành trình buồn vui của mỗi con người.