Triển lãm tranh màu nước mang tên "Nối" do Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám phối hợp Câu lạc bộ Họa sĩ màu nước Hà Nội (HWA) tổ chức. Sự kiện diễn ra tại di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám đến hết 30/7.

Triển lãm "Nối" quy tụ 42 họa sĩ chuyên và không chuyên cùng một số khách mời với hơn 200 tác phẩm. Ảnh: Hoàng Hiền.
Quy tụ 42 họa sĩ chuyên và không chuyên cùng một số khách mời, "Nối" trình làng hơn 200 tác phẩm tranh màu nước đa dạng về đề tài và phong cách, được lựa chọn bởi Câu lạc bộ họa sĩ màu nước Hà Nội.
Nối con người với ký ức quê hương
Triển lãm không đơn thuần là trưng bày mỹ thuật mà còn là cuộc hội tụ cảm xúc nghệ thuật và ký ức quê hương. Những góc phố, vùng làng, rẻo cao, biển cả; hay hình ảnh cây cầu, ánh lửa bếp... Những bức tranh gửi gắm thông điệp kết nối xưa và nay, quá khứ và tương lai. Chúng chạm đến trái tim người xem bằng hình ảnh gần gũi đời thường nhưng giàu chiều sâu cảm xúc.
Đặc biệt, để khách tham quan dễ dàng tương tác, chiêm ngưỡng tác phẩm một cách gần và rõ nhất, không gian của "Nối" được bài trí mở thoáng với khoảng trải nghiệm được thiết kế đan xen trưng bày: Một góc là nơi các họa sĩ thể hiện tài năng hội họa của mình trước khách tham quan, một tọa đàm chuyên đề hay một góc vẽ tranh cộng đồng, in tranh giấy dó…

Tác phẩm Mùa cam của họa sĩ Tâm Nguyễn. Ảnh: Tâm Nguyễn Watercolor.

Tác phẩm Bình yên ngày nắng của họa sĩ Mai Phan. Ảnh: Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Triển lãm thể hiện sự trân trọng của họa sỹ với vẻ đẹp và nghệ thuật, cũng là nơi vẻ đẹp của sự giản dị, đời thường đang hiện hữu được thức nhận. “Di sản không chỉ là những giá trị hữu hình và vô hình đã được thừa nhận theo thời gian, mà di sản còn nằm ở dòng chảy đời sống hiện tại được thể hiện qua các tác phẩm nghệ thuật”, ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám chia sẻ.
Đưa nghệ thuật gần hơn với công chúng
Không dừng lại ở việc ngắm tranh, triển lãm "Nối" tạo ra một hành trình trải nghiệm sống động – nơi người xem có thể trực tiếp cảm nhận nghệ thuật bằng nhiều giác quan. Bên cạnh các tác phẩm được trưng bày, không gian triển lãm được tổ chức linh hoạt với các hoạt động vẽ tranh trực tiếp, tương tác cùng họa sĩ và trải nghiệm in tranh giấy dó – loại hình thủ công truyền thống của người Việt.

Khách tham quan trải nghiệm in tranh giấy dó. Ảnh: Hoàng Hiền.
Điểm đặc biệt là nhiều buổi biểu diễn vẽ tranh tại chỗ đã thu hút đông đảo khách tham quan, nhất là giới trẻ, học sinh và sinh viên mỹ thuật. Họ không chỉ đến để xem tranh mà còn để học hỏi, đối thoại và hiểu sâu hơn về kỹ thuật vẽ màu nước – một loại hình đòi hỏi sự tinh tế và cảm xúc cao. Chính sự gần gũi, không rào cản giữa nghệ sĩ và công chúng đã tạo nên sức hút riêng biệt của triển lãm này.
Ngoài ra, các buổi tọa đàm chuyên đề về mỹ thuật màu nước và ký ức quê hương, các workshop vẽ tranh cộng đồng cũng diễn ra song song, mang đến trải nghiệm giáo dục nghệ thuật đầy cảm hứng. Những người tham gia không chỉ được truyền cảm hứng mà còn được khơi gợi ký ức, cảm xúc và tình yêu với cảnh sắc quê hương từ chính bàn tay mình tạo nên.
Triển lãm cũng dành tặng những phần quà nhỏ nhưng ý nghĩa cho các tác giả là khách tham quan có tác phẩm thực hiện trong chuỗi hoạt động nhằm khích lệ tinh thần sáng tạo, cũng là cách đưa nghệ thuật trở nên gần gũi và hữu ích hơn, nghệ thuật không còn là một lĩnh vực xa vời, độc quyền của nghệ sĩ, nghệ thuật đã trở thành "phương tiện" mỗi người đều có thể sử dụng để thể hiện khả năng sáng tác, gửi gắm tâm tư thông qua những sáng tác của mình.
Triển lãm “Nối” được tổ chức tại khu Thái Học, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, mở cửa từ 8h-17h đến hết ngày 30/7/2025.
Chủ đề “Nối” giúp người xem cảm nhận những kết nối sâu sắc giữa con người với quê hương, đất nước. Những góc phố hay vùng quê, rẻo cao hay biển cả... không đơn thuần là những sự vật được mượn để kể lại nỗi nhớ hay những tâm tư, mà còn là một biểu tượng cho sự kết nối giữa con người với thiên nhiên như một thể không tách rời…