Họa sĩ Bùi Chát xuất thân là một nhà thơ, cho nên hành trình sáng tạo của anh không xa lạ khái niệm “thi trung hữu họa”. Thế nhưng, với triển lãm “Đang trôi” diễn ra tại 22 Gallery (phường Tân Sơn Hòa, TP.HCM) thì họa sĩ Bùi Chát bước vào một cuộc chơi khác, khi anh vẽ 20 bức tranh có cảm hứng nền tảng từ tập thơ “Chúng ta đang trôi đi đâu” mà anh phát hành cách đây không lâu.

Họa sĩ Bùi Chát. Ảnh: NVCC.
Vì vậy, tên gọi của các bức tranh ở triển lãm “Đang trôi” đều được lấy từ tên của các bài thơ trong tập thơ “Chúng ta đang trôi đi đâu”, như một lưu niệm, một sự liên nối và hoán chuyển của các lĩnh vực khác nhau trong cùng một chủ thể. Cách đặt tên cũng hoàn toàn ngẫu nhiên, tác giả và gallery đánh số các bức tranh từ 1 đến 20 và viết vào các tờ giấy nhỏ rồi gấp lại, tên các bài thơ cũng được làm tương tự, sau đó cho vào hai chiếc hộp nhỏ. Khi đặt tên cho tranh chỉ cần bốc mỗi hộp một tờ giấy và ghép lại là có tên một cách cụ thể, rõ ràng.

Tập thơ "Chúng ta đang trôi đi đâu" của Bùi Chát. Ảnh: NVCC.
Quê quán Thái Bình, họa sĩ Bùi Chát sinh ở Đồng Nai, sống và hoạt động tại TP.HCM. Tính từ đầu những năm 2000 đến nay, Bùi Chát đã xuất bản 8 tập thơ và thực hiện hơn 10 cuộc triển lãm cá nhân. Dù được đánh giá là một giọng thơ cá tính, vài năm gần đây, vai trò họa sĩ Bùi Chát dường như lấn át vai trò nhà thơ Bùi Chát. Triển lãm “Đang trôi” như một cách Bùi Chát trả nợ cho thơ. Bao nhiêu vương vấn, bao nhiêu hệ lụy, cùng những trăn trở mang tính thi ca suốt bao năm không dứt ra được, được họa sĩ Bùi Chát giảng hòa bằng kiểu “Đang trôi” thú vị.
Câu hỏi sốt ruột “Chúng ta đang trôi đi đâu” từ tập thơ của Bùi Chát đã trở thành nhịp sóng lan rộng ra bề mặt tranh của họa sĩ Bùi Chát. Từ chữ sang hình, từ âm vang sang sắc độ, Bùi Chát tiếp tục cuộc độc thoại nghệ thuật “Đang trôi”. Nếu ai từng quen thuộc với thơ Bùi Chát sẽ không bất ngờ khi những bức tranh của anh cũng mang tinh thần tương tự, không chiều chuộng thị giác, không phục tùng bố cục, không tìm kiếm sự “đẹp” theo tiêu chuẩn thông thường. Tuy nhiên, trong thái độ có vẻ bất cần ấy là một hệ ngôn ngữ rất riêng, vụn vỡ, mấp mô, trôi nổi mà đầy chủ ý.

"Lời - lỗ". Ảnh: NVCC.
Cách thực hành mà họa sĩ Bùi Chát sử dụng cho triển lãm “Đang trôi” là sự liên nối giữa thơ và hội họa. Ở đó, công chúng bắt gặp thi ca trong hội họa và tìm thấy hội họa trong chính thi ca. Các thủ pháp và cách thức của từng thể loại được vay mượn và hoán đổi cho nhau, đôi khi thậm chí còn không thể phân biệt tính cốt lõi của từng thể loại trong một tác phẩm.
Họa sĩ Bùi Chát đã và đang tham gia vào đời sống nghệ thuật bằng cách “trôi” và ý thức một cách đúng đắn về việc “trôi” của mình, như tinh thần của câu thơ mang tên “Thơ Điện tín số 191” mà anh viết “Tham gia vào đời sống bằng cách chấp nhận và để các sự kiện đẩy chúng ta đi”
Triển lãm “Đang trôi” có thể hiểu là triển lãm đang diễn ra, và nghệ thuật đang diễn ra. Nhìn tổng quan thì đời sống cũng đang tiếp diễn một cách tự nhiên theo sự chuyển động của vũ trụ. Giữa cảm giác trôi, nếu chúng ta ý thức được rằng chúng ta đang trôi, và tham gia vào sự trôi một cách chủ động thì chúng ta có thể làm chủ được sự trôi của mình. Đó cũng là việc tham gia và đóng góp vào dòng chảy tự nhiên một cách hữu ích nhất.

Một góc triển lãm "Đang trôi". Ảnh: NVCC.
Nói về tác phẩm trong triển lãm, họa sĩ Phan Trọng Văn với tư cách giám tuyển, nhận định: “Vẫn theo đuổi lối vẽ trừu tượng đậm chất thơ ca và tượng trưng, loạt tranh lần này của họa sĩ Bùi Chát dường như “có vẻ mặn mòi” hơn - một cách nói vừa tếu táo vừa nghiêm túc. Mặn ở sắc độ. Mặn ở tâm trạng. Và cả cái mặn của đời sống đã ngấm lâu vào từng lớp màu, từng vệt quét. Nếu những bức tranh trước đây của họa sĩ Bùi Chát có xu hướng bay bổng, phiêu linh và đôi khi như tan loãng giữa chữ và hình, thì loạt tranh “Đang trôi” cho thấy một chuyển động khác: đậm đà hơn, rõ ràng hơn, có lực đẩy và lực kéo màu sắc quyết liệt hơn…
Độ tương phản màu cao hơn, những cú “đẩy màu” táo bạo hơn, và đặc biệt là biên độ tần sắc - tức dải chuyển động cảm xúc của từng gam màu - cũng trở nên rộng và sâu hơn. Không chỉ là sự trưởng thành về mặt thị giác, điều này còn gợi đến một thứ “ngôn ngữ mới” trong hành trình trừu tượng của họa sĩ Bùi Chát: không còn “trôi” một cách vô định, mà là trôi có trọng lực, trôi với ký ức, với chất liệu đời sống đã chín muồi hơn trong chiêm nghiệm”.