Mỗi ngày lễ trọng của đất nước, trước bàn thờ Tổ tiên và bàn thờ Bác Hồ của gia đình mình, tôi thường đứng lặng, hình dung những gương mặt đồng đội thân yêu của tôi; thắp nén nhang thơm kính cẩn gửi lời chào đặc biệt, lời chào với tình yêu thương sâu thẳm đến các bạn, những Tuân, Hoằng, Cước, Châu, Nam, Bang… và tất cả đồng đội của chúng ta đã vĩnh viễn ra đi. Dù thời gian có trôi qua, nhưng trong chiều sâu tâm khảm của mỗi người Việt Nam, những người con ưu tú ấy luôn hiển linh trong cuộc sống của chúng ta, bởi vì, xương máu, cuộc đời họ đã góp phần bồi đắp và hóa thân vào đất nước này, như nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm từng viết:
Ôi Đất nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy
Những cuộc đời đã hóa núi sông ta…
Âm dương cách biệt, mà tình yêu, sự hiển linh, thấu hiểu vẫn còn nguyên vẹn và luôn dõi theo chúng ta. Trên bàn thờ tổ tiên của mỗi gia đình Việt Nam, hình bóng các liệt sĩ vẫn còn mãi. Ngàn năm nay, hàng triệu người con ưu tú của Tổ quốc đã ngã xuống để Tổ quốc này trụ vững, để bảo vệ và mở mang bờ cõi, tạo nên “dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ”.
Có lẽ, không ở đâu như trên đất nước Việt Nam, tất cả đồng bào đều có chung một đất Tổ, chung một Tổ tiên, là con Rồng cháu Tiên, là con cháu Vua Hùng. Tổ tiên, cha ông ta, từ ngàn xưa đã dày công xây đắp nên một nền văn hiến - văn hóa độc đáo, là cội nguồn, là cái nôi của văn hóa lúa nước. Thầm lặng mà kiên cường, giản dị mà gan góc, tạo nên một đất nước có nền văn hóa của tình yêu và tình thương lớn lao: yêu quê hương, yêu con người, yêu Tổ quốc; văn hóa của lòng nhân nghĩa và văn hóa của ý chí "Đem đại nghĩa để thắng hung tàn. Lấy chí nhân để thay cường bạo" (Bình Ngô đại cáo).
Văn hóa, ý chí và tình yêu ấy đã được truyền lửa từ đời này sang đời khác, tạo nên lòng tự hào, sức mạnh, niềm tin sâu sắc để bảo vệ bằng được Tổ quốc dù có trải qua trăm ngàn thăng trầm, hiểm nguy tưởng như không thể vượt qua. Mảnh đất này luôn bị giặc ngoại xâm nhòm ngó, xâm lược và chiếm đóng hơn một ngàn năm. Cả dân tộc đã đứng dậy, kế tiếp nhau khởi nghĩa, chiến đấu không nao núng để bảo vệ đến cùng non sông, đất nước này.
Xã tắc hai phen chồn ngựa đá
Non sông ngàn thuở vững âu vàng
Câu thơ tuyệt đẹp đó của Phật hoàng Trần Nhân Tông từ trong quá khứ xa xăm ngàn năm qua vẫn vang vọng mãi trong lòng chúng ta.

Các tân sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội nhập ngũ tháng 9/1971. Ảnh: Tư liệu.
Văn hóa của dân tộc Việt Nam là văn hóa của tình yêu hòa bình, của sự hiền hòa, nhân nghĩa, song sẵn sàng đứng lên giữ vững cuộc sống hòa bình, hiền hòa đó, nếu kẻ thù dám mang gươm súng đến đây: “Đất nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc” (Nguyễn Khoa Điềm). Và thắng giặc rồi lại hiền như xưa, trả gươm sắc cho rùa thiêng, trở về với ruộng đồng, sông biển, với lao động, bảo vệ và mở mang bờ cõi, nhưng, không bao giờ quên lời hứa trước Bác - vị Cha già kính yêu của cả dân tộc, rằng sẽ luôn mang “nắng ấm Ba Đình ” mà Bác gieo từ Cách mạng Tháng Tám 1945 phủ khắp non sông, từ địa đầu Móng Cái đến tận chót Cà Mau, từ biển rộng đến núi cao, từ thành thị đến đồng bằng.
Tôi nhớ một kỷ niệm nhỏ cách đây gần 40 năm. Trong lễ bảo vệ luận án Tiến sĩ tại Cộng hòa dân chủ Đức, tôi có kể cho các giáo sư, các nhà khoa học và bạn học về câu chuyện Thánh Gióng. Họ ngạc nhiên thốt lên, có lẽ, không ở đâu trong lịch sử nhân loại có một hình tượng vừa hết mực bình dị mà vô cùng kỳ vĩ đến lạ lùng như vậy. Phải chăng, Thánh Gióng là người lính Việt Nam đầu tiên ra trận trong lịch sử dân tộc ta. Tất cả cái gì của Gióng - ý chí, bản lĩnh, sức khỏe Phù Đổng, cơm ăn, áo giáp sắt, vũ khí, kiếm sắt, ngựa sắt và cả những cụm tre vàng óng của quê hương đều là của cha mẹ, làng xóm, đồng bào trao cho Gióng. Không có những cái đó, Gióng không thể trở thành Phù Đổng.
Việt Nam là cái nôi “văn hóa lúa nước” của nhân loại, đất, nước, lúa, gạo đã ngàn đời nuôi sống dân tộc Việt Nam. Và những con người của nền văn hóa đó là “HOA của ĐẤT”. Để bảo vệ đất, nước, những người nông dân luôn sẵn sàng, tự nguyện trở thành người lính cầm vũ khí khi Tổ quốc cần.
Ngàn đời nay, quy luật “Ngụ binh ư nông” và tinh thần tự nguyện ra trận đã trở thành truyền thống của dân tộc Việt Nam. Những người nông dân lưng chống trời, tay làm ruộng xứ mình, nhưng khi giặc đến, “vừa chống trời”, vừa lên đường chống giặc. Và cha ông đã truyền sức mạnh đó cho con cháu mình với lời thề sắt son: “Đất quê còn bỏng rát/ Nhưng biển này vẫn mát/ Giặc nào phá nổi mênh mông” - Nhà thơ quá cố Duy Khán - đồng đội của tôi đã viết như vậy trong những năm tháng sống trên quần đảo Trường Sa thân yêu của chúng ta.

Tiễn đưa thanh niên 3 sẵn sàng của khu Đống Đa, Hà Nội lên đường nhập ngũ vào tháng 8/1964. Ảnh: Tư liệu.
Tôi nhớ lắm ngày lên đường ra trận. Ba mẹ tôi có 8 con trai, qua hai cuộc kháng chiến, 7 người tham gia chiến đấu trên khắp các chiến trường. Tôi lên đường khi mẹ tôi gần 70 tuổi. Hai chị gái tôi phải xốc nách để mẹ tiễn tôi đi. Mẹ tôi không khóc. Đôi mắt tràn ngập yêu thương, lo lắng mà kiên nghị đến không ngờ. Hình ảnh mẹ làm tôi nhớ đến câu thơ của nhà thơ Nguyễn Khắc Phục: “Sao bóng mẹ yên lòng con đến thế/ Dù bên kia sông, pháo giặc chớp đầu nòng”.
Chúng tôi lên ô tô, ra đi. Vợ trẻ xanh gầy ẵm con trai đầu lòng mới hơn 3 tháng tuổi lặng thầm đứng bên cửa của túp lều gianh vách rơm trộn bùn hơn 10 mét vuông nuốt nước mắt vào lòng, tiễn tôi đi. Hàng trăm sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội lúc đó chạy theo gọi tên bạn cùng lớp và cả gọi tên tôi với lời nhắn gửi: “Thầy ơi, thầy đi nhé”. Tất cả thế hệ chúng ta đã ra trận trong tình yêu hậu phương đó, từ thuở chú bé Gióng đến tận hôm nay và cả mai sau.
Chúng tôi ra trận, “đi theo ánh lửa từ trái tim mình” - Ánh lửa của tình yêu gia đình, quê hương, Tổ quốc đã dẫn dắt trăm ngàn thế hệ thanh niên Việt Nam ra trận. Biết trước, biết rõ là mất mát, đau thương, và có thể lắm, là hy sinh, không trở về… không ai ảo tưởng hay tự lừa dối mình điều đó. Nhưng chúng tôi luôn tâm niệm: “Chẳng may thân gãy cành rơi/ Vẫn nguyên cái gốc truyền đời cho măng” (Tre Việt Nam - Nguyễn Duy), giữ lấy cái gốc - cái cốt cách văn hóa dân tộc dù có phải hy sinh. Gốc vẫn còn đó - cốt cách, truyền thống, bản lĩnh, tâm hồn Việt Nam còn đó. Bao đồng đội đã ra đi với niềm tin rằng, từ gốc ấy, măng non sẽ mọc. Và lịch sử ngàn năm đã minh chứng hùng hồn mà giản dị cho niềm tin, tình yêu, sự nhắn gửi của những người lính ra trận.
Đất nước đã thống nhất, giang sơn thu về một mối. Vượt qua bao hiểm nghèo, đất nước đang hướng đến tương lai với những bước tiến mạnh mẽ: Công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, kiên định mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững tin bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Đổi mới, đổi mới là lời hiệu triệu, là đòi hỏi gay gắt, là mệnh lệnh của lịch sử. Biết bao công việc to lớn, mới mẻ phải vừa làm, vừa tìm đường, tìm lời giải đáp, "vừa chạy vừa xếp hàng". Phía sau chúng ta có một lịch sử, một quá khứ vĩ đại và những bài học cực kỳ sâu sắc. Phía trước chúng ta là những thách thức không lường hết, những cơ hội không lặp lại. Song, “Măng non là búp măng non/ Đã mang dáng thẳng, thân tròn của tre” (Tre Việt Nam - Nguyễn Duy).
Quá khứ - hiện tại - tương lai là dòng chảy liên tục, không ngừng nghỉ. Không ai được quyền làm đứt gãy, cản ngăn dòng chảy đó. Tuổi trẻ không được quên giống nòi, tổ tiên, cha ông mình. Những người đang sống không thể, không được quên hàng triệu đồng bào, đồng chí, đồng đội đã ngã xuống cho Tổ quốc hôm nay. Dù có lúc sai lầm, vấp ngã, có lúc phải “khóc những lỗi lầm làm tim Bác thêm đau” (Cửa mở - Việt Phương), song, tất cả chúng ta, dù ở đâu, làm gì đều sẽ vượt qua để làm nên những trang sử mới cho dân tộc này, cho đất nước này, để không hổ thẹn, để tri ân hàng triệu những người con ưu tú đã vì Tổ quốc mà hiến dâng cả cuộc đời, cả tuổi thanh xuân, cho đất nước Việt Nam trọn vẹn những mùa Xuân mãi mãi.