Cánh đồng lúa ở ấp 5, xã Thường Tân trải dài một màu xanh mướt. Những giọt mồ hôi lăn dài trên gương mặt rám nắng của ông Huỳnh Quang Thuận - người nông dân gắn bó hơn 30 năm với đồng ruộng. Ông không chỉ chăm ruộng, mà còn chăm một “giấc mơ mới” - giấc mơ về hạt lúa sạch, ruộng đồng bền vững hơn.

Ông Huỳnh Quang Thuận giới thiệu bộ rễ khỏe mạnh của cây lúa trồng theo mô hình giảm phát thải. Ảnh: Trần Phi.
Trên 1 ha ruộng thử nghiệm, ông Thuận đang thực hành mô hình canh tác lúa giảm phát thải. “Ban đầu tôi lo lắm, vì cách làm mới hoàn toàn. Nhưng sau vài vụ, tôi thấy rõ lúa ít sâu bệnh, đất mềm hơn, mà tiết kiệm được tiền phân thuốc", ông cười hiền, ánh mắt lấp lánh niềm tin.
Điểm mấu chốt của mô hình trồng lúa sạch là giảm mạnh phân hóa học, thay bằng phân hữu cơ vi sinh từ rơm rạ và phân chuồng ủ hoai. Đất không còn chai lì như trước, mà trở nên tơi xốp, giàu dinh dưỡng tự nhiên. “Cứ mỗi mùa gặt xong, tôi gom rơm lại, trộn với chế phẩm vi sinh để ủ làm phân bón vụ sau. Đỡ tốn tiền mà đất lại khỏe hơn", ông kể.
Khác biệt lớn nhất là ở cách tưới nước - không còn ngập trắng như ruộng truyền thống, mà xen kẽ khô, ướt theo chu kỳ 5-7 ngày. Rễ lúa phát triển sâu, cây cứng cáp, năng suất vẫn ổn định. Đặc biệt, phương pháp này giúp giảm lượng khí metan phát sinh, một trong những tác nhân chính gây hiệu ứng nhà kính từ sản xuất lúa nước.
Thay vì phun thuốc tràn lan, ông Thuận dùng bẫy đèn, bẫy dính để kiểm tra dịch hại, chỉ can thiệp khi thực sự cần và ưu tiên thuốc sinh học. “Tôi nhận ra, cây lúa khỏe từ đất, từ rễ thì ít bị sâu bệnh lắm. Mình đâu cần xịt quá nhiều đâu".
Mô hình do Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam phối hợp với Sở KH-CN tỉnh Bình Dương nghiên cứu và triển khai, hiện đang được thử nghiệm trên 1 ha ruộng trong tổng số 10 ha của ông Thuận.
Ông Trịnh Minh Thành, Giám đốc HTX Đồng Thuận Phát, nơi hỗ trợ kỹ thuật và theo dõi mô hình chia sẻ: “Sau 2 vụ thử nghiệm, chi phí đầu vào giảm 20-30% mà năng suất không hề giảm. Gạo sạch, hạt chắc, dễ bán hơn vì được người tiêu dùng ưa chuộng”.

Ông Thuận cùng các chuyên gia đang chia sẻ về quá trình canh tác lúa. Ảnh: Trần Phi.
Từ góc nhìn chuyên môn, ông Trương Quốc Ánh - đại diện Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam đánh giá: “Mô hình lúa sạch của ông Thuận có thể giảm trung bình 0,5-1 tấn CO₂/ha/vụ. Với quy mô sản xuất lúa lớn như ở Việt Nam, nếu nhân rộng, tiềm năng giảm phát thải là rất lớn”.
Tuy nhiên, ông Ánh cũng nhấn mạnh, đây mới là giai đoạn thử nghiệm, cần tiếp tục theo dõi trong điều kiện đất đai, thời tiết khác nhau trước khi triển khai đại trà. “Việc thay đổi tư duy, thói quen canh tác của nông dân không thể ngày một ngày hai, cần đi từ hiệu quả thực tế".

Cánh đồng lúa xanh mướt của ông Thuận. Ảnh: Trần Phi.
Hiện nay, HTX Đồng Thuận Phát đang phối hợp với các cơ quan chuyên môn để đánh giá toàn diện hiệu quả mô hình. Trong tương lai, HTX kỳ vọng kết nối với các tổ chức quốc tế như SNV, IRRI để tổ chức tập huấn kỹ thuật và mở rộng diện tích canh tác sạch. “Chúng tôi hướng đến mục tiêu vừa bảo vệ môi trường, vừa đưa hạt gạo sạch Bình Dương vào các thị trường khó tính hơn", ông Thành chia sẻ.
Dẫu hành trình còn dài, nhưng từ một ha lúa nhỏ bé, một hướng đi mới đang mở ra. Ở đó, cây lúa không chỉ là kế sinh nhai, mà còn là lời cam kết của người nông dân với đất - sống hài hòa, sống trách nhiệm hơn với môi trường.