Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng vừa phối hợp cùng Tổ chức Môi trường Thái Bình Dương Việt Nam (PE-VN) tổ chức lễ ra mắt Mạng lưới du lịch Việt Nam không rác (Vietnam Zero Waste Tourism Network - VZWTN). Đây là sáng kiến nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp du lịch thực hành lộ trình giảm thiểu và xử lý rác thải, tiến tới mục tiêu “không rác” trong toàn ngành.

Quang cảnh sự kiện ra mắt Mạng lưới du lịch Việt Nam không rác. Ảnh: T.C
Tại sự kiện, các doanh nghiệp du lịch tại thành phố Đà Nẵng – những thành viên nòng cốt đầu tiên của mạng lưới đã cùng thống nhất một mục tiêu chung: đến năm 2030, ươm tạo được ít nhất 100 hạt nhân doanh nghiệp tiên phong thực hành quản lý hiệu quả tài nguyên rác trên toàn quốc. Điều này thể hiện quyết tâm rõ ràng của cộng đồng doanh nghiệp đối với việc giải quyết vấn đề rác thải, đặc biệt là rác nhựa, đang ngày càng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh và sức hấp dẫn của ngành du lịch Việt Nam.
Không chỉ là lễ ra mắt, sự kiện còn là diễn đàn để các doanh nghiệp cùng quan tâm đến môi trường chia sẻ những khó khăn, kinh nghiệm trong quá trình quản lý và giảm thiểu rác tại cơ sở của mình. Đồng thời, các thành viên đã cùng thảo luận và xác định những hành động ưu tiên cần được tập trung nguồn lực triển khai trong giai đoạn tới.

Đại biểu tham quan mô hình, giải pháp giảm rác tại Hội An. Ảnh: Lan Anh
Đáng chú ý, đại diện chính quyền địa phương và các tổ chức quốc tế cũng tham dự, nhằm nắm bắt thực trạng, ghi nhận nỗ lực của các doanh nghiệp, và cam kết đồng hành hỗ trợ sự phát triển của mạng lưới VZWTN trong tương lai.
Bên cạnh đó, nhiều đối tác địa phương đã giới thiệu các giải pháp kỹ thuật tiên tiến như xử lý rác hữu cơ, tái chế rác thải nhựa giá trị thấp, sử dụng sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường, và mô hình tái sử dụng sáng tạo. Những giải pháp này hứa hẹn sẽ trở thành công cụ đắc lực giúp các doanh nghiệp du lịch từng bước đạt được mục tiêu không rác.

Tận dụng ly nhựa trồng cây ở Silk Sense Hoi An Resort. Ảnh: Lan Anh
Bà Quách Thị Xuân, Giám đốc Quốc gia Tổ chức Môi trường Thái Bình Dương Việt Nam cho rằng, tình trạng rác nhựa dùng một lần đang hủy hoại hình ảnh các điểm đến du lịch thân thiện và giàu bản sắc tại Việt Nam. Theo bà, nếu không hành động kịp thời, những bãi biển, di sản hay danh thắng thiên nhiên có nguy cơ biến thành những “bãi rác nhựa tự phát” - điều mà không một du khách nào mong muốn.
“Sự ra đời của Mạng lưới du lịch Việt Nam không rác là bước tiến mạnh mẽ và mang tính chiến lược, tập trung vào một lĩnh vực thế mạnh nhưng cũng phát sinh lượng rác nhựa dùng một lần rất lớn tại Việt Nam. PE-VN rất vinh dự được đồng hành cùng Hiệp hội Du lịch và các doanh nghiệp dịch vụ du lịch tại Đà Nẵng nói riêng và trên toàn quốc nói chung”, bà Xuân khẳng định.
Thực tế cho thấy, nhiều mô hình du lịch xanh đang dần khẳng định vai trò tiên phong. Đơn cử, tại Quảng Nam (cũ), Silk Sense là khách sạn đầu tiên tại Việt Nam đạt danh hiệu “không rác thải nhựa”. Tại đây, du khách không chỉ lưu trú mà còn được khuyến khích tham gia trực tiếp vào các hoạt động bảo vệ môi trường của khách sạn.

Thực hành tái chế phân bón hữu cơ từ rác thải trong sinh hoạt tại Silk Sense Resort. Ảnh: Lan Anh
Tại Quảng Nam (cũ), 33 cơ sở du lịch đã đạt chứng nhận xanh, đi kèm với các sáng kiến tiêu biểu như chương trình “Doanh nghiệp Hội An cam kết giảm thiểu rác thải và nhựa dùng một lần” và “Bộ tiêu chí Du lịch Xanh Quảng Nam”.
Theo ông Phan Xuân Thanh, Giám đốc Emic Hospitality Hội An, những mô hình quản trị tài nguyên rác tiên phong này đang tạo ra cú hích lan tỏa, thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp du lịch hành động mạnh mẽ vì mục tiêu phát triển xanh và bền vững.
Tiến xa hơn, các doanh nghiệp thành viên của mạng lưới VZWTN không chỉ cam kết thực hành “không rác” mà còn đặt mục tiêu cao hơn: trở thành những doanh nghiệp tiên phong thực hiện mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050. Họ sẽ là những đối tác cung cấp dịch vụ và sản phẩm du lịch bền vững, đáng tin cậy trong nước và quốc tế.
Trên hành trình đó, ban tổ chức kỳ vọng sẽ nhận được sự đồng hành truyền thông mạnh mẽ từ giới báo chí, các kênh truyền thông chính thống, KOLs, doanh nghiệp thành viên, đối tác lữ hành, các tổ chức phi chính phủ (NGOs) và mọi cá nhân quan tâm đến phát triển du lịch bền vững. Đây chính là lực đẩy quan trọng để ngăn ngừa rác thải nhựa, giữ gìn thương hiệu “điểm đến xanh” và đảm bảo tương lai phát triển bền vững cho ngành du lịch Việt Nam.