| Hotline: 0983.970.780

Giảm phát thải từ đồng ruộng: [Bài 1] Cùng nhau làm lúa sạch

Thứ Sáu 16/05/2025 , 10:23 (GMT+7)

Tây Ninh Làm lúa sạch giúp môi trường bớt ô nhiễm và mang lại thu nhập tốt hơn, giúp nông dân an tâm sản xuất và gắn bó lâu dài với ruộng đồng.

Nắng nhẹ phủ vàng cánh đồng lúa ấp Trường, xã Hảo Đước, huyện Châu Thành, Tây Ninh vào những ngày cuối vụ xuân hè. Ông Nguyễn Văn Có thoăn thoắt tay liềm, miệng nở nụ cười nhẹ nhõm. Với ông, vụ mùa là thời điểm để nhìn lại những đổi thay tích cực - từ cách làm, cách nghĩ cho đến cả tương lai ruộng đồng phía trước.

Kỹ sư nông nghiệp của Công ty Đức Thành hướng dẫn nông dân đánh giá chất lượng hạt lúa. Ảnh: Trần Phi.

Kỹ sư nông nghiệp của Công ty Đức Thành hướng dẫn nông dân đánh giá chất lượng hạt lúa. Ảnh: Trần Phi.

“Ngày xưa làm lúa kiểu truyền thống, mình phải gồng gánh đủ thứ. Sâu bệnh, giá cả, thời tiết… không cái nào mình kiểm soát được. Cực mà lời chẳng bao nhiêu”, ông Có nhớ lại. Giọng ông trầm xuống rồi sáng lên: “Từ lúc tham gia mô hình liên kết với doanh nghiệp, cuộc sống của tôi thay đổi rõ rệt".

"Cái được lớn nhất không chỉ nằm ở năng suất hay lợi nhuận, mà là sự an tâm.  Làm xong là có người đến lấy, thanh toán nhanh gọn. Nhẹ đầu lắm”, ông Có chia sẻ.

Thay đổi đó bắt đầu từ sự đồng hành sát sao của Công ty TNHH Đức Thành - một doanh nghiệp địa phương chọn cách làm nông nghiệp cùng nông dân thay vì chỉ đứng ngoài mua bán. Họ cung cấp giống lúa chất lượng, phân bón vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật thân thiện với môi trường, cử kỹ sư nông nghiệp xuống đồng ruộng hướng dẫn tận tình từng công đoạn.

“Lúc đầu cũng bỡ ngỡ. Nhưng rồi mình hiểu ra, làm đúng kỹ thuật thì cây lúa khỏe hơn, ít sâu bệnh, ít phải xịt thuốc, chi phí giảm mà lúa lại trúng hơn”, ông Có gật gù. Từ mức 13 giạ mỗi công, giờ ruộng lúa của ông đạt 17 giạ - tăng gần 30%. Mỗi mùa, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận rõ ràng hơn. Đặc biệt, nỗi lo lớn nhất là đầu ra cũng được giải quyết khi doanh nghiệp thu mua tận ruộng với giá ổn định.

Không chỉ ông Có, nhiều hộ nông dân khác trong vùng cũng đang được tiếp cận mô hình sản xuất lúa sạch giảm phát thải. Đặc biệt, trong giai đoạn đầu, nhà nước hỗ trợ khoảng 30% chi phí - tương đương 3 triệu đồng mỗi ha, giúp bà con yên tâm thực hành cách làm mới.

Ông Nguyễn Văn Có, nông dân tiên phong tại Tây Ninh tham gia mô hình sản xuất lúa sạch giảm phát thải. Ảnh: Trần Phi.

Ông Nguyễn Văn Có, nông dân tiên phong tại Tây Ninh tham gia mô hình sản xuất lúa sạch giảm phát thải. Ảnh: Trần Phi.

Mô hình canh tác mới không chỉ thay đổi kinh tế, mà còn dần thay đổi môi trường sản xuất. Nông dân hạn chế dùng phân hóa học, chuyển sang phân hữu cơ - vi sinh. Việc phun thuốc được cân nhắc kỹ lưỡng, rơm rạ không đốt mà được tận dụng. Nhờ đó, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính như CH₄, N₂O cũng giảm rõ rệt.

Doanh nghiệp Đức Thành hiện đang đầu tư nhà máy chế biến gạo đạt chuẩn xuất khẩu, chủ động vùng nguyên liệu theo chuỗi liên kết. Khi chất lượng hạt gạo được kiểm soát từ đầu vào đến đầu ra, sản phẩm không chỉ bán được giá cao hơn mà còn mở rộng cơ hội vào các thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn xanh, sạch.

Theo ông Nguyễn Đình Xuân - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Tây Ninh, đây là hướng đi mà tỉnh đang đẩy mạnh: “Liên kết nông dân - doanh nghiệp - nhà nước không chỉ giúp cải thiện thu nhập mà còn là nền tảng của nông nghiệp xanh, bền vững. Tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ để nông dân yên tâm chuyển đổi, nhất là trong giai đoạn đầu”.

Những cánh đồng ở Hảo Đước đang thay da đổi thịt, nhờ áp dụng các phương pháp canh tác lúa sạch. Ảnh: Trần Phi.

Những cánh đồng ở Hảo Đước đang thay da đổi thịt, nhờ áp dụng các phương pháp canh tác lúa sạch. Ảnh: Trần Phi.

Từ những bước đi đầu tiên ấy, những cánh đồng ở Hảo Đước đang thay da đổi thịt. Màu xanh của lúa hôm nay không chỉ là màu của sự sống, mà còn là màu của hy vọng. Người nông dân không còn đơn độc giữa ruộng đồng trong hành trình xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp mới.

Xem thêm
Trang trại lợn nằm trong khu dân cư, xả thải ra môi trường

THANH HÓA Nước thải phân lợn được đẩy qua cống, xả thẳng ra ao tù chứa nằm ngay trong khu dân cư thôn Xuân Quan (xã Thiệu Công, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa).

Chăn nuôi an toàn không dịch bệnh là 'chìa khóa' cho sinh kế bền vững

TUYÊN QUANG Chăn nuôi an toàn dịch bệnh không chỉ là giải pháp bảo vệ đàn vật nuôi mà còn là chìa khóa ổn định sản xuất, giữ vững sinh kế cho người dân ở Tuyên Quang.

Hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ canh tác sầu riêng

ĐẮK LẮK Chiều 12/5, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên và Hiệp hội sầu riêng Đắk Lắk ký hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ trong canh tác sầu riêng.

Tối ưu vận hành liên hồ chứa bằng công nghệ và dữ liệu

Khi tài nguyên nước trở nên khan hiếm và biến động khó lường, ngành thủy lợi chủ động tái cấu trúc cách thức quản lý dựa trên nền tảng công nghệ và dữ liệu.

Đồng Tháp tập huấn về AI cho cán bộ và người dân

Đồng Tháp tổ chức tập huấn AI nhằm nâng cao nhận thức chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân trên địa bàn tỉnh.

Ngăn chặn nhập lậu, buôn bán, vận chuyển trái phép tôm hùm giống

Khánh Hòa Mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa có văn bản chỉ đạo về việc tăng cường các biện pháp ngăn chặn nhập lậu, buôn bán, vận chuyển trái phép tôm hùm giống.

Thực hiện chiến lược lâm nghiệp bền vững từ hoạt động trồng cây

Bình Dương Từ phong trào trồng cây nhân kỷ niệm 135 năm ngày sinh nhật Bác, tỉnh Bình Dương đã đẩy mạnh thực hiện chiến lược phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn mới.