Người cất tiếng rao bán cá biển đã đi qua cổng nhà khá lâu mà tiếng rao vẫn đọng lại, rõ ràng, như thể trong chốc lát ấy, mọi ý niệm không gian và thời gian đều dừng lại.

Chợ cá Cồn Gò. Ảnh: Cẩm Kỳ.
“Ai…cá nục khô…ô…ông?”. Tiếng rao mời mua cá hay lời vọng gọi tôi tìm lại những ngày thơ ấu. Mang tôi về với muôn lớp trầm tích kỷ niệm mà theo tháng năm đã vô tình say ngủ. Tiếng rao ấy đánh thức hoài niệm trong tôi với những ngày hè vàng rực lúa phơi sân, vàng rực rơm rạ phủ ngập lối đi quanh làng, vàng rực cả những mái nhà lợp bằng cỏ gianh. Những buổi trưa hè đó tuy ngập một màu vàng của nắng, tỏa đều từ nhà ra sân, dẫn đến cánh đồng lúa trước làng như dòng mật ngọt chảy tràn, thì vẫn không phải chịu cảnh khắt khao của cái nóng như bây giờ. Làng của chúng tôi được bao bọc bởi những rặng tre xanh ngăn ngắt. Những rặng tre như những cánh tay dang rộng, đan kết vào nhau che chở chúng tôi khỏi những cơn bão vần vũ, những cơn gió lạnh hắt hiu và cả những buổi trưa hè nắng háp.
Những buổi trưa ấy, người làng có mấy khi ngồi trong nhà đâu. Lũ trẻ con trèo hết mít sang xoan, tìm cho được những tổ chim đầy trứng. Các chị các mẹ tụm năm tụm ba dưới những rặng tre mòn vẹt, phẳng lì, nhổ tóc sâu, bắt chấy cho nhau. Trong câu chuyện vẫn là được mất của mùa xuân hè, chuyện trâu bò, lợn gà chứ nào có chi xa xôi. Mà có những chuyện kể hoài, kể đi kể lại nhiều lần vẫn không bao giờ thấy chán.
“Ai…cá nục khô…ô…ông?”. Chỉ có tiếng rao ấy mới ngắt quãng được những câu chuyện của các bà các mẹ. Đôi mắt họ hướng về phía vừa phát ra tiếng rao. Đến như lũ trẻ chúng tôi cũng tụt xuống khỏi những cành lá xum xuê, chạy lại nghe ngóng việc bán mua.
Một tốp vài ba người phụ nữ dừng lại cạnh các bà còn ngồi đợi dưới rặng tre. Họ đặt đôi quang gánh xuống, tay liên tục phe phẩy quạt mát với chiếc nón lá ngả màu, miệng liếng thoắng việc bán bán mua mua. Cái mùi mặn mòi từ những thúng cá, từ những chiếc áo nâu sẫm, cái mùi mặn mòi từ những giọt mồ hôi, bay ra từ trong hơi thở… Ôi, cái mùi mặn mòi của biển.
Những người phụ nữ oặt đôi quang gánh nặng cá trích, cá nục, cá lẹp, vai này mỏi lại đổi sang vai kia, cuốc bộ lên đây. Họ đi từ khi bình minh ló rạng, băng qua những đồi cát dài,… Họ cứ thế, cứ đi vài bước lại chạy xon xon, rồi giảm vài bước, lại chạy xon xon… Cái nhịp điệu ấy cứ kéo dài mãi, đến chỗ của chúng tôi.

Những người phụ nữ oặt đôi quang gánh nặng. Họ đi từ bình minh ló rạng, khi những gánh cá vẫn còn tươi chong chong, màu vảy cá vẫn còn óng ánh bạc. Ảnh: Tuấn Anh.
Những gánh cá vẫn còn tươi chong chong, màu vảy cá vẫn còn óng ánh bạc. Tôi nhìn màu bạc lấp lánh của cá, lòng mường tượng đến cái loang loáng của biển khơi giữa ánh nắng mặt trời. Đâu đó trong câu chuyện tôi đã đọc về “Ông già và biển cả” gợi cho tôi hình ảnh những người đánh cá trên biển, tấm lưng trần trùng trục nhẫy mồ hôi, đôi tay săn chắc kéo từng mẻ lưới đầy cá bạc lách tách nhảy trong khoang.
Những người đàn ông miền biển kiên gan với sóng dữ. Thì trên đất liền, những người phụ nữ miền biển chạy đua với trời nắng, trời mưa. Cá biển chỉ chậm chút thôi, ươn rồi đành mang bỏ đi mà thôi. Thế nên, những đôi chân thoăn thoắt bước, thoăn thoắt chạy, xon xon, xon xon… Phải nhanh chân để cá không bị ươn, phải nhanh chân để công sức chồng con không thành mắm cho heo nhà người ta.
Vậy đấy, mà mua bán thì phải ỉ eo, phải trả giá đôi ba lần ưng ý mới mua. Làng quê hồi đó, đâu phải nhà nào cũng sẵn tiền để mua. Thôi thì, không có tiền mặt đành đổi chác vậy. Có người đổi gạo, có người đổi thóc lúa, có người đổi mít, vừng, sắn, khoai… Miễn là người bán cảm thấy không phụ công mình thì cũng vui vẻ sẵn sàng trao đổi. Hình ảnh người phụ nữ miền biển chất đầy hai quang gánh của mình những gạo, lúa, mít… vẫn còn làm tôi xót xa đến tận bây giờ. Mà ám ảnh nhất vẫn là những quang gánh đã rất nhiều lần chất đầy xương sắn.
Sau mỗi vụ thu hoạch sắn, người làng tôi gom lại những thân cây sắn chắc mập, tấp vào bên góc vườn để làm giống vụ sau. Mùa trồng sắn, người quê tôi chuẩn bị đất kỹ càng xong, lên đất thành mô thì rủ nhau về nhà chặt xương sắn. Những đoạn sắn được chặt gọn ghẽ ở phần giữa thân cây để mùa sau được chất lượng hơn. Trồng xong nương sắn, số còn dư đổi lấy chút cá biển cải thiện bữa cơm.
Chao ôi! Đôi vai ấy gánh hai thúng cá nặng từ ban mai đến buổi trưa, khi chiều tối về đến nhà vẫn oằn nặng những món đổi chác thế thôi, chẳng chịu nhẹ vơi đi. Chắc có lẽ người làng tôi không nghĩ đến quá trình đó, hay chúng tôi cũng nghèo quá nên chẳng chút quan tâm.

Từ chợ Cồn Gò, những người phụ nữ gánh cá tỏa đi bán rong ở các nơi. Ảnh: Cẩm Kỳ.
Tôi lúc đó mới tám, chín tuổi nên cũng chẳng thể suy nghĩ sâu xa như vậy. Tôi vô tư trước những chuyện mua bán ấy, lòng khấp khởi mừng vì sắp được đổi vị cho những bữa ăn toàn rau. Những con cá nục ấy, mạ làm sạch trong ngoài, rồi xếp vào xoong. Mạ sai tôi rửa nắm củ nén, củ nghệ, mang đi giã nhỏ. Mùa hè cũng là lúc tiêu chín sau vườn, tôi lại hái mấy buồng lúc lỉu quả tròn mọng, giã đi để ướp cá cho khỏi tanh tao. Mạ thường kho dư bát nước, làm thức chấm cho dĩa rau muống vừa luộc xong. Chẳng hiểu do ngày xưa đói khổ, hay do ngày nay trăm ngàn thứ hàng thật giả lẫn lộn, mà những bữa ăn của ngày cũ đó luôn đánh thức khứu giác, vị giác của tôi mãi cho đến tận bây giờ. Cọng rau muống luộc chấm vào bát nước cá cay thơm, lại húp thêm bát nước luộc rau có vắt quả chanh. Tiếng húp đánh rộộc… mà nghe như cả đất trời cũng thòm thèm.
Có vài lần trời nắng gắt, mạ tôi mua chừng hai mươi, ba mươi cân cá nục để dành sẵn cho mùa đông. Mạ cũng tỉ mỉ làm sạch trong ngoài, bỏ phần đầu và đuôi. Rồi mạ bắc một nồi nước sôi, đem luộc cá trên bếp. Khi cá chín, mạ xếp đều đặn trên nong sề đem phơi. Mạ lại chọn lấy cái chum sành đã rửa sạch úp trên chạn bên giếng, bỏ phần đầu cá vào, cứ một lớp đầu cá sẽ thêm một lớp muối hạt, để làm mắm cho heo ăn. Chúng tôi đôi khi vụng trộm vớt mấy chén mắm trên cùng hấp lên chấm rau lang luộc, đánh veo bát cơm. Nhà nghèo mà, nào ai đã cười ai chuyện đó.
Những con cá nục phơi nắng đến khô khan, mạ lại bỏ vào bao buộc treo lên gác bếp. Đấy cũng là cách bảo quản thức ăn khô mà người quê sử dụng rất hiệu quả. Mùa thu, mùa đông, khi những cái lạnh bắt đầu gieo vào không gian, chúng tôi lại lấy xuống vài con nục khô, ngâm chút nước cho mềm đi để nấu canh bầu, canh bí đao. Anh em tôi thường đợi những ngày mạ bận việc, sai nấu ăn, liền lấy dư vài con nục khô đem vùi trong than. Hương thơm cá nục khô nướng thơm lừng mùi than, cứ lững thững quanh mái tranh nghèo, quyện với rơm rạ đã khiến tôi bao lần muốn bỏ lên thành phố, lại dùng dằng, rồi sau cuối chọn ở lại cùng quê.
“Ai…cá nục khô…ô…ông?” ngân mãi, ngân mãi ru giấc tuổi thơ tôi. Đâu ai biết hình bóng những người phụ nữ miền biển cứ chút đi chút chạy, xon xon qua hết những bãi cát trắng rát bỏng, những con đường đất, những con đường sỏi, đã ghi khắc, tưới tẩm trong tôi lòng thương cảm, xót xa, để giờ đây dù đã ở dốc bên kia của cuộc đời mà nhiều khi trong giấc mơ trưa vẫn còn thảng thốt “Ai…cá nục khô…ô…ông?”.