Sáng 30/4, tại trục đường Lê Duẩn (quận 1, TP Hồ Chí Minh), Lễ diễu binh, diễu hành cấp quốc gia nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) diễn ra trọng thể.
Sự kiện do Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và TP Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức, được truyền hình trực tiếp trên VTV1 và các đài địa phương.
Truyền hình trực tiếp Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Lễ diễu binh, diễu hành có sự tham gia của 56 khối lực lượng gồm: 23 khối quân đội, 3 khối dân quân tự vệ, 12 khối công an, 12 khối quần chúng nhân dân và 4 khối xe nghi trượng. Đặc biệt, lần đầu tiên các khối quân đội từ Lào, Campuchia và Trung Quốc cùng tham dự, thể hiện tình hữu nghị và tinh thần đoàn kết quốc tế bền chặt.
Trên bầu trời TP.HCM, các biên đội trực thăng và máy bay chiến đấu thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân sẽ trình diễn nhiều màn bay ấn tượng, trong đó có nghi thức thả cờ Đảng và cờ Tổ quốc, tạo điểm nhấn giàu cảm xúc cho chương trình.
Ngay từ sáng sớm, hàng ngàn người dân TP.HCM đã mang theo cờ Tổ quốc, đổ về khu vực trung tâm thành phố để chứng kiến một trong những sự kiện trọng đại nhất trong năm. Không khí trang nghiêm, tự hào lan tỏa khắp các tuyến phố, như một lời tri ân sâu sắc gửi đến các thế hệ đã hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc.
9 giờ 00 phút
Kết thúc diễu binh, diễu hành
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng thay mặt Ban tổ chức tuyên bố Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước kết thúc thành công tốt đẹp.
Dàn máy bay tiêm kích, trực thăng trên bầu trời TP.HCM
Khoảng 8h sáng, các máy bay trực thăng và tiêm kích lần lượt tiến vào không phận TP.HCM. Đội hình bay sáng nay bao gồm các máy bay tiêm kích như Yak130 và Su-30MK2 cùng với nhiều trực thăng Mi-17 và Mi-8 chia thành các tốp bay theo đội hình chiến thuật.



8 giờ 00 phút
Bắt đầu diễu binh, diễu hành

Thiếu tướng Nguyễn Văn Nghĩa (ảnh), Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, điều hành chương trình diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
7 giờ 55 phút
Phong tặng Danh hiệu Anh hùng Lao động cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM

Hình ảnh TP.HCM chụp từ flycam, sáng 30/4.
Sau bài phát biểu của Bí thư Đoàn trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM Huỳnh Mạnh Phương và Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ - nguyên tham mưu trưởng Quân khu 7, ông Phạm Huy Giang - Trưởng Ban thi đua khen thưởng Trung ương - đọc quyết định phong tặng Danh hiệu Anh hùng Lao động cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM. Nghi thức trao tặng Danh hiệu Anh hùng Lao động diễn ra trang nghiêm, long trọng ngay tại đại lễ 30/4.
7 giờ 15 phút
Tổng Bí thư Tô Lâm đọc diễn văn

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại buổi lễ.
Sau phần giới thiệu các đại biểu tham dự của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Tổng Bí thư Tô Lâm đọc diễn văn ôn lại lịch sử đấu tranh hào hùng của dân tộc Việt Nam tại lễ kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, sáng 30/4.
7 giờ 00 phút
Bắn 21 loạt đại bác mừng đại lễ 30/4
Tại Bến Bạch Đằng, 21 loạt đại bác được bắn để chào mừng lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dàn đại bác khai hỏa. Ảnh: Thành Nguyễn/VnExpress.
6 giờ 30 phút
Tại Bến Bạch Đằng, Đội Pháo lễ vào vị trí sẵn sàng

Các chiến sĩ của Đội Pháo lễ đã sẵn sàng trước giờ G.
6 giờ 15 phút
Diện mạo các khối diễu binh trước giờ G

Xe mui trần VF9 chở sĩ quan cấp cao của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trên xe, sĩ quan chỉ huy thực hiện nghi thức chào lễ đài và các khối diễu binh. Xe tổ quân kỳ toàn quân chở lá cờ truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam, biểu tượng cho lòng trung thành và tinh thần chiến đấu của toàn quân.

Khối sĩ quan đại diện 5 cánh quân tái hiện hình ảnh 5 mũi tiến công thần tốc trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, góp phần vào công cuộc thống nhất đất nước ngày 30/4/1975. 5 cánh quân gồm Quân đoàn 1 - Binh đoàn Quyết Thắng, Quân đoàn 2 - Binh đoàn Hương Giang, Quân đoàn 3 - Binh đoàn Tây Nguyên, Quân đoàn 4 - Binh đoàn Cửu Long và Đoàn 232.

Lục quân là lực lượng tác chiến trên bộ, giữ vai trò chủ lực trong bảo vệ lãnh thổ, biên giới và tham gia chiến đấu, phòng thủ quốc gia. Lực lượng này kế thừa truyền thống quân sự dân tộc, trưởng thành từ Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân ngày 22/12/1944. Thời bình, lực lượng lục quân còn thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn và hỗ trợ phát triển vùng sâu, vùng xa. Trong đội hình diễu binh, các sĩ quan lục quân mặc quân phục màu xanh lục truyền thống, đội mũ kê-pi.

Khối sĩ quan cảnh sát biển đại diện cho lực lượng thực thi pháp luật, bảo vệ an ninh quốc gia và chủ quyền trên biển.

Khối chiến sĩ tác chiến điện tử đại diện cho lực lượng chuyên trách bảo vệ và kiểm soát hệ thống thông tin trong chiến tranh hiện đại, thực hiện nhiệm vụ gây nhiễu, vô hiệu hóa liên lạc đối phương và bảo vệ mạng lưới của ta.

Khối lực lượng tác chiến không gian mạng đại diện cho đơn vị bảo vệ an ninh mạng quốc gia, phòng chống chiến tranh mạng và bảo vệ hệ thống thông tin trọng yếu. Các chiến sĩ mặc quân phục dã chiến kỹ thuật số xanh đậm, đội mũ beret, thể hiện tinh thần hiện đại, kỷ luật và sẵn sàng tác chiến trong môi trường số.
6 giờ 05 phút
Những 'bông hồng thép' rạng rỡ trong lễ diễu binh
Trong hàng ngũ chỉnh tề, hình ảnh các nữ quân nhân - những “bông hồng thép” - đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân vào buổi lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP Hồ Chí Minh.




6 giờ sáng
Đội kỵ binh 'thu hút mọi ánh nhìn' tại lễ diễu binh

Hình ảnh đội hình kỵ binh di chuyển đều bước, ngựa và người hòa nhịp như một, mang đến vẻ đẹp cuốn hút đặc trưng.
Thượng tá Lê Sỹ Hà, Chỉ huy trưởng khối Cảnh sát cơ động kỵ binh, cho biết, hình ảnh đội hình kỵ binh di chuyển đều bước, ngựa và người hòa nhịp như một, tạo nên âm vang rền vang trên mặt đường không chỉ thể hiện sự uy nghi mà còn mang đến vẻ đẹp cuốn hút đặc trưng.
Để đạt được sự gắn kết nhuần nhuyễn ấy, lực lượng đã trải qua nhiều tháng huấn luyện công phu và kỹ lưỡng, rèn luyện đến mức “ngựa hiểu người, người nắm rõ từng chuyển động của ngựa”, thậm chí cảm nhận được cả từng nhịp thở.
Trong khi chờ đến giờ diễu binh, Trung úy Nguyễn Nhật Thiện đang chăm sóc cho chú ngựa Kajima - món quà đặc biệt từ nước Mông Cổ dành tặng Tổng Bí thư Tô Lâm.
Anh Thiện chia sẻ: “Chúng tôi đã sẵn sàng cho ngày hội lớn. Mong muốn duy nhất là mang đến hình ảnh đẹp, trang nghiêm nhất cho người dân trong dịp lễ 30/4. Để có được những bước đi chắc chắn, đều đặn ấy, cả người và ngựa đã cùng nhau vượt qua những ngày nắng gắt, bền bỉ luyện tập từng động tác nhỏ, làm quen với kỷ luật nghiêm ngặt và cả nhịp sống sôi động đặc trưng của Thành phố”.

Cả người và ngựa đều phải bền bỉ luyện tập từng động tác nhỏ, làm quen với kỷ luật nghiêm ngặt, chuẩn bị sẵn sàng cho ngày lễ trọng đại.
4 giờ 45 phút sáng
Phía sau ánh đèn sân khấu
Ngay từ sáng sớm 30/4, sân khấu trung tâm trên trục đường Lê Duẩn, đối diện Hội trường Thống Nhất, đã rộn ràng với không khí chuẩn bị cuối cùng cho đại lễ 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Dưới ánh đèn pha sáng rực giữa trời còn mờ sương, các lực lượng kỹ thuật, hậu cần, an ninh… tất bật hoàn tất các công đoạn cuối cùng.

Dàn trống hội của các học viên Học viện Cảnh sát nhân dân di chuyển vào vị trí.
Tại khán đài rộng hơn 5.000 chỗ ngồi, nhân viên phục vụ kiểm tra lần cuối từng hàng ghế, bảng tên đại biểu được đặt cẩn trọng. Kỹ thuật âm thanh - ánh sáng vận hành liên tục để đảm bảo hình ảnh và âm thanh lễ đài truyền tải trọn vẹn đến hàng triệu người xem qua sóng truyền hình. Cán bộ lễ tân khẩn trương rà soát sơ đồ đón - dẫn các đoàn đại biểu, lực lượng diễu binh chốt lại đội hình trình diễn.
Không gian phía sau sân khấu là một "tổng hành dinh" thu nhỏ: bộ phận điều phối, biên đạo chương trình nghệ thuật, lực lượng y tế, an ninh, cứu hỏa... túc trực 24/24. Tất cả đang vận hành như một guồng quay chính xác, tạo nên hậu phương vững chắc cho một đại lễ hoành tráng và trang nghiêm.
4 giờ 30 phút sáng
Xe chở các lực lượng diễu binh bắt đầu đổ quân dọc đường Lê Duẩn

Xe chở các lực lượng diễu binh bắt đầu đổ quân

Khối Hồng kỳ.

Khối chiến sĩ tăng - thiết giáp.

Khối nữ sĩ quan quân y.

Khối nữ sĩ quan thông tin.
4 giờ sáng
Các đại biểu đã có mặt trước giờ G
Hình ảnh các đại biểu có mặt từ rất sớm chuẩn bị cho lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước do PV hiện trường Báo Nông nghiệp và Môi trường ghi lại:





3 giờ sáng
Bắt đầu cấm người, xe vào trung tâm TP.HCM
Đúng 3h sáng, lực lượng chức năng cấm người và xe vào trung tâm TP.HCM để đảm bảo trật tự, an toàn trong thời gian diễn ra buổi lễ.

Lực lượng chức năng kiểm soát người và xe vào trung tâm lúc 3h sáng.
Các khu vực bị hạn chế, gồm: cầu Ba Son (hướng thành phố Thủ Đức sang quận 1), đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (từ Nguyễn Đình Chiểu tới Nguyễn Hữu Cảnh). Đinh Tiên Hoàng (từ Nguyễn Đình Chiểu đến Lê Duẩn), Tôn Đức Thắng (từ Lê Duẩn đến điểm quay đầu trước số 37 Tôn Đức Thắng), Mạc Đĩnh Chi (từ Trần Cao Vân đến Nguyễn Du); Phạm Ngọc Thạch (từ vòng xoay Hồ Con Rùa đến nhà thờ Đức Bà); Hai Bà Trưng, Pasteur, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Trương Định (từ Võ Văn Tần đến Lý Tự Trọng); Nguyễn Du (từ Tôn Đức Thắng đến Cách mạng Tháng 8); Nguyễn Thị Minh Khai (đoạn từ đường Nguyễn Bỉnh Khiêm đến giáp Cách Mạng Tháng 8).
Ngoài ra, khu vực cấm xe và người không làm nhiệm vụ còn nằm trong vòng giới hạn của các tuyến nêu trên, gồm: Lê Duẩn, Nguyễn Văn Chiêm, Lê Quý Đôn, Huyền Trân Công Chúa, Lê Văn Hưu, Hàn Thuyên, Alexandre De Rhodes, Công xã Paris, Đặng Trần Côn, Thủ Khoa Huân, Nguyễn Trung Trực, Đồng Khởi...

Lực lượng phóng viên sẵn sàng tác nghiệp tại lễ diễu binh, diễu hành.
Có 701 phóng viên của 106 cơ quan Báo chí Việt Nam và 169 phóng viên nước ngoài thuộc 58 cơ quan báo chí nước ngoài tham dự tác nghiệp tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
TP.HCM triển khai hàng chục tổ y tế, xe cấp cứu hai bánh cho ngày lễ 30/4
Theo Sở Y tế TP.HCM, có tổng cộng 24 tổ cấp cứu đã được thành lập. Mỗi tổ gồm 5 nhân lực gồm bác sĩ, điều dưỡng, lái xe đi kèm đầy đủ thuốc men, trang thiết bị y tế, đặc biệt là máy sốc tim. Đây là lực lượng được huy động từ các bệnh viện chuyên sâu, với năng lực chuyên môn cao và khả năng phản ứng nhanh.

20 xe cấp cứu 2 bánh sẵn sàng ứng trực phục vụ công tác sơ cấp cứu trong cộng đồng.
Ở các khu vực ngoài trung tâm, Trung tâm cấp cứu 115 triển khai thêm 20 xe cấp cứu hai bánh. Loại hình này không mới, nhưng đặc biệt hữu dụng khi cần luồn lách nhanh trong dòng người đông đúc, tiếp cận kịp thời các tình huống khẩn cấp.
Song song đó, 146 điểm sơ cứu trực thuộc Hội Chữ thập đỏ cũng được kích hoạt. Đây là những “chốt nhỏ” nhưng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ sơ cứu ban đầu khi chưa thể chuyển viện ngay.
21 màn hình LED tại TP.HCM để người dân theo dõi diễu binh, diễu hành
Để phục vụ người dân theo dõi lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành ngày 30/4, TP.HCM đã lắp đặt 21 màn hình LED cỡ lớn trên các trục đường chính, giao lộ tại nhiều quận khu vực trung tâm.

TP.HCM lắp 21 màn hình LED dọc các tuyến đường trung tâm thành phố để phục vụ cho người dân xem lễ diễu binh, diễu hành.
Trong đó, tại quận 1, có 13 màn hình đặt ở các khu vực: đối diện chợ Bến Thành; số 44, 52, 115 đường Nguyễn Huệ; 120-122 Lê Lợi, 63-65-67 Trần Hưng Đạo; 25-27 Tôn Đức Thắng, số 2 Nguyễn Trãi; 121 Nguyễn Bình Khiêm; số 1 Phạm Viết Chánh; 11-11Bis Nguyễn Thị Minh Khai; 78 Lê Lai.
Quận 3 có 4 vị trí, gồm: góc Pasteur - Võ Thị Sáu, vòng xoay công trường Quốc Tế (Hồ con Rùa), 245 Điện Biên Phủ, số 11-11A Phạm Ngọc Thạch; quận 4 có hai vị trí là cầu Khánh Hội (góc Bến Vân Đồn - Cầu Khánh Hội); quận 10 là màn hình ở vòng xoay Lý Thái Tổ - số 2 Ngô Gia Tự; quận Phú Nhuận màn hình ở nút giao Nguyễn Văn Trỗi - Hoàng Văn Thụ.