| Hotline: 0983.970.780

Hạn mặn bủa vây, lúa chờ "cấp cứu"

Thứ Ba 20/07/2021 , 16:45 (GMT+7)

Nắng nóng kéo dài, nước mặn xâm nhập khiến hàng nghìn ha lúa hè thu ở Quảng Nam không đủ nước tưới. Một số diện tích đã bắt đầu khô nẻ, lúa héo vàng...

Từ đầu vụ sản xuất hè thu đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam xảy ra nắng nóng liên tục, hầu như không có mưa khiến sản xuất nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Dù các địa phương đã sử dụng nhiều phương án để khắc phục nhưng tình trạng thiếu nước vẫn xảy ra. Đặc biệt là những địa phương nằm ở cuối các kênh tưới.

Nhiều đồng ruộng ở Quảng Nam không có nước tưới đã khô nứt nẻ. Ảnh: L.K.

Nhiều đồng ruộng ở Quảng Nam không có nước tưới đã khô nứt nẻ. Ảnh: L.K.

Tại xã Cẩm Kim (TP Hội An), ngay từ đầu vụ, xác định được sẽ không có đủ nước tưới nên ngành chức năng đã chỉ đạo cắt giảm khoảng 10 ha diện tích để chuyển đổi qua các loại cây trồng khác. Vụ hè thu 2021, toàn xã này sản xuất khoảng 40 ha lúa. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều đồng ruộng đã gieo sạ được 1 tháng bắt đầu có biểu hiện vàng lá do thiếu nước.

Bà Nguyễn Thị Hoa (68 tuổi, trú thôn 3, xã Cẩm Kim) cho biết, chưa năm nào đám ruộng gần 1,5 sào của gia đình gặp tình trạng thiếu nước như năm nay. Lúa đang trong thời kỳ phát triển nên cần nước để bón phân nhưng hiện tại cứ 5 ngày đám ruộng nhà bà mới được dẫn nước về 1 lần.

“Đất ruộng này là loại đất keo nên nếu không có nước liên tục thì nhanh khô lắm. Cây lúa không có đủ nước bây giờ không lên nổi, nhiều vùng lá đã ngã vàng. Đợt vừa rồi có nước về, tôi cũng tranh thủ bón phân cho đồng ruộng nhưng bây giờ đã khô nước rồi không biết có tác dụng gì không”, bà Hoa than thở.

Cũng như Cẩm Kim, xã Duy Vinh (huyện Duy Xuyên) cũng là khu vực nằm cuối kênh tưới nên gặp rất nhiều khó khăn về nguồn nước. Cùng với đó, tình trạng nước mặn xâm nhập cũng khiến nhiều diện tích lúa hè thu tại đây đứng trước nguy cơ sụt giảm năng suất.

Ông Huỳnh Ngọc Hùng, Giám đốc HTX Duy Vinh cho biết, vụ này, toàn xã sản xuất khoảng 60 ha lúa nhưng trong đó chỉ có 40 ha là tạm đủ nước. Còn lại 20 ha luôn thường xuyên đối mặt với khô hạn và nhiễm mặn. Đặc biệt, khoảng 10 ngày trở lại đây, tình trạng này diễn ra rất gay gắt.

“Chũng tôi đã phải đề nghị các trạm bơm hỗ trợ, tiến hành bơm lách triều để đưa nước về cho các diện tích thiếu nước ở Duy Vinh nhằm cứu lúa. Tuy nhiên, mỗi ngày cũng chỉ bơm được tầm vài giờ chứ không được liên tục. Do đó, trong thời gian tới, cần phải tính các phương án để đảm bảo cung cấp nước cho diện tích lúa hè thu”, ông Hùng nói.

Nhiều ruộng lúa đã bắt đầu ngã vàng do không đủ nước. Ảnh: L.K.

Nhiều ruộng lúa đã bắt đầu ngã vàng do không đủ nước. Ảnh: L.K.

Còn tại huyện Nông Sơn, tình trạng thiếu nước còn diễn ra nghiêm trọng hơn khi hàng chục ha ruộng lúa ở địa phương này đất đã nứt nẻ. Ông Trần Văn Lưu, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Nông Sơn thông tin, theo kế hoạch trong vụ hè thu năm nay, toàn huyện này sẽ gieo sạ hơn 831 ha.

Đến thời điểm hiện tại, huyện này đã gieo sạ được 595 ha (đạt 70%). Với những diện tích còn lại, do không đủ nước nên người dân chấp nhận bỏ. Trong số những diện tích đã gieo sạ, có đến 230 ha nguy cơ khô hạn, trong đó diện tích khô hạn nặng khoảng 55 ha.

“Những thửa ruộng thiếu nước nằm ở cuối kênh, không có nước để dẫn về. Đặc biệt, nhiều tuần nay trên địa bàn cũng không mưa, dù trước đó đã tính toán các phương án chống hạn nhưng không có nguồn nước để bơm nên cũng bất lực.

Trước mắt, dù chưa có tình trạng cây lúa khô chết nhưng thời kỳ này cây lúa đang đẻ nhánh, không có nước sẽ không bón phân được, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng”, ông Lưu cho biết.

Theo ông Đỗ Văn Tùng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi tỉnh Quảng Nam, trước tình trạng hạn mặn, nhiều địa phương trong tỉnh đã đề nghị đơn vị này tiến hành hỗ trợ nước tưới cho những diện tích lúa bị ảnh hưởng.

Những huyện như Duy Xuyên, Đại Lộc do ảnh hưởng của hạn, mặn nên các trạm bơm do địa phương quản lý không thể cung cấp nước để phục vụ bơm tưới. Chẳng hạn như trạm bơm 19/5 phục vụ cho huyện Duy Xuyên có thời điểm phải dừng hoạt động do nguồn nước nhiễm mặn, đến nay chưa thể hoạt động hết công suất.

Các trạm bơm do bị nhiễm mặn nên không thể hoạt động hết công suất. Ảnh: L.K.

Các trạm bơm do bị nhiễm mặn nên không thể hoạt động hết công suất. Ảnh: L.K.

"Do đó, chúng tôi đã chỉ đạo lấy nước từ trạm bơm Xuyên Đông để phục vụ tưới cho khoảng 85 ha lúa ở huyện Duy Xuyên. Bên cạnh đó, tại huyện Đại Lộc do nguồn nước tại Bàu Thạch Bộ khô cạn, nên công ty đã tiến hành lấy nước từ trạm bơm Ái Nghĩa về để cung cấp cho hơn 40 diện tích lúa hè thu tại đây”, ông Đỗ Văn Tùng cho biết. 

Vụ hè thu năm nay, tỉnh Quảng Nam gieo sạ 41 nghìn ha lúa, trong đó gần 38 nghìn ha chủ động được nước tưới, diện tích còn lại phụ thuộc vào nước trời. Ngay từ đầu vụ, ngành nông nghiệp Quảng Nam đã khuyến cáo các địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giảm diện tích lúa khu vực cuối kênh, vùng nguy cơ thiếu nước để hạn chế ảnh hưởng đến người nông dân.

Ông Trương Xuân Tý, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam cho hay: Do thời tiết nắng nóng nên xảy ra tình trạng khô hạn và nhiễm mặn. Trong đó đặc biệt là những diện tích ở huyện Duy Xuyên, Điện Bàn… Để giải quyết tình trạng này, Sở đang phố hợp với Thủy điện Sông Tranh 2 đồng thời dựa theo triều cường để xả nước về nhằm đảm bảo cho các trạm bơm đủ nước để cung cấp cho đồng ruộng.

  • Tags:
Xem thêm
Sơn La giám sát môi trường 16 trang trại chăn nuôi lớn

Sơn La Sơn La sẽ triển khai quan trắc, cảnh báo, giám sát môi trường tại 16 trang trại, gồm 8 trang trại lợn, 3 trang trại trâu, 5 trang trại bò tại 7 huyện.

Hỗ trợ 100% kinh phí tiêm vacxin dại chó và 50% bệnh viêm da nổi cục

QUẢNG BÌNH Trong 2025, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) tiếp tục bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ 100% kinh phí tiêm vacxin dại chó, 50% vacxin viêm da nổi cục và tụ huyết trùng trâu, bò.

Tổ khuyến nông cộng đồng 'gần dân, sát ruộng, am hiểu thực tiễn'

TRÀ VINH Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, khuyến nông cộng đồng, hợp tác xã là lực lượng nòng cốt trong triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

Ruộng đồng nứt nẻ, nguy cơ hạn hán diện rộng tại Bắc Kạn

Bắc Kạn Nhiều cánh đồng tại tỉnh Bắc Kạn không có nước, mặt đất nứt nẻ, người nông dân không thể trồng cấy, nếu không có mưa sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất.

Lúa khỏe, người khỏe, chi phí giảm nhờ drone

Nông dân ngày nay có thể kiểm soát dịch hại từ xa bằng drone, vừa giảm công lao động, tăng hiệu quả, hạn chế rủi ro về sức khỏe và ô nhiễm môi trường.

Thả hơn 40.000 con cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản

BẮC NINH Hoạt động thả hơn 40.000 con cá giống của tỉnh Bắc Ninh góp phần phục hồi hệ sinh thái nước ngọt và nâng cao ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Chủ tịch tỉnh Yên Bái chỉ đạo hỏa tốc phòng cháy chữa cháy rừng

YÊN BÁI Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái vừa có công văn hỏa tốc chỉ đạo các sở, ngành địa phương về việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.