Thầm lặng mà bền bỉ với cuộc chiến "giảm nhựa"
Mỗi buổi sáng trên các bãi biển Đà Nẵng, từ Xuân Thiều đến Mỹ Khê, không khó để bắt gặp hình ảnh những con người lặng lẽ đi dọc bờ cát, tay cầm túi, nhặt từng vỏ chai, bao nilon, mảnh nhựa nhỏ. Họ là du khách, người dân địa phương, cựu chiến binh, những em nhỏ… tất cả cùng chung một hành động: làm sạch biển. Với họ, đó không chỉ là việc dọn rác, mà là cách thể hiện tình yêu với thành phố, với biển và với môi trường sống của chính mình.

Các bạn trẻ Đà Nẵng hào hứng tham gia lặn biển vớt rác. Ảnh: Lan Anh
Anh Đào Đặng Công Trung, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Mân Thái là một trong số những người như thế. Dù bận rộn với công việc kinh doanh, anh vẫn dành thời gian ngoài giờ để đi nhặt rác từ rừng, từ biển, mang về xử lý đúng cách. Với anh, “thấy rác là phải nhặt”, không vì ai bắt buộc, mà như một sứ mệnh tự nguyện với thiên nhiên.
“Tôi sẽ cố gắng duy trì công việc nhặt rác hằng tuần, thậm chí hằng ngày. Nếu mình không làm bây giờ thì câu chuyện rác sẽ là muôn đời. Ta chỉ là chiếc lá, việc của mình là xanh”, anh Trung chia sẻ với ánh mắt kiên định.
Từ những hành động cá nhân, tinh thần bảo vệ môi trường đang lan tỏa thành phong trào cộng đồng. Nhiều hội nhóm, câu lạc bộ ra đời từ sự thôi thúc chung tay giữ gìn biển sạch, không rác thải nhựa. Có thể kể đến như: Hội Yêu Rác Đà Nẵng (HYR), NO Trash in Da Nang Anymore, Trash Hero Đà Nẵng… những cái tên quen thuộc với người dân địa phương và du khách.

Biển Đà Nẵng xanh hơn nhờ sự vào cuộc, chung tay của mỗi người dân. Ảnh: Lan Anh.
Ra đời từ tháng 9/2022, Trash Hero Đà Nẵng ngày càng lớn mạnh, quy tụ thành viên là người dân địa phương, du khách quốc tế và cả người nước ngoài sinh sống tại thành phố. Người sáng lập nhóm – anh Benjamin Lawson, một du khách người Mỹ – đã “trót yêu Đà Nẵng” và chọn ở lại để làm điều gì đó có ích cho nơi này.
Chỉ trong vòng chưa đầy ba năm, nhóm đã tổ chức hơn 100 buổi dọn rác tại các bãi biển và điểm công cộng. Những người tham gia đến từ nhiều quốc gia, ngành nghề khác nhau, nhưng họ gặp nhau ở một điểm chung: mong muốn giữ gìn vẻ đẹp của biển, của thành phố. “Mỗi hành động nhỏ đều mang ý nghĩa lớn”. Không ai trả công, không ai kêu gọi, chỉ là lựa chọn xuất phát từ trái tim. Và chính từ những hành động bình dị ấy, một phong trào chống rác thải nhựa đã lan tỏa, bền bỉ nuôi dưỡng màu xanh cho biển Đà Nẵng.
Lan tỏa những mô hình hay
Không dừng lại ở các nhóm tự nguyện, phong trào giữ gìn môi trường biển tại Đà Nẵng còn lan tỏa sâu vào từng khu dân cư, từng nếp sống thường ngày của người dân.
Tại phường An Khê (TP Đà Nẵng mới), mô hình phân loại rác tại nguồn do Hội Liên hiệp Phụ nữ phát động đã trở thành điểm sáng tiêu biểu. Bà Lê Thị Thủy Tiên, đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ phường An Khê cho hay, việc phân loại rác thải tại nguồn được Hội LHPN phường Hòa An (cũ) phát động tại hơn 20 chi hội. Đến nay đã có 12 chi hội duy trì mô hình “Bếp ăn 0 đồng” để trao tặng suất cơm yêu thương đến người lao động nghèo từ nguồn kinh phí bán phế liệu rác thải nhựa sau phân loại.

Chị em phụ nữ phường An Khê phân loại rác thải bán phế liệu để tạo nguồn quỹ thực hiện "Bếp ăn 0 đồng". Ảnh: Lan Anh.
Từ những thành công ban đầu, phong trào này nhanh chóng lan rộng ra nhiều địa phương khác trên địa bàn thành phố. Bà Nguyễn Thị Huyền, đại diện Hội LHPN thành phố Đà Nẵng cho biết, tại các địa phương trên địa bàn thành phố phong trào tái chế rác thải được triển khai mạnh. Rác sau khi phân loại được đem bán, góp vào “Quỹ an sinh” để giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn ở khu dân cư, học sinh nghèo hiếu học, trẻ em mồ côi. Từ năm 2018 đến nay, 100% cơ sở hội triển khai phân loại và thu gom, phân loại, bán gây quỹ được hơn 5,5 tỷ đồng, hỗ trợ hơn 16.809 trường hợp phụ nữ nghèo, khó khăn và học sinh nghèo vượt khó.
Không chỉ dừng lại ở đó, nhiều mô hình sáng tạo thiết thực được chị em phụ nữ tại các khu dân cư triển khai như “Bình hoa an sinh”, “Mái nhà xanh”, “Trồng chuối lấy lá”, “Tận dụng vải bạt cũ may túi”, “Thu gom pin đã qua sử dụng”… Mỗi mô hình là một ý tưởng nhỏ nhưng mang lại giá trị lớn, góp phần hình thành lối sống xanh, ý thức tiết kiệm, giảm thiểu rác thải nhựa trong chị em phụ nữ và lan tỏa tinh thần sẻ chia trong cộng đồng.

Tiểu thương và ngư dân ở Âu thuyền - Cảng cá Thọ Quang nộp rác thải nhựa sau mỗi chuyến ra khơi. Ảnh: Lan Anh
Đặc biệt, tại Âu thuyền - Cảng cá Thọ Quang, việc bảo vệ môi trường biển đã trở thành thói quen trong nếp sống của ngư dân và tiểu thương địa phương. Sau mỗi chuyến biển, ngư dân phân loại rác và đưa về đất liền, cập nhật số lượng trên ứng dụng “Quản lý rác thải âu thuyền Thọ Quang”. Phiếu chứng nhận nộp rác là bắt buộc, nếu không có, phương tiện sẽ không được Trạm Kiểm soát Biên phòng Mân Quang cho phép xuất bến.
Không chỉ ngư dân, các tiểu thương chợ cá Thọ Quang cũng tích cực tham gia. Trong nhóm Zalo “Chung tay vì môi trường âu thuyền - Cảng cá Thọ Quang”, họ thường xuyên cập nhật hình ảnh phân loại rác, thu gom và đôn đốc lẫn nhau. Cuối ngày, rác được cân đo và chuyển giao cho đơn vị xử lý, mỗi ngày thu về hàng trăm ký rác nhựa để tái chế đúng quy trình.

Hành động nhỏ nhưng góp phần rất lớn giảm thiểu rác thải nhựa đại dương. Ảnh: Lan Anh.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Đà Nẵng, chỉ riêng mỗi ngày thành phố Đà Nẵng (cũ) đã phát sinh hơn 1.200 tấn rác thải, trong đó rác thải nhựa chiếm tỷ lệ đáng kể và có xu hướng gia tăng nhanh chóng. Việc kiểm soát và giảm thiểu nguồn phát sinh rác, đặc biệt là nhựa, đóng vai trò quan trọng trong ngăn chặn ô nhiễm đại dương, góp phần bảo vệ hệ sinh thái biển.
Do đó, từ năm 2021, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành Kế hoạch 112/KH-UBND nhằm giảm thiểu, kiểm soát và xử lý rác thải nhựa đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Kế hoạch hướng đến việc hạn chế nhựa dùng một lần trong các cơ quan, tăng tỷ lệ phân loại rác tại nguồn, ngăn rác nhựa đổ ra biển, sông. Đến nay, nhiều mô hình như khu dân cư xanh, chợ "nói không với túi ni-long", trường học xanh đã được triển khai, góp phần đưa Đà Nẵng sạch hơn, đại dương xanh hơn.
Tuy vậy, những nỗ lực từ cơ quan chức năng sẽ không đủ nếu thiếu sự thay đổi từ mỗi tổ chức, cá nhân. Chỉ khi mọi người chủ động hành động – từ những việc đơn giản như không xả rác bừa bãi, phân loại rác tại nguồn, hạn chế sử dụng nhựa dùng một lần thì mục tiêu giữ gìn môi trường biển và phát triển kinh tế biển bền vững của Đà Nẵng mới có thể trở thành hiện thực.
Đến nay, tại Đà Nẵng (cũ) có hơn 93% số hộ gia đình và 91,83% các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Cụ thể, có 93,45% hộ gia đình và 91,83% các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện phân loại. Ngoài ra, 96,63% tổ dân phố cũng đã tham gia phân loại rác thải. Tỷ lệ này cho thấy sự nỗ lực của người dân và các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong việc thực hiện phân loại rác thải, góp phần vào việc giảm thiểu lượng rác thải nhựa ra môi trường và bảo vệ môi trường