| Hotline: 0983.970.780

50 năm son sắt một màu cờ

Thứ Tư 30/04/2025 , 06:13 (GMT+7)

Để có lá cờ nền đỏ tươi và ngôi sao vàng 5 cánh biểu tượng cho cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã hằng trăn trở cả mấy chục năm trời.

Cờ đỏ sao vàng tung bay trên bầu trời Tổ quốc Việt Nam. Ảnh: QĐND.

Cờ đỏ sao vàng tung bay trên bầu trời Tổ quốc Việt Nam. Ảnh: QĐND.

Nhưng trước khi đi vào mệnh đề chính, xin bàn một chút về vũ trụ và màu sắc trong quan niệm của người xưa.

Người phương Đông cổ quan niệm trời đất có “tứ phương ngũ đế” tức là có bốn vị “đế” ở bốn phương: Phục Hi (phương Đông), Chuyên Húc (phương Bắc), Thiếu Hạo (phương Tây), Thần Nông (phương Nam), châu tuần quanh Trung ương Hoàng đế (“Hoàng” nghĩa là màu vàng. Khác với chữ “Hoàng đế” sau này chỉ vua, thì “Hoàng” nghĩa vĩ đại, rực rỡ).

Theo thuyết Ngũ hành, màu vàng ứng với Đất (Thổ), đại diện cho quyền uy thiên tử. Các triều đại phong kiến Trung Hoa thường cấm các nước “chư hầu” không được phép dùng màu vàng. Thế nên, từ khi Hai Bà Trưng khởi nghĩa cho đến mãi sau này, màu vàng luôn là màu chủ đạo ở lá cờ các triều đại. Ví như lá cờ thời Hai Bà Trưng lóng lánh một sắc vàng tươi, lá cờ triều Trần có chữ Trần màu đỏ nổi bật trên nền vàng, đã thể hiện một tinh thần tự chủ, độc lập, tự cường lớn lao: đất nước này có chủ, có vua là bậc Thiên tử sánh ngang với mọi nước lớn khác.

Lá cờ luôn mang tính biểu tượng, mà nét nghĩa đầu tiên là tập hợp lực lượng, tập hợp sức mạnh để đoàn kết đấu tranh chống kẻ thù chung. Câu văn “Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa” có trong nhiều sách sử là một sự ca ngợi, một khẳng định tài năng, lòng yêu nước. Hầu hết các cuộc khởi nghĩa đều có sự kiện “tế cờ” tức lễ xuất trận đầu tiên để đề chữ trên lá cờ, tuyên cáo ý nghĩa cuộc ra quân. Lá cờ của chàng thiếu niên anh hùng Trần Quốc Toản thêu 6 chữ: “Phá cường địch báo hoàng ân” (Phá giặc mạnh, báo ân vua) có tác dụng khích lệ tinh thần tướng sỹ của cả quân dân nhà Trần.

Trở lại với lá cờ đỏ sao vàng Việt Nam, để có lá cờ nền đỏ tươi và ngôi sao vàng 5 cánh - biểu tượng cho cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta hằng trăn trở cả mấy chục năm trời.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - người khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa - có lẽ là người đầu tiên đã đưa hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng vào Thơ chúc Tết mùa Xuân năm 1942: “Chúc toàn quốc ta trong năm nay/ Cờ đỏ sao vàng bay phấp phới”.

Và để minh chứng thêm cho nhận định, lá cờ khi ấy đã hiện lên cả trong giấc mơ của Bác, khi Người đang bị giam cầm trong lao tù: “Một canh... hai canh... lại ba canh/ Trằn trọc băn khoăn giấc chẳng thành/ Canh bốn, canh năm vừa chợp mắt/ Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh” (Không ngủ được). Ngôi sao vàng trên nền đỏ là sự kết tinh, kế thừa truyền thống anh hùng để trở thành biểu tượng đẹp nhất cho lý tưởng cách mạng Việt Nam. 

Từ ấy, lá cờ đã son sắt đồng hành với cách mạng Việt Nam trong nhiều sự kiện quan trọng, đặc biệt xuất hiện rực rỡ trong các cuộc cách mạng giành chính quyền năm 1945. Ngày 19/8/1945, cuộc mít tinh tại Quảng trường Nhà hát Lớn đã xuất hiện là cờ đỏ lồng lộng tung bay trong tiếng hát “Tiến quân ca” rợp quảng trường của hang vạn trái tim người Việt Nam yêu nước. Lá cờ đỏ sao vàng công khai xuất hiện, là biểu tượng của tinh thần đoàn kết giai cấp, lý tưởng cách mạng và ý chí, khát vọng độc lập tự do của Việt Nam.

Ngày 23/8/1945, khởi nghĩa nổ ra và thành công ở Huế. Lá cờ cũng từ đó đi vào bài thơ “Huế - tháng Tám” của Tố Hữu trong như một chứng nhân lịch sử đặc biệt: “Đã dâng lên, ngập Huế đỏ cờ sao…/ Một dân tộc đã ào ào đứng dậy”.

Và rồi, hình ảnh thiêng liêng ấy đã xuất hiện rực rỡ và kiêu hãnh trên khắp đất nước Việt Nam, trên Quảng trường Ba Đình trong ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập 2/9/1945. Cờ đỏ sao vàng không chỉ là chứng nhân lịch sử, còn là hình tượng văn học trữ tình thôi thúc những vần thơ, nốt nhạc ra đời, cất cánh bay lên: “Ngực lép bốn nghìn năm, trưa nay cơn gió mạnh/ Thổi phồng lên. Tim bỗng hóa mặt trời…/ Gió gió ơi! Hãy làm giông làm tố/ Cuốn tung lên cờ đỏ máu thơm tươi/ Vàng vàng bay, đẹp quá, sao sao ơi!... / Việt Nam! Việt Nam! Việt Nam muôn năm!”.

Cờ đỏ sao vàng xuất hiện như một niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. 

Cờ đỏ sao vàng xuất hiện như một niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. 

Ngày 2/3/1946, trong phiên họp đầu tiên của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Lá cờ đỏ sao vàng đã thấm máu đồng bào ta trong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940. Chính lá cờ đó đã cùng với phái đoàn Chính phủ đi từ châu Á sang châu Âu; từ châu Âu về châu Á; lá cờ đó đã có mặt trên khắp đất nước Việt Nam. Vậy thì, trừ 25 triệu đồng bào cả nước thì không ai có quyền đòi thay đổi Quốc kỳ và Quốc ca”. Lời Bác là chân lý. Bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam năm 1946, tại Điều 3, ghi: “Tiến quân ca” là “Quốc ca”, cũng đồng nghĩa khẳng định: Cờ đỏ sao vàng “in máu chiến thắng mang hồn nước” hiển hiện trong Quốc ca chính là Quốc kỳ của Việt Nam.

Từ ấy, cờ đỏ sao vàng luôn son sắt đồng hành trong dòng chảy cách mạng Việt Nam. Cờ tung bay trên nóc hầm De Castries trong Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, cờ theo chân người “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” khi đế quốc Mỹ nhảy vào xâm lược Việt Nam. Suốt 20 năm ròng đánh Mỹ, lá cờ đỏ sao vàng và cờ của Quân giải phóng miền Nam không chỉ tung bay trên mọi trận tuyến mà còn khắc sâu trong mỗi trái tim yêu nước, để ngày Chiến thắng 30/4/1975, nhà thơ Tố Hữu đã “thay mặt” hàng triệu con tim yêu nước, báo cáo với Bác Hồ rằng: Bác Hồ ơi! Toàn thắng về ta/ Chúng con đến, xanh ngời ánh thép/ Thành phố tên Người lộng lẫy cờ hoa” (Toàn thắng về ta).

Sự kiện 30/4 - nói theo mối quan hệ thơ và cuộc sống, thì đó là “may mắn lớn” cho nhiều nhà thơ khi tựa vào cái tứ GIẢI PHÓNG để có những tác phẩm để đời. Như Hữu Thỉnh với bài thơ “Bữa cơm chiều trong dinh Độc Lập” để ngợi ca TỰ DO:“Tự do xanh quá, mênh mông quá/ Vượt mấy ngàn bom mới tới nơi”, và ngắm lá cờ đỏ sao vàng vừa được Quân Giải phóng cắm lên, thiêng liêng tung bay trên nóc dinh Độc Lập: “Cờ treo trên đỉnh nước non ơi/ Ta trẻ như cờ ta trẻ lắm/ Ta reo trời đất cũng reo cùng…”. Trong bối cảnh ấy, tâm trạng ấy, hình tượng “bát canh” quen thuộc cũng vượt kích cỡ thông thường: “Bát canh ngày hẹn cũng mênh mông”.

Lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam giờ đây đã ngự trị trong ánh mắt, trái tim, sự ngưỡng mộ của bạn bè thế giới. Ảnh: Huỳnh Mỹ Thuận.

Lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam giờ đây đã ngự trị trong ánh mắt, trái tim, sự ngưỡng mộ của bạn bè thế giới. Ảnh: Huỳnh Mỹ Thuận.

50 năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, non sông liền một dải, những ngày tháng Tư lịch sử này, non sông Việt Nam lại đỏ rực màu cờ. Chỉ có điều khác xưa, là Việt Nam giờ đây đã “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, đúng như nguyện ước cháy bỏng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ chiến thắng lịch sử 30/4/1975, chúng ta đã kiến tạo thành công Kỷ nguyên Độc lập - Tự do - Hòa bình; mạnh mẽ thực hiện Kỷ nguyên Đổi mới; tự tin bước vào Kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc. Lá cờ của 50 năm sau ngày Giải phóng vẫn sắt son tình yêu ấy, lý tưởng ấy, chân lý ấy, nhưng đã ở một vị thế mới, một tầm cao mới trên trường quốc tế, ở mọi thành tựu, đặc biệt là vị thế Việt Nam, con người Việt Nam, lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam trong ánh mắt, trái tim, sự ngưỡng mộ của bạn bè thế giới dành cho Việt Nam.

"Cờ bay màu của niềm tin/ Đỏ như lời hứa của mình, em ơi" (lời bài hát Màu cờ tôi yêu - Phạm Tuyên). Đường cách mạng còn dài muôn dặm. Lá cờ Đảng và cờ Tổ quốc trong hành trình cách mạng mới, bước vào kỷ nguyên mới vẫn đang cùng dân tộc vươn mình, mãi mãi sắt son.

Xem thêm
Hà Nội FC khiến cuộc đua vô địch V.League càng khó lường

Chiến thắng 2-1 của Hà Nội FC trước Quảng Nam ở vòng 20 khiến cuộc đua vô địch V.League càng khó lường khi chỉ kém 2 điểm so với Thép Xanh Nam Định.

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam sắp thu vé tham quan

Từ ngày 12/4/2025, người dân và du khách khi vào tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cần mua vé với mức giá 40.000 đồng/người/lượt.

Đà Nẵng: Tiếp nhận 1.300 cây dừa phủ xanh đường biển

Đà Nẵng đã tiếp nhận gần 1.300 cây dừa từ 40 tổ chức, cơ quan để phủ thêm màu xanh cho không gian bãi biển, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Khai mạc triển lãm ảnh 'Hoàng Sa, Trường Sa - Tổ quốc nơi đầu sóng'

Sáng 17/3, Vùng 4 Hải quân khai mạc triển lãm ảnh nhân dịp 50 năm giải phóng Quần đảo Trường sa và 70 năm thành lập Hải quân Nhân dân Việt Nam.