| Hotline: 0983.970.780

Hơn 2.000ha lúa ngập mất trắng, dân nguy cơ thiếu đói

Thứ Ba 06/09/2022 , 19:08 (GMT+7)

ĐẮK LẮK Là nguồn thu nhập chính, tuy nhiên vừa qua, hơn 2.100ha lúa nước ở huyện Lắk (tỉnh Đắk Lắk) bị lũ gây ngập, mất trắng khiến nông dân đối mặt nguy cơ thiếu đói.

Rũ bùn mò lúa

Những ngày đầu tháng 9, người dân đến huyện Lắk dễ dàng bắt gặp cảnh người dân phơi lúa dọc 2 bên đường. Thay vì những hạt lúa vàng óng như thường lệ thì lúa năm nay bị đen, lên mầm do bị ngâm trong nước thời gian dài.

Sau hơn 20 ngày ngâm trong nước lũ, hầu hết diện tích lúa ngập nước ở vựa lúa của huyện Lắk gồm các xã Buôn Tría, Buôn Triết và Đắk Liêng phủ một màu đen của bùn. Đến nay, nhiều khu vực thấp trũng tại huyện Lắk vẫn còn chìm trong nước.

Trong đó, nhiều diện tích lúa nằm bẹp dí dưới bùn không thể gặt. Một số diện tích gặt được thì toàn bộ lúa thu về cũng chỉ dùng cho gà, vịt, lợn ăn. Do ruộng còn nước, lúa lại dính đầy bùn nên hầu hết diện tích bị ngập bà con buộc phải thu hoặc bằng tay rất nhọc nhằn. Với những diện tích không mất trắng thì lúa thu về cũng đen thui, không thể dùng được cho người ăn.

IMG_5566

Hơn 2.100ha lúa của người dân huyện Lắk bị mất trắng do ngập lụt. Ảnh: Quang Yên.

Gia đình bà Trần Thị Nguyệt (ngụ xã Sơn Cường, xã Buôn Triết) có hơn 1,5ha lúa nước, tất cả mọi thu nhập đều trông chờ vào làm nông. Khi lúa bị ngập, bà Nguyệt phải nhờ người thân đi gặt nhưng chỉ được 3,5 sào lúa thối mang về phơi. Theo bà Nguyệt, số lúa này gặt về chỉ cho vịt, gà ăn chứ lúa lên mầm đắng, người không thể dùng.

“Năm nay, giá vật tư đầu vào cái gì cũng tăng cao, nhất là giá phân bón, thế nhưng đùng một cái lúa gần thu hoạch đã vùi trong bùn đất. Công sức, chi phí gia đình bỏ ra nhiều nên nếu bỏ luôn thì tiếc, nhưng thu hoạch về lúa bị hư, chưa chắc vịt, gà đã ăn. Chúng tôi kiến nghị nhà nước hỗ trợ thiệt hại cũng như lúa giống để người dân đầu tư cho vụ mùa mới. Bà con làm 4 tháng mới đến thời điểm thu hoạch nhưng lũ về nhanh khiến người dân trở tay không kịp. Năm nay lúa coi như mất trắng, nông dân thiệt hại nặng nề”, bà Nguyệt chua xót.

Theo người dân xã Buôn Triết, mưa lũ ập đến từ đầu tháng 8 nhưng mãi đến cuối tháng nước mới bắt đầu rút, mỗi ngày ra thăm ruộng là mỗi lần xót ruột. Nếu thời tiết thuận lợi, được mùa thì thời điểm này vựa lúa Buôn Triết lúa đã vàng óng, tiếng máy gặt rộn cả cánh đồng. Nay nhìn đám ruộng màu đen sì, bà con ai cũng rớt nước mắt vì lúa có thu về cũng chỉ để phục vụ chăn nuôi.

Nằm ở vùng rốn lũ, năm nào bà con nông dân ở các xã Đắk Liêng, Buôn Tría, Buôn Triết cũng đối mặt với các đợt lũ, gây thiệt hại lớn về cây trồng, tài sản. Tuy nhiên, chưa năm nào thiệt hại lại lớn như vụ hè thu năm nay, bởi mưa lớn ập đến vào thời điểm lúa làm đòng, trỗ bông nên vùng nào bị ngập là gần như mất trắng hoàn toàn.

IMG_5450

Bà Trần Thị Nguyệt (ngụ xã Sơn Cường, xã Buôn Triết) tiếc của nên gặt lúa mốc về cho gà, vịt ăn. Ảnh: Quang Yên.

Ông Nguyễn Công Thịnh (ngụ thôn Liên Kết 2, xã Buôn Tría) buồn bã cho biết, vụ hè thu năm nay, gia đình ông làm 5 sào lúa nước. Đợt mưa lớn từ đầu tháng 8/2022 khiến toàn bộ diện tích của gia đình bà bị ngập lụt, đến nay ngâm nước hơn 20 ngày, từ thân đến hạt lúa đều chuyển thành màu đen, bốc mùi tanh của bùn.

Nhìn ruộng lúa được gia đình bỏ bao nhiêu công sức, chi phí đầu tư bị chìm trong nước, nhiều lúc ông Thịnh muốn rớt nước mắt.

“Dù ruộng vẫn còn ngập nước nhưng tiếc của, tôi buộc phải gặt tay, thuê với công 250.000 đồng/ngày. Tuy nhiên để có người gặt cũng phải đỏ mắt đi tìm. Không đưa lúa về thì nghĩ đến công gieo trồng, chăm sóc, chi phí phân bón, giống..., vứt bỏ cho cá, ốc ăn thì không đành”, ông Thịnh chua xót.

Theo ông Thịnh, lúa bị ngập nước “bỏ thì thương, vương thì tội”, nếu thời tiết thuận lợi, gặt máy chỉ nhoáng cái là xong, nay lúa dính bết đầy bùn nên phải phơi cho khô rồi mới tuốt được, xong còn phải sàng sảy bao nhiêu lần mới lấy được hạt thóc chắc về cho gà, cho lợn ăn chứ người không thể dùng được.

Nguy cơ dân thiếu đói

Theo thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Lắk, diện tích lúa bị mất trắng trong đợt mưa lũ vừa qua của huyện là 2.165ha, thiệt hại từ 30 - 70% là 382ha. Các địa phương có diện tích lúa mất trắng nhiều gồm xã Buôn Triết, xã Đắk Liêng, xã Buôn Tría.

Trong các địa phương bị ảnh hưởng, xã Buôn Triết là nơi chịu thiệt hại nặng nhất với hơn 1.262ha lúa nước. Trong đó, diện tích mất trắng là 1.170ha.

Ông Bùi Mạnh Hải, Chủ tịch UBND xã Buôn Triết cho biết, lũ đổ về đúng vào thời điểm lúa trỗ bông và ngâm trong nước hơn 20 ngày nên toàn bộ diện tích lúa bị ngập coi như mất trắng.

IMG_5535

Lúa bị ngâm trong nước hơn 20 ngày, người dân đành bỏ mặc ngoài đồng. Ảnh: Quang Yên. 

Theo ông Hải, hiện chính quyền địa phương đã hướng dẫn người dân đăng ký kê khai thiệt hại để đề nghị UBND huyện có phương án hỗ trợ.

“Có thể nói đợt lũ vừa rồi đã gây thiệt hại nặng nề cho đời sống người dân xã Buôn Triết nói riêng cũng như huyện Lắk nói chung. Riêng xã Buôn Triết năm vừa rồi đầu vụ hè thu thiệt hại về giống, đến cuối vụ lại bị ngập nước mất trắng. Bà con đầu tư đến ngày thu hoạch thì mất trắng 100% nên đời sống rất khó khăn.

Người dân xã Buôn Triết chủ yếu sống bằng nghề canh tác lúa, trong khi giá cả vật tư nông nghiệp năm nay tăng rất cao nên một số giá đình rất khó khăn trong việc đầu tư mùa vụ sắp tới. Nguy cơ thiếu đói trong thời gian tới của người dân trong xã là rất cao, nhất trong dịp cuối năm. Do đó, xã đề nghị các cấp hỗ trợ người dân để ổn định cuộc sống”, ông Hải thông tin.

Con theo ông Phạm Xuân Huế, Phó Chủ tịch UBND xã Buôn Tría, diện tích thiệt hại hoàn toàn do đợt lũ vừa qua của địa phương này là 463ha. Theo ông Huế, do lượng nước kéo về nhanh, cộng với lúa còn xanh nên người dân tranh thủ gặt nhưng không được bao nhiêu nên gây thiệt hại rất lớn.

“Người dân địa phương chủ yếu làm nông nghiệp, có bao nhiêu vốn liếng đã đầu tư vào vụ lúa hè thu. Với diện tích ngập lụt lớn như thế, đời sống bà con thời gian tới sẽ hết sức khó khăn. Những hộ khó khăn, nghèo, cận nghèo thì việc thiếu đói có thể diễn ra trong thời gian tới”, ông Huế chia sẻ.

IMG_5403

Lúa bị đen, lên mầm được người dân tận dụng gặt về cho gà, vịt ăn. Ảnh: Quang Yên.

Theo ông Nguyễn Viết Quang, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Lắk, trước thiệt hại lớn của người dân, Phòng NN-PTNT đã tham mưu UBND huyện có văn bản yêu cầu các xã tổ chức thống kê thiệt hại. Đồng thời UBND huyện đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ cho người dân bị ảnh đợt lũ vừa qua từ 1 - 2 triệu đồng tùy theo từng trường hợp.  

Theo ông Quang, năm nào huyện cũng xảy ra thiệt hại thiên tai. Do đó từ đầu năm, Phòng NN-PTNT đã tham mưu cho UBND huyện ban hành kế hoạch phòng chống thiên tai. Trong đó, địa phương điều tiết mùa vụ cũng như sử dụng giống ngắn ngày. Tuy nhiên năm nay thời tiết thay đổi thất thường, lũ đến sớm nên gây thiệt hại lớn cho người dân.

“Việc mất trắng hàng nghìn ha lúa khiến thu nhập của người dân sẽ bị giảm so với mọi năm. Vấn đề lớn là nguồn lương thực phục vụ cho bà con trong thời gian tới dự kiến sẽ thiếu hụt. Kinh tế của huyện chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, do đó với thiệt hại này, lương thực và thu nhập bình quân đầu người năm nay cũng sẽ giảm mạnh”, ông Quang Nguyễn Viết Quang, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Lắk cho hay.

Xem thêm
Kiến nghị Bộ Tài chính thống nhất cách tính thuế VAT với thức ăn chăn nuôi

Các hội và hiệp hội vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính, đề nghị áp dụng thống nhất quy định về thuế giá trị gia tăng đối với sản phẩm thức ăn chăn nuôi.

Bị xử phạt 5,5 triệu đồng do vứt xác lợn chết ra môi trường

TUYÊN QUANG Từ 19 đến 22/7, tỉnh Tuyên Quang buộc phải tiêu hủy 5.481 con lợn mắc dịch tả lợn Châu Phi tại 376 hộ thuộc 114 thôn, 22 xã, với tổng trọng lượng hơn 304 tấn.

Nhà máy đường An Khê mở rộng thêm 2.000 hecta mía nguyên liệu mỗi vụ

GIA LAI Theo kế hoạch, mỗi vụ sản xuất Nhà máy đường An Khê sẽ mở rộng diện tích vùng nguyên liệu mía thêm 2.000 hecta.

Thiếu dữ liệu, nông hộ cà phê khó đáp ứng quy định EUDR

Hơn 600.000 nông hộ cà phê Việt Nam đối mặt thách thức lớn khi EU siết yêu cầu truy xuất và chống mất rừng từ cuối năm 2025.

Tiết kiệm hơn 30% chi phí phân bón nhờ phương pháp dúi phân

SƠN LA Phương pháp bón dúi phân kết hợp kỹ thuật cấy hàng rộng - hàng hẹp giúp giảm thất thoát, giảm số lần bón phân, chi phí phân bón giảm khoảng 30%, hạn chế sâu bệnh.

Chứng nhận MarinTrust: Cánh cửa giúp bột cá Việt vượt rào cản IUU

TP.HCM Sáng 24/7, Chi hội Bột cá, dầu cá Bà Rịa - Vũng Tàu và Phân viện Nghiên cứu Hải sản phía Nam tổ chức tập huấn chứng nhận MarinTrust và thực hành IUU.

Trồng rừng bền vững, gặt lợi đa tầng

Vĩnh Long Với người dân, rừng không chỉ là 'lá chắn' gió biển, mà còn là sinh kế thiết thân của những phận đời miệt biển.

Bình luận mới nhất