Họ ví đời mình như những cánh bèo, cứ lênh đênh, cứ trôi theo con nước. Trong những giấc ngủ tròng trành, chẳng biết đã bao bận họ mơ thấy mình cập bến. Nhưng khi tỉnh dậy bốn bề vẫn là sóng nước mênh mông...
Chuyện kể trên sóng
Nhân hôm ra xã "báo cáo", mấy người đàn ông làng Bèo (lòng hồ Thủy điện Đồng Nai 3 thuộc xã Đăk Xom, huyện Đăk Glong, Đăk Nông), làm lít rượu với con cá chép câu được ngồi xả hơi sau nhiều ngày ngụp lặn, cũng là để gặp mặt xóm giềng chứ mấy tháng nay lên đây mà đâu có dịp ngồi với nhau.
Sau một hồi chén chú, chén anh, Tư Mứt trải lòng: “Hồi còn chiến tranh, tui cũng theo cách mạng. Bị giặc đánh rát quá mới dạt sang bên Campuchia. Hòa bình về lại quê cũ nhưng nhà cửa chẳng còn, người thân cũng chẳng thấy đâu. Không tiền, không chữ, mần (làm) gì cũng chẳng đặng nên mới xuống sông. Hồi mới cưới, vợ chồng tui sống trên thuyền, giờ dù sao cũng khá hơn là có nhà cửa đàng hoàng”.
![]() |
Một bữa “tiệc” ở làng Bèo |
"Nhà" của Tư Mứt cũng đến hơn 20m2, dưới kê sáu cái thùng phuy nhựa, trên lợp 4 tấm tôn, sàn đóng ván, bốn bề che bạt, một phòng ngủ, một phòng khách (cũng là chỗ ăn cơm, đan lưới…). Tư Mứt cùng tuổi với vợ, năm nay 69. Năm đứa con giờ đã ra riêng cũng theo nghiệp bố. Cháu nội, cháu ngoại “in hình” chín mười đứa gì đấy (Tư Mứt còn không nhớ nổi tên thiệt của con mình). Dù nghèo nhưng con ông đứa nào cũng học hành “đàng hoàng”, có đứa đã… hết lớp 5.
Cũng tại cái “nghiệp long đong” nên cả đời Tư Mứt không có chứng minh thư. Con cháu giờ cũng không đứa nào có mảnh giấy “chứng thân”. Cũng chẳng cần lắm, chỉ trầy trật chuyện đi học của mấy đứa cháu, xin vô đâu cũng khó...
So với Tư Mứt, Sáu Lý đáng tuổi con. Nhưng nếu nói chuyện lênh đênh thì Tư Mứt thua xa. Sáu Lý ra đời trên sông, ba tuổi bơi rành, sáu tuổi biết chèo thuyền, mười tuổi đã đan được lưới, bắt được cá, đi hết sáu bảy lòng hồ, tám chín con sông… Không biết mình bao nhiêu tuổi, nhưng Sáu Lý chắc chắn mình sinh 1962. Hạnh phúc lớn nhất của đời ông là học viết được tên mình: Nguyễn Tâm Lý, không như mấy người đồng lứa chỉ biết in dấu tay mỗi khi có việc với chính quyền. Sáu Lý giờ đã thành ông, nhưng cũng giống Tư Mứt, từ đời cha cho đến đời cháu ông bây giờ vẫn chưa có hộ khẩu.
Nói chi đến Tư Mứt, Sáu Lý quanh năm suốt tháng lang thang khắp các lòng hồ, Tám Bi sống ở Thác Mơ (Bình Phước) gần chục năm trời nhưng năm lần mười lượt đi làm hộ khẩu cũng không ai nhận. Họ nói Tám Bi sống dưới nước có đất đai gì đâu mà làm hộ khẩu…
Câu chuyện của mấy người đàn ông tôi đành phải nghe dở vì can rượu đã cạn mà tối ai cũng bận đi làm, phải tranh thủ chợp mắt một chút…
Thấy canô ghé nhà, lại có cả người mặc cảnh phục, bà Tám Láo chẳng nói chẳng rằng đi thẳng vào buồng mang ra tờ giấy có đóng dấu đỏ: “Tui đăng ký với xã rồi nè, các chú hỏi nhà khác đi”… Bà Tám Láo nay đã 64. Vợ chồng bà gốc gác bên Campuchia. 18 tuổi Tám Láo lấy chồng rồi “trôi” theo chồng dạt mãi về đây. Bà sinh tất thảy 10 lần, nhưng mất hết nửa do rớt xuống nước. Bà tự trách mình “hậu đậu” nên mấy chục năm qua, ngày nào cũng nhang đèn cho mấy đứa con đã mất.
![]() |
Bà Tám Láo tự trách mình “hậu đậu” nên mấy chục năm qua, ngày nào cũng nhang đèn cho mấy đứa con đã mất |
Mấy năm nay bà mắc bệnh tim, mắt cũng mờ dần chẳng mần được gì. Khó quá, Ba Nhờ, chồng bà, vay tiền đầu tư cho bà cái lồng cá. Nhưng càng mần càng lỗ, nợ hơn chục triệu bạc mà chẳng biết bao giờ mới trả xong. “Mấy hôm nay, bị hỏng cái thùng phuy nhà không nổi được, nước cứ xâm xấp dưới lưng mà cũng chưa sửa được nói chi mười mấy triệu”, bà cười xuề xòa rồi xin phép đi thăm lồng cá.
Tối qua, cánh đàn ông kiếm được kha khá nên chiều nay, quán của bà Tư Bính cũng rộn ràng hẳn ra. Tụi trẻ ăn quà xong thì bì bõm dưới nước, mấy bà, mấy chị thì rôm rả quanh chuyện giá cả lên xuống. Chỗ bà Bính rẻ có kim chỉ, đắt nhất là bia. Nhưng ai muốn mua bia phải dặn trước vài ngày. Thứ chạy nhất chỗ bà là mỳ tôm, trứng và rượu. Ai muốn ăn thịt thì báo cho bà Bính trước một ngày, vào đầu buổi sáng.
Đang là mùa hè, lũ trẻ lên nhiều nên quà bánh bán cũng được. So với ngoài chợ huyện Đăk Glong (Đăk Nông), chỗ bà Bính cái gì cũng đắt hơn dăm ngàn vì phải qua một bận xe, một lần đò. Qua câu chuyện của mấy bà, tôi nghiệm ra, với làng Bèo nhà nào kiếm được 200 ngàn một ngày được coi là “trúng đậm”. Còn thường thì mỗi ngày từ vài chục đến khoảng 100 ngàn, trắng tay cũng là chuyện thường. Chỗ bà Bính có cái tivi trắng đen, chiều bưng ra trước nhà, cả làng vây thuyền lại xem phim. Nhiều bữa đang đến đoạn hay nhưng hết bình ắc quy, mọi người ra về mà tiếc rẻ không biết câu chuyện diễn biến ra sao.
Làng Bèo ngoài mần cá còn nuôi thêm cá. Mỗi lồng cá được đầu tư khoảng 2- 5 triệu. Cá bắt được hàng ngày chỉ đủ đút vô miệng, cuối năm khui lồng cá để lấy tiền trả nợ, dư ra chút đỉnh thì lo Tết và chuyện học hành cho xấp nhỏ. Chuyện học chữ ở làng Bèo đến lớp năm đã được gọi là “ăn học đàng hoàng”, thường thì biết đọc biết viết là xuống thuyền theo ba mẹ bắt cá. Riêng chuyện bơi thì phải học từ lúc biết đi.
![]() |
Cùng với việc học bơi, bọn trẻ ở làng Bèo cũng phải học bơi thuyền từ tấm bé |
Giấc mơ không có thật
Vợ Tư Mứt hôm nay bỗng trẻ đẹp, rạng rỡ như hồi mới lấy nhau. Bà cứ như con lật đật hết vào rồi ra cửa mời khách. Tân gia nhà Tư Mứt, làng Bèo có đủ cả. Nhưng Tư Mứt thấy “thương” cho họ vì ai đời đi mừng tân gia mà mỗi người mang theo một xâu cá. Giờ từ thị tới quê người ta mừng bằng phong bì, ai đời lại…
Nói vậy chứ lòng Tư Mứt thấy vui lắm, xóm giềng một thời tối lửa tắt đèn có nhau đến được đã là quý hóa. Bữa tiệc tân gia đang rất vui vẻ thì Sáu Lý bỗng quay ra “cự” Tư Mứt. Chẳng hiểu cớ sự gì Sáu Lý lấy chai bia phang thẳng vô đầu Tư Mứt. Tư Mứt đau đớn, giãy dụa, tỉnh dậy thấy “bà vợ già” gác cái tay nặng trịch lên đầu mình, bốn bề sóng nước mênh mông…
Câu chuyện của Tư Mứt làm làng Bèo được trận cười vỡ bụng. Nhưng liền đó là nỗi buồn từ trong sâu thẳm đáy mắt mỗi người lan tận sang những người khách như tôi. Không riêng Tư Mứt mà bất cứ ai ở làng Bèo này đều đã từng mơ một ngày kia được lên bờ, để những giấc ngủ không còn tròng trành, để được làm hộ khẩu, để có chứng minh thư, để xấp trẻ được học hành đàng hoàng…
Với khách, làng Bèo như một điểm nhấn trong bức tranh thủy mặc. Giữa sơn thủy hữu tình mọc lên những nóc nhà yên ả, khung cảnh ấy gợi cho người ta nghĩ về một cuộc sống thong dong, an nhàn của những kẻ sỹ thời xưa muốn xa rời thế sự. Nhưng với người làng Bèo cuộc sống ấy luôn dậy lên sóng gió. Có điều họ phải chấp nhận nó để sống hết kiếp người. |
Nhưng giấc mơ ấy chẳng biết bao giờ mới thành hiện thực. Cả đời Tư Mứt cũng như tất cả những cư dân làng Bèo đã vắt kiệt sức lực cho giấc mơ lên bờ. Vậy mà như Tư Mứt đến tuổi thất thập mới thấy giấc mơ ấy là quá xa xỉ. “Cái nghề sông nước nó bạc, tôm cá bắt riết cũng hết, mần quần quật cũng chỉ đủ đút vô miệng mỗi ngày. Vậy nên ở lâu một chỗ cũng chẳng xong. Phần vì chẳng còn gì để bắt phần nguồn nước ô nhiễm chẳng nuôi được gì. Cũng may mấy năm nay có mấy cái lòng hồ mới. Không chắc chết", Tư Mứt phân trần.
Làng Bèo mới lập chừng gần 1 năm, chia ra năm sáu khóm, mỗi khóm chừng mười hộ. Tính cả bọn trẻ cũng đến 300 người. Nghe Thủy điện Đồng Nai 3 tích nước là họ lên liền. Kinh nghiệm sông nước cho họ biết chỗ này tôm cá sẽ dồi dào, nguồn nước không ô nhiễm, kiếm cá cũng dễ mà nuôi cá cũng đạt. Tên “Bèo” là do Tư Mứt đặt ra. Một hôm quá chén, nửa đêm Tư Mứt mang cây đàn ghi ta phím lõm, ra giữa sông ca vọng cổ. Lời bài ca do Tư Mứt “tích cảnh sinh tình” đặt ra.
Đêm đó, mấy bà, mấy chị ai nghe cũng rưng rức. Tôi không nhớ hết lời bài ca, nhưng đại ý Tư Mứt nói về cuộc đời gian truân của mình, của những người suốt đời quanh quẩn trên sông nước. Đoạn kết Tư Mứt ca rằng: “Đời ta như cánh bèo trôi/ Lênh đênh tám hướng biết rồi về đâu”. Ngẫm Tư Mứt chí phải, từ đó cái tên làng Bèo ra đời.