| Hotline: 0983.970.780

Gia tăng tình trạng đốt rơm rạ sau vụ đông xuân

Thứ Hai 12/06/2023 , 08:45 (GMT+7)

QUẢNG TRỊ Rơm được gom thành từng đống để đốt, cháy lan cả gốc rạ. Những bờ vùng bờ thửa cháy đen, khói bay mù trời, tràn vào cả khu dân cư khiến không khí ngột ngạt.

Tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch vụ đông xuân tại Quảng Trị đang gia tăng. Ảnh: Võ Dũng.

Tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch vụ đông xuân tại Quảng Trị đang gia tăng. Ảnh: Võ Dũng.

Ghi nhận tại Quảng Trị, tình trạng đốt rơm rạ đang gia tăng dù trước đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh này từng thực hiện mô hình xử lý rơm rạ bằng chế phẩm Trichoderma.

Những ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6, ruộng lúa hai bên đường từ trung tâm xã Cam Tuyền (huyện Cam Lộ) vào thôn Bản Chùa cơ bản đã được thu hoạch. Gần như tất cả rơm, rạ sau thu hoạch đều được đốt ngay tại ruộng. Khói bụi theo từng cơn gió bay vào tận khu dân cư khiến không khí mùa hè oi bức càng trở nên ngột ngạt. Không chỉ dưới ruộng lửa cháy rừng rực, cỏ ở bờ vùng, bờ thửa cũng cháy rụi.

Bài liên quan

Một số hộ cẩn trọng hơn thu rơm rạ về một đống ven đường để đốt nhưng việc làm này cũng gây ô nhiễm không khí và tiềm ẩn nguy cơ xẩy ra cháy, nhất là trong những ngày hè nắng và nhiệt độ lên cao.

Sau khi đốt rơm rạ xong, những thửa ruộng kia sẽ được cày để chuẩn bị gieo cấy vụ hè thu.

Ông Nguyễn Văn Sỏ, thôn Đâu Bình, xã Cam Tuyền cho biết, gia đình ông có 2 sào lúa (1.000m2). Thường sau khi thu hoạch vụ đông xuân, chờ trời nắng, rơm rạ khô, ông Sỏ đốt để chuẩn bị cày đất làm vụ hè thu. Đây là tình trạng chung của đa phần người dân thôn Đâu Bình hiện nay.

Ông Sỏ lý giải về việc đốt rơm rạ của mình: “Đốt như thế này thì đất bị bó lại nhưng bỏ nhiều phân chuồng bón cho đất sẽ giải quyết được. Biết là khói bụi ảnh hưởng đến môi trường nhưng nếu chờ gốc rạ phân hủy thì lâu lắm, trong khi vụ hè thu phải làm gấp. Tuy nhiên, việc đốt rơm rạ cũng giúp tiêu diệt các nguồn sâu bệnh trên đồng".

Có hộ gom rơm rạ thành đống để đốt ven đường gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Ảnh: Võ Dũng.

Có hộ gom rơm rạ thành đống để đốt ven đường gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Nguyễn Anh Tuân, Chủ tịch UBND xã Cam Tuyền cho biết, người dân Cam Tuyền sống chủ yếu bằng nghề nông. Trong đó, chăn nuôi đem lại nguồn thu nhập lớn. Tuy nhiên, người dân ở đây còn giữ tập quán chăn nuôi thả rông nên việc gom rơm rạ làm thức ăn cho gia súc sau mỗi vụ thu hoạch lúa vẫn chưa phổ biến.

Rơm rạ không lấy làm thức ăn cho gia súc mà để lại trên đồng ruộng nên gây khó khăn cho máy cày vào làm đất và có thể gây ra hiện tượng ngộ độc hữu cơ nên lâu nay người dân vẫn thường đốt. Còn sau vụ hè thu, thời gian đất nghỉ dài hơn, đủ để gốc rạ phân hủy hết nên người dân không đốt.

“Chúng tôi đã tuyên truyền nhiều về việc không được đốt rơm rạ sau thu hoạch nhưng người dân cứ thấy thuận tiện là làm mà chưa ý thức hết được việc ô nhiễm môi trường và tiêu diệt các vi sinh vật có lợi trong lòng đất. Ở đây, nếu có doanh nghiệp nào đến thu mua rơm rạ cho người dân thì sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề”, ông Tuân cho hay.

Bà Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị cho hay, tình trạng đốt rơm rạ đang gia tăng, phổ biến tại các huyện Triệu Phong, Hải Lăng, Vĩnh Linh, Gio Linh…

Theo bà phương, có đến 60 - 70% hộ làm lúa đốt rơm rạ sau vụ đông xuân, rất lãng phí. Nông dân chỉ thấy lợi ích trước mắt, làm ruộng nhanh, sạch cỏ mà không thấy tác hại lâu dài. Hiện nay có một số doanh nghiệp đã đầu tư máy cuốn rơm, làm dịch vụ thu gom nhưng chưa phát triển.

Người dân chưa ý thức hết tác hại của việc đốt rơm rạ. Ảnh: Võ Dũng.

Người dân chưa ý thức hết tác hại của việc đốt rơm rạ. Ảnh: Võ Dũng.

Để giải quyết tình trạng này, theo bà Phương, nông dân cần xử lý rơm rạ bằng chế phẩm Trichoderma. “Quảng Trị từng thực hiện mô hình xử lý rơm rạ bằng chế phẩm Trichoderma nhưng không nhân rộng được. Chỉ cần rải chế phẩm Trichoderma cùng với quá trình làm đất, chỉ 5 - 7 ngày sau là rơm rạ bị phân hủy hết, không sợ ngộ độc hữu cơ cho cây trồng. Quá trình này không mất nhiều công sức cũng như chi phí. Cần phải hành động sớm, nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tài nguyên đất”.

“Chúng tôi đã tuyên truyền, vận động rất nhiều nhưng tình trạng đốt rơm rạ vẫn gia tăng. Đốt rơm rạ có thể cung cấp tro, chất dinh dưỡng cho giai đoạn phát triển đầu của cây lúa nhưng sẽ khiến hệ vi sinh vật bị chết hết, đất chai dần, xói mòn, bạc màu, mất cân đối môi trường và gây ra phát thải khí nhà kính, điều này đi ngược lại với mục tiêu chống biến đổi khí hậu.

Mỗi người dân cần có một hành động, không thể ai cũng nghĩ bảo vệ môi trường không phải là việc của mình. Cần có một quy định nào đó, ví dụ như cấm đốt rơm rạ chẳng hạn để cơ quan chức năng có chế tài, cơ sở xử lý”, bà Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị bày tỏ.

Xem thêm
Quảng Ninh khuyến khích nhà đầu tư xây dựng trang trại quy mô lớn

QUẢNG NINH Ngành chăn nuôi Quảng Ninh tiếp tục chuyển dịch theo hướng tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, an toàn dịch bệnh.

Phòng chống dịch tả lợn Châu Phi từ cơ sở giết mổ

GIA LAI Trước tình hình dịch tả lợn Châu Phi diễn biến phức tạp, ngành chức năng Gia Lai tăng cường phòng chống, đặc biệt là từ cơ sở giết mổ động vật tập trung.

Chàng trai 22 tuổi mỗi tháng ẵm 20 triệu đồng nhờ nuôi ong chúa giống

CẦN THƠ Hiện mỗi con ong chúa giống do Tạo sản xuất có giá từ 200.000 đồng. Trung bình mỗi tháng Tạo cung cấp ra thị trường khoảng 800 con, thu nhập gần 20 triệu đồng.

Nông nghiệp Hải Phòng kỳ vọng đột phá sau sáp nhập

HẢI PHÒNG Sau hợp nhất, thế mạnh về biển của Hải Phòng và nông nghiệp công nghệ cao của Hải Dương hứa hẹn sẽ tạo ra cực tăng trưởng mới, giúp phát huy được các tiềm năng.

Trí thức trẻ Việt góp sức cùng đất nước bước vào kỷ nguyên chuyển đổi số

HÀ NỘI Sáng 19/7, Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ VI, năm 2025 chính thức khai mạc tại Đại học VinUni.

Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 tuyên truyền chống IUU

Vĩnh Long Chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) là trách nhiệm của ngư dân, cơ quan chức năng và toàn xã hội.

Đánh thức tiềm năng du lịch sinh thái rừng đặc dụng

Thái Nguyên Vườn quốc gia Ba Bể, Khu dự trữ thiên nhiên Kim Hỷ và Khu bảo tồn loài – sinh cảnh Nam Xuân Lạc là những viên ngọc giữa đại ngàn đang dần được đánh thức.

Bình luận mới nhất