Dịch tiêu chảy bùng phát nguy hiểm chưa từng có
Dịch tiêu chảy cấp diễn biến nguy hiểm
Hà Nội: Tất cả các quận, huyện có người nhiễm
Kết quả kiểm tra của đoàn công tác Bộ Y tế tại Vĩnh Phúc cho thấy, bệnh nhân bị "tiêu chảy cấp nguy hiểm" được quản lý lỏng lẻo. Người bệnh vừa hết triệu chứng, chưa có kết quả xét nghiệm để khẳng định là điều trị khỏi đã được xuất viện. Điều này có nghĩa là chất thải của họ có thể vẫn còn mầm bệnh và dễ phát tán ra cộng đồng. Dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm" được phát hiện từ ngày 23/10, bắt đầu ở Hà Nội, và chính thức được công bố thành dịch từ 31/10. Hiện dịch đã lây lan đến 7 tỉnh thành: Hà Tây, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hưng Yên, Thái Bình. |
Bộ Y tế cho biết con số bệnh nhân tiếp tục tăng nhanh. Riêng Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới Quốc gia đã tiếp nhận 40-50 ca mỗi ngày. Hiện có 160 người tiêu chảy điều trị tại đây trong khi Viện chỉ có 140 giường.
Tại Hà Nội, ngày 2/11 có hơn 100 người nhập viện, nâng tổng số lên 273 ca. Sở Y tế Hà Nội ghi nhận: tất cả các quận huyện đã có người nhập viện vì tiêu chảy, trong đó, Sóc Sơn và Đông Anh là hai huyện cuối cùng bị nhập vào bản đồ dịch bệnh.
Số bệnh nhân được khẳng định là bị "tiêu chảy cấp nguy hiểm" cũng tăng mạnh. Kết quả soi phân tươi của Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới Quốc gia cho thấy, đã có 108 ca có kết quả dương tính từng điều trị ở đây. Trong khi xét nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương ghi nhận đến chiều 2/11, toàn miền Bắc có 50 ca bị tiêu chảy cấp nguy hiểm, trong đó 37 người ở Hà Nội.
Theo Thứ trưởng Trịnh Quân Huấn, với tình hình dịch nguy hiểm như hiện nay, chủ trương của Bộ Y tế là mọi ca tiêu chảy cấp phải được xử lý triệt để như dạng bệnh nguy hiểm.
Bộ trưởng Y tế đi kiểm tra việc cấm mắm tôm ở Hà Nội
Chiều 2/11, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu trực tiếp kiểm tra việc chấp hành lệnh cấm lưu hành mắm tôm, mắm tép tại Hà Nội.
Tại chợ Hôm, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu cùng đoàn đã tiến hành kiểm tra các cửa hàng bán đồ ăn sẵn, một số của hàng bán đồ khô. Chủ các cửa hàng đều cho biết đã được thông báo về việc dừng kinh doanh các loại mắm tôm mắm tép và đã nghiêm chỉnh chấp hành.
Đoàn cũng thị sát loạt nhà hàng thịt chó ở ngõ Lê Văn Hưu II và ghi nhận các cửa hàng hàng đều không bán, phục vụ mắm tôm cho các thực khách. Các thực khách cũng cho biết đã được thông tin về tình hình dịch tiêu chảy cấp qua truyền hình và báo chí nên kiên quyết quay lưng với mắm tôm dù điều này có giảm bớt độ ngon của món thịt chó.
Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu cho biết nhìn chung ý thức của người dân về tình hình dịch tiêu chảy cấp cũng như hiểu biết của người dân về dịch đã được nâng cao, tuy nhiên một số cửa hàng kinh doanh vẫn chưa đảm bảo vệ sinh.
Bộ trưởng Y tế cũng xuống kiểm tra tình hình điều trị, phòng chống dịch tiêu chảy tại BV Thanh Nhàn. TS Tô Văn Hải, Phó GĐ BV Thanh Nhàn cho hay, hiện BV đã tiếp nhận và điều trị cho 73 trường hợp. “Trong số các trường hợp đang được chúng tôi điều trị, người nhiều tuổi nhất là 82 và ít nhất là 10 tuổi. Các bệnh nhân sau khi được điều trị, không có trường hợp nguy hiểm đến tính mạng”- bác sỹ Hải cho biết.
Cũng theo ông Hải, phần lớn các bệnh nhân mắc tiêu chảy cấp phải điều trị tại BV là do ăn mắm tôm ở các cửa hàng trên phố. Tuy nhiên, cũng có trường hợp mua thịt chó và mắm tôm ở ngoài hàng về ăn và sau đó bị tiêu chảy. Cá biệt có một trường hợp mang bầu gần ba tháng cũng bị mắc tiêu chảy cấp đang được điều trị tại bệnh viện.
Thăm các bệnh nhân đang điều trị ở BV Thanh Nhàn, ông Nguyễn Quốc Triệu thông báo chi phí cho việc chi phí điều trị cho các trường hợp mắc và nghi nhiễm tiêu chảy cấp được miễn phí hoàn toàn.
90% ca tiêu chảy do ăn mắm tôm (?)
Sau chuyến thị sát nhanh trên địa bàn Hà Nội, chiều 2/11, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu yêu cầu truy tìm nguồn gốc ổ nhiễm khuẩn tiêu chảy cấp nguy hiểm. “Nghi phạm” số một hiện nay là mắm tôm- thực phẩm được 90% bệnh nhân tiêu chảy cấp nguy hiểm sử dụng trước khi phát bệnh.
Bộ Y tế đã cử đoàn đi lấy mẫu kiểm tra tại Thanh Hóa, nguồn cung cấp mắm tôm chủ yếu cho các tỉnh phía Bắc. Tại xã Thanh Hải, huyện Hậu Lộc, các chuyên gia đã xét nghiệm mắm tôm và người tiếp xúc với thực phẩm này ở tất cả các cơ sở chế biến để tìm vi khuẩn gây tiêu chảy cấp nguy hiểm, tuy nhiên kết quả đều âm tính. Nhiều mẫu ở các nơi khác đang được lấy và xét nghiệm.
Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêu hủy số mắm tôm hiện có khi sản phẩm này bị tạm ngừng sử dụng. "Nếu người dân đem đổ ra môi trường thì rất nguy hiểm vì vi khuẩn gây bệnh sẽ phát tán ra ngoài" - ông Triệu nói.
Vì vậy, Bộ Y tế sẽ gấp rút xây dựng một quy trình xử lý tiêu hủy mắm tôm để phổ biến cho các địa phương, dự kiến trong tuần tới sẽ hoàn tất. Hiện đã có ý kiến nên chưng lên rồi hủy, nhưng ai chưng, làm cách thế nào để bảo đảm an toàn, sau đó xử lý ra sao, đối với vỏ hộp có dính mắm tôm nên làm thế nào... vẫn đang được bàn tiếp.
Bắc Kạn : 2 trẻ em bị tiêu chảy cấp tử vong
2 bệnh nhi này sống ở xóm Nà Chảng, xã Bằng Thành, huyện Pác Nặm, nơi có 25 người mắc dịch tiêu chảy. Hiện ngành Y tế Bắc Kạn đã phun thuốc tiêu trùng, khử độc và khoanh vùng điều trị bệnh nhân nhằm dập dịch.
Ninh Bình: Sở Y tế đã tăng cường giám sát chặt chẽ các vấn đề VSATTP, phổ biến cách phòng tránh tại 11 bệnh viện và trong cộng đồng. Sở y tế đã cấp bổ sung 30 cơ số thuốc phòng chống dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm cho 8 huyện, thị xã; yêu cầu bố trí bác sỹ, y tá có kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm trực 24/24.
BV đa khoa Ninh Bình và tuyến y tế huyện, thị đã bố trí khu cách ly, giường bệnh, thuốc men, trang thiết bị và nhân lực đầy đủ để sẵn sàng tiếp nhận điều trị bệnh nhân. Trung tâm y tế dự phòng tỉnh đã thành lập khẩn cấp 3 đội chống dịch cơ động và tăng cường công tác giám sát, phòng dịch ở vùng vừa xảy ra lũ lụt là Gia Viễn và Nho Quan.
Hải Phòng: Đoàn kiểm tra quận Lê Chân (Hải Phòng) đã đình chỉ 5 cơ sở, quán ăn bán tiết canh, lòng lợn, nem chua, kem đá không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Hải Phòng hiện có hai bệnh nhân là Trần Văn Thao, 45 tuổi ở phường Nghĩa Xá và Đặng Duy Tiến ở phường An Dương (quận Lê Chân) bị nhiễm bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm.
Sở Y tế đã kiến nghị Cty Cấp nước TP tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nước sinh hoạt tại 4 xí nghiệp sản xuất nước, bảo đảm chất lượng nước phù hợp các tiêu chuẩn vệ sinh; giám sát duy trì lượng clo dư theo tiêu chuẩn tại vòi và mạng cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân.
Thủ tướng chỉ đạo việc phòng chống dịch tiêu chảy cấp Bộ Y tế định kỳ hàng ngày tổng hợp diễn biến tình hình, báo cáo Thủ tướng. Chủ tịch UBND các cấp phải chịu trách nhiệm nếu để dịch bệnh lan rộng trong địa bàn phụ trách. Đó là một trong những nội dung tại Công điện số 1638/CĐ-TTg ngày hôm nay 2/11 của Thủ tướng gửi Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương... chỉ đạo việc phòng chống dịch tiêu chảy cấp. Theo Công điện, hiện nay trên địa bàn 1 số tỉnh phía Bắc như: Hà Nội, Hà Tây, Hải Phòng, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Phú Thọ... do ảnh hưởng của lũ lụt tạo điều kiện cho mầm bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm xuất hiện và lan rộng, trong đó đã phát hiện 1 số trường hợp dương tính với phẩy khuẩn tả. Thủ tướng yêu cầu UBND các cấp, các Bộ, ngành chức năng huy động cả hệ thống chính trị và các phương tiện thông tin đại chúng làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, vận động nhân dân tự giác thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Đồng thời xử lý nghiêm khắc các cơ sở và cá nhân vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm và vệ sinh môi trường.
Theo TTXVN, TP, VNEX