
Tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng tại Hội sách Quảng Tây, Trung Quốc đầu tháng 7/2025.
“Ngàn năm trà Việt” của tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng, vừa được Chibooks và Nhà xuất bản Lao động phối hợp ấn hành. “Ngàn năm trà Việt” có hành trình theo chân những tao nhân mặc khách đi tìm cảnh đẹp, trà ngon để thưởng thức, và cũng có hành trình theo chân những thương nhân đi khám phá những vùng chè quý, những vưu vật (thứ hiếm lạ, rất quý) của đất trời, để mở mang cơ hội giao thương và chia sẻ của ngon vật lạ với cộng đồng.
“Ngàn năm trà Việt” nằm trong mạch cảm hứng bút ký mà tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng đã từng viết những cuốn sách trước đây như “Ngang dọc đường trà”, “Việt Nam ăn mặc thong dong” hoặc “Vắt qua những ngàn mây”. Cho nên, mỗi lần tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng chuẩn bị hành lý để đến những vùng chè là mỗi lần nhận được những câu hỏi từ người thân và bạn bè, tỉ như: “Tưởng đến đấy nhiều lần rồi mà?” hay “Đi mãi chỗ ấy rồi mà chưa chán à?”. Thật sự có những vùng chè tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng đã đi đi lại lại không biết bao nhiêu lần, nhưng mỗi lần đến là một lần có cảm xúc mới, khám phá những điều lý thú mới.
Bằng sự trải nghiệm chân thành, tác giả “Ngàn năm trà Việt” bày tỏ: “Càng ngày tôi càng khám phá ra rằng chính những dân tộc H’mông, Dao, Tày, Thái, Hà Nhì, Cao Lan, Giáy... ở những vùng thâm sơn cùng cốc lại là những cư dân trà chính hiệu. Họ có những rừng chè cổ, truyền đời hàng ngàn năm, có nền văn hóa trà đồ sộ thể hiện qua các tri thức bản địa về cách trồng chè, hái chè, sao chè, bảo quản trà, uống trà, cúng trà...”.
Với quan niệm, khi viết về trà Việt không thể thiếu chân dung của những người đang chăm sóc cây chè, gìn giữ nghề trà, nên tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng sử dụng phương pháp dân tộc ký (ethnography). Đây là một phương pháp nghiên cứu quan trọng, có thể giúp chúng ta cởi khỏi “nhận thức” của mình chứng mù khái niệm (conceptual blinder). Các phương pháp dân tộc ký bao gồm việc phải tốn rất nhiều thời gian quan sát và tham gia nghiên cứu thực địa với những điều kiện chỉ riêng địa bàn này mới có.
Tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng khẳng định: “Mặc dù chẳng ai có thể loại bỏ hoàn toàn thế giới quan của mình, nhưng việc tạm dừng và gợi mở của dân tộc ký có thể giúp chúng ta phát hiện được những hiện tượng mới. Và để truyền tải chúng, tôi mô tả đậm đặc, lối viết luận văn khoa học gắn liền với tên tuổi của nhà nhân học hàng đầu thế giới Clifford Geertz (1926-2006). Lối viết này, với người đọc có tâm hồn rộng mở sẽ tìm ra vẻ đẹp ở sự đa dạng và sự quý giá của những chi tiết. Nhưng với những người khác thì sẽ coi đó là nặng nề. Nhưng ở đời, sẽ là thất bại nếu ta đi tìm câu trả lời vừa lòng tất cả mọi người”.
Cuốn sách “Ngàn năm trà Việt” mở ra cho người yêu trà một bức tranh tương đối tổng thể về ngành trà nước ta. Việt Nam đang đứng thứ năm trên thế giới về diện tích trồng chè và thứ sáu về sản lượng trà. Việt Nam trở thành quốc gia sản xuất, xuất khẩu trà đứng thứ năm trên thế giới. Tổng diện tích cây chè cả nước hiện nay khoảng 122.000 ha. Các địa phương trồng chè chủ yếu là: Thái Nguyên, Phú Thọ, Lâm Đồng, Nghệ An, Yên Bái và Hà Giang (cũ)...
Hiện nay, Việt Nam đã chế biến được khoảng 15 loại trà khác nhau, trong đó trà đen và trà xanh là hai sản phẩm chủ lực, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong xuất khẩu. Dự báo sản lượng xuất khẩu trà của Việt Nam đến năm 2030 đạt 136,5 nghìn tấn, tăng trung bình 0,82%/năm, chiếm khoảng 80% sản lượng trà sản xuất ra.

Cuốn sách chất chứa tình yêu bất tận với trà Việt.
Theo tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng, với đa số người Việt Nam, trà gắn bó suốt cả vòng đời. Mới sinh thì được cha mẹ hái lá chè đun nước tắm cho khỏi hăm da. Khi người Việt lớn lên thì uống trà, lễ vật của đám cưới không thể thiếu trà, có bệnh thì chữa bằng trà, chết thì được người thân rải trà khô vào áo quan rồi mới liệm. Thậm chí, trong đám ma, hồn người chết cũng được mời uống trà rồi mới được tiễn ra mộ, xong lễ tang thì hồn cũng được mời uống trà rồi mới lên bàn thờ tổ tiên, ngày giỗ ngày Tết thì được con cháu cúng trà…
“Chè Thái, gái Tuyên” là câu cửa miệng của rất nhiều người Việt Nam, đến độ nó làm nhiều người nghĩ rằng chỉ có ở Thái Nguyên mới trồng chè. Rồi đến Thái Nguyên, người ta cũng mặc định chỉ có vùng chè Tân Cương trà mới ngon. Đến nỗi có người làm trà ở La Bằng, một vùng chè ngon của Thái Nguyên, cũng mạo danh trà Tân Cương để bán hàng: “Rất nhiều người khách khi đến chỗ chúng tôi uống trà, được mời những chén nước trà không “xanh như nước rau muống luộc” đã bình phẩm ngay rằng đó không phải là trà ngon, bất luận chưa uống lấy một ngụm”. Bằng ấy thứ đã đủ thấy người Việt Nam thiếu thông tin thế nào với chính trà Việt Nam, nói gì đến người nước ngoài.
Chắt chiu suy tư trong “Ngàn năm trà Việt” dày hơn 500 trang, tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng bộc bạch: “Mê uống trà nên phải lục lọi mọi thứ liên quan đến trà. Đến bất cứ đâu, tôi cũng để tâm tìm cây chè, hỏi người dân cách làm trà, uống trà, những phong tục tập quán liên quan đến trà.
Ba phần tư lãnh thổ Việt Nam là đồi núi. Người xưa có câu “cao sơn xuất hảo trà” (núi cao thì có trà ngon.) Quả vậy, những vùng có cây chè để làm ra thứ trà ngon thường nằm ở độ cao từ 1.000 mét so với mực nước biển trở lên, có biên độ thời tiết chênh lệch ngày và đêm lớn nên khí hậu mát mẻ quanh năm, cảnh quan thiên nhiên ngoạn mục với núi cao mây phủ, vực sâu, suối lượn, sông dài… càng ngắm càng mê. Cảnh sao người vậy, người vùng chè hào sảng, lãng mạn, kiên cường, có đời sống văn hóa vật chất và tinh thần phong phú”.