| Hotline: 0983.970.780

Hợp tác nhiều bên phòng chống hiệu quả bệnh dại

Chủ Nhật 20/04/2025 , 12:23 (GMT+7)

5 năm qua, sự hợp tác giữa địa phương, tổ chức chuyên môn, doanh nghiệp, chủ nuôi, cộng đồng… đã tạo nên thành công trong phòng chống bệnh dại ở Đức Huệ, Long An.

Sinh viên Khoa Chăn nuôi Thú y, Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM, tiêm phòng dại cho chó, mèo ở huyện Đức Huệ chiều ngày 19/4. Ảnh: Sơn Trang.

Sinh viên Khoa Chăn nuôi Thú y, Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM, tiêm phòng dại cho chó, mèo ở huyện Đức Huệ chiều ngày 19/4. Ảnh: Sơn Trang.

Chương trình “Tiêm phòng dại vì cộng đồng năm 2025” vừa được Sở Nông nghiệp và Môi trường Long An, Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM, Boehringer Ingelheim Việt Nam và UBND huyện Đức Huệ phát động tại huyện Đức Huệ, tỉnh Long An.

Đây là năm thứ 5 liên tiếp, chương trình “Tiêm phòng dại vì cộng đồng” được tổ chức tại huyện Đức Huệ và cũng là năm cuối cùng của giai đoạn 2021-2025. Vì vậy, chương trình năm nay mang chủ đề Hành trình 5 năm "Chung tay đẩy lùi bệnh dại”.

Từ ngày 19 đến 26/4, chương trình dự kiến tiêm 8.500 liều vacxin cho chó mèo ở 11 xã, thị trấn của huyện Đức Huệ, đạt hơn 90% tổng đàn kê khai.

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Long An, cho biết, tổng cộng trong 5 năm qua, chương trình đã tiêm phòng dại cho hơn 33 nghìn con chó, mèo ở Đức Huệ.

Diễu hành tuyên truyền phòng chống bệnh dại qua các tuyến đường của thị trấn Đông Thành, huyện Đức Huệ. Ảnh: Sơn Trang.

Diễu hành tuyên truyền phòng chống bệnh dại qua các tuyến đường của thị trấn Đông Thành, huyện Đức Huệ. Ảnh: Sơn Trang.

Theo bà Đinh Thị Phương Khanh, chương trình “Tiêm phòng dại vì cộng đồng” được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2021. Khi ấy, điều kiện, hoàn cảnh triển khai tiêm phòng vô cùng khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Do đó, sau lần đầu tiêm triển khai, tưởng như chương trình sẽ dừng lại do ảnh hưởng của đại dịch.

Tuy nhiên, với sự quyết tâm trong đồng hành, hỗ trợ của Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM, Boehringer Ingelheim Việt Nam và các nhà tài trợ khác, cùng sự quyết liệt, phối hợp tích cực của UBND huyện Đức Huệ, chương trình “Tiêm phòng dại vì cộng đồng” đã được triển khai liên tục trong 5 năm qua và mang lại những kết quả rất tích cực với sức khỏe cộng đồng nơi đây khi tỷ lệ chó, mèo được tiêm phòng luôn ở mức cao.

Ông Niklas Birkner, Tổng Giám đốc Công ty Thuốc Thú y Boehringer Ingelheim Việt Nam, chia sẻ “Các chiến dịch tiêm phòng của chúng tôi trong 5 năm qua đã chứng minh rằng khi động vật khỏe mạnh, con người cũng khỏe mạnh hơn. Với chúng tôi, mỗi mũi tiêm phòng không chỉ là hành động để bảo vệ vật nuôi mà còn là một bước tiến quan trọng trong hành trình bảo vệ sức khỏe cộng đồng tại Việt Nam”.

Trồng cây kỷ niệm Hành trình 5 năm 'Chung tay đẩy lùi bệnh dại' tại Trường THCS Mỹ Thạnh Bắc. Ảnh: Sơn Trang.

Trồng cây kỷ niệm Hành trình 5 năm “Chung tay đẩy lùi bệnh dại” tại Trường THCS Mỹ Thạnh Bắc. Ảnh: Sơn Trang.

Ngoài việc triển khai tiêm phòng dại trên diện rộng, trong năm nay, chương trình “Tiêm phòng dại vì cộng đồng” tiếp tục chú trọng công tác truyền thông về phòng, chống bệnh dại.

Cụ thể, chương trình phát 6.000 tờ rơi cho chủ nuôi chó, mèo và học sinh, tổ chức diễu hành tuyên truyền phòng chống bệnh dại qua các tuyến đường của thị trấn Đông Thành, huyện Đức Huệ, trồng cây kỷ niệm Hành trình 5 năm “Chung tay đẩy lùi bệnh dại” tại trường THCS Mỹ Thạnh Bắc, tổ chức khám và tư vấn bệnh truyền lây từ động vật sang người cho chủ nuôi.

Đặc biệt, tiếp nối thành công của năm 2024, trong chương trình “Tiêm phòng dại vì cộng đồng năm 2025”, Ban tổ chức đã tổ chức cuộc thi vẽ tranh cổ động với chủ đề “Phòng chống bệnh dại dưới góc nhìn của học sinh” với sự tham gia của 48 tranh vẽ tay đến từ các bạn học sinh của 4 trường THCS Mỹ Quý Đông, THCS Mỹ Thạnh Đông, THCS Mỹ Thạnh Bắc, THCS và THPT Mỹ Bình, Ban tổ chức đã chọn ra 12 tác phẩm xuất sắc nhất và trao giải ngay tại Lễ khai mạc của chương trình.

Trao thưởng cho các em học sinh đoạt giải Nhất cuộc thi vẽ tranh cổ động về phòng chống bệnh dại. Ảnh: Sơn Trang.

Trao thưởng cho các em học sinh đoạt giải Nhất cuộc thi vẽ tranh cổ động về phòng chống bệnh dại. Ảnh: Sơn Trang.

PGS.TS Lê Quang Thông, Trưởng Khoa Chăn nuôi Thú y, Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM, đánh giá, sự kết hợp giữa tiêm phòng diện rộng, truyền thông giáo dục cộng đồng và giám sát vật nuôi chính là chìa khóa để tạo ra những thay đổi tích cực về thái độ của người nuôi.

Những thay đổi của chủ nuôi như chủ động tìm kiếm hỗ trợ của thú y, chủ động tiêm phòng cho vật nuôi của mình là cơ sở vững chắc hình thành biện pháp phòng chống bệnh dại bền vững trên động vật và trên người.

Với sự hợp tác chặt chẽ giữa địa phương, tổ chức chuyên môn, doanh nghiệp, bác sĩ thú y, chủ nuôi và cộng đồng, chúng ta có thể từng bước tiến đến mục tiêu loại trừ bệnh dại, cải thiện và bảo vệ sức khỏe cho con người và động vật.

Xem thêm
Bình Phước chú trọng phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị

Sáng 19/4, đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Môi trường do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến làm trưởng đoàn có buổi làm việc tại tỉnh Bình Phước.

'Quy tắc vàng' giúp nông dân trồng rau ít sâu bệnh, an toàn

LÀO CAI Nông dân vùng cao ở Lào Cai ngày càng tuân thủ nghiêm những 'nguyên tắc vàng' để sản xuất rau an toàn, giảm nguy cơ tiếp xúc hóa chất, bảo vệ môi trường.

Tổ khuyến nông cộng đồng 'gần dân, sát ruộng, am hiểu thực tiễn'

TRÀ VINH Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, khuyến nông cộng đồng, hợp tác xã là lực lượng nòng cốt trong triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

Ruộng đồng nứt nẻ, nguy cơ hạn hán diện rộng tại Bắc Kạn

Bắc Kạn Nhiều cánh đồng tại tỉnh Bắc Kạn không có nước, mặt đất nứt nẻ, người nông dân không thể trồng cấy, nếu không có mưa sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất.

Lúa khỏe, người khỏe, chi phí giảm nhờ drone

Nông dân ngày nay có thể kiểm soát dịch hại từ xa bằng drone, vừa giảm công lao động, tăng hiệu quả, hạn chế rủi ro về sức khỏe và ô nhiễm môi trường.

Nửa tấn cá thả xuống sông Cầu Phủ tái tạo nguồn lợi thủy sản

Hà Tĩnh Các loài cá truyền thống như trắm, trôi, mè, chép, cá lóc, cá trê… vừa được thả xuống sông Cầu Phủ nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Uông Bí tăng cường quản lý, bảo vệ rừng, phát triển lâm nghiệp bền vững

QUẢNG NINH Năm 2025, TP Uông Bí đặt mục tiêu trồng mới 2.000 ha rừng, trong đó 101 ha là rừng cây gỗ lớn, bản địa.