| Hotline: 0983.970.780

Dị ứng thức ăn và những lưu ý với thực phẩm dễ gây dị ứng

Chủ Nhật 18/09/2022 , 18:26 (GMT+7)

Dị ứng thức ăn có thể xảy ra vài phút hoặc vài giờ sau ăn. Dị ứng có thể nhẹ nhưng cũng có thể gây ra tình trạng bệnh trầm trọng, thậm chí tử vong.

soc-phan-ve-1662452917907963251740

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương đang kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân sốc phản vệ sau khi ăn tôm, cua.

Dị ứng, sốc phản vệ sau khi ăn hải sản

Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) mới đây tiếp nhận bệnh nhân nữ 13 tuổi bị sốc phản vệ, hôn mê sau khi ăn tôm, cua. Trước đó, bệnh nhân được gia đình đưa đến Phòng khám đa khoa Hùng Vương - Chân Mộng (thuộc Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương) trong tình trạng hôn mê, nổi ban toàn thân (ban dị ứng), phù mắt, khó thở...

Theo gia đình, sau khi ăn tôm, cua khoảng 1,5 tiếng, bệnh nhân xuất hiện mẩn ngứa ở chân, tay, sau đó lan rộng toàn thân rồi lơ mơ, đại tiểu tiện không tự chủ.

Tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ đã xử trí theo phác đồ chống sốc phản vệ. Sau khi được cấp cứu hồi sức tích cực, hiện bệnh nhân qua cơn nguy kịch và được chuyển lên khoa Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện tiếp tục theo dõi, điều trị.

Mới đây, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân nhập viện trong tình trạng khó thở, bủn rủn tay chân, ban đỏ rải rác toàn thân, huyết áp tụt. Khai thác tiểu sử cho thấy, trước đó, người này có ăn cá thu. Sau ăn 30 phút thì xuất hiện các triệu chứng trên. Được biết bệnh nhân không có tiền sử dị ứng. Sau khi được cấp cứu, xử trí kịp thời, tình trạng bệnh nhân đã ổn định. 

Sữa, trứng, hạt gây dị ứng

Sữa, trứng, hải sản, các loại hạt... là những thực phẩm dễ gây dị ứng. Ảnh minh họa

Dị ứng thức ăn là gì?

Dị ứng thức ăn là một phản ứng dị ứng của cơ thể xảy ra khi cơ thể tiếp nhận những protein đặc biệt thông qua đường ăn uống. Đây là một loại phản ứng của hệ miễn dịch khi các protein đặc biệt này gây nên các phản ứng dị ứng của cơ thể. Tình trạng dị ứng với thành phần protein trong thức ăn có thể là cấp tính (xảy ra một cách đột ngột) hoặc mạn tính (xảy ra trong một thời gian dài).

Khi bị dị ứng thức ăn, nhiều trường hợp chỉ có phản ứng dị ứng nhẹ, có thể gây ra các biểu hiện không thoải mái nhưng không nghiêm trọng với sức khỏe. Tuy nhiên, một số trường hợp lại rất nghiêm trọng, gây nguy hiểm đến tính mạng.

Các triệu chứng dị ứng thường phát triển trong vòng vài phút đến 2 giờ sau khi ăn. Một số dấu hiệu chính như: Nổi mẩn ngứa toàn thân hoặc ngứa trong miệng, nổi mề đay, phát ban, chàm, sưng môi, sưng mặt, lưỡi, cổ họng hoặc các bộ phận khác trên cơ thể; khò khè, nghẹt mũi hoặc khó thở; đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn hoặc nôn; chóng mặt hoặc ngất xỉu, da nhợt nhạt, tím tái, toát mồ hôi.

Ở mức độ nặng, người bệnh có thể bị sốc phản vệ với các triệu chứng đe dọa đến tính mạng như: Hạn chế và thắt chặt đường thở; cổ họng bị sưng hoặc cảm giác bị nghẹn ở cổ họng khiến cho quá trình thở khó khăn; giảm huyết áp đột ngột và nghiêm trọng; mạch đập nhanh; chóng mặt hoặc mất ý thức. Trong trường hợp này, nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân có thể rơi vào hôn mê, thậm chí tử vong. 

Hải sản

Hải sản là nhóm thực phẩm giàu dinh dưỡng nhưng cũng dễ gây dị ứng với một số nhóm người. Ảnh minh họa

Yếu tố nguy cơ và một số thực phẩm dễ gây dị ứng

Các yếu tố nguy cơ gây dị ứng thức ăn gồm:

Tiền sử gia đình: Nếu trong gia đình có người bị hen suyễn, nổi mề đay, chàm, con cái có nguy cơ cao bị dị ứng với một loại thức ăn nào đó nếu bố mẹ cũng dị ứng.

Đã từng bị dị ứng: Nếu đã có tiền sử dị ứng với một loại thức ăn cụ thể, có thể cơ thể sẽ tăng nguy cơ dị ứng với những loại thức ăn khác. Đặc biệt, nếu đã có phản ứng dị ứng với thức ăn thì nguy cơ bị dị ứng ở những lần tiếp theo sẽ cao hơn và mức độ ngày càng nghiêm trọng.

Độ tuổi: Dị ứng thức ăn khá phổ biến ở trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi. Với trẻ đã bị dị ứng thức ăn thì khi già đi cơ thể sẽ ít có khả năng hấp thụ thức ăn hoặc các thành phần thức ăn đã gây dị ứng.

Một số thực phẩm dễ gây dị ứng cần thận trọng cụ thể như:

Hải sản: Hải sản là nhóm thực phẩm giàu dinh dưỡng nhưng cũng dễ gây dị ứng với một số nhóm người. Các loại hải sản dễ gây dị ứng là tôm, cua, ngao, trai, sò, sò điệp, mực, bạch tuộc… Triệu chứng của dị ứng hải sản thường xảy ra nhanh chóng. Tuy nhiên, đôi khi có thể khó phân biệt với phản ứng bất lợi với chất gây ô nhiễm của hải sản, ví dụ như vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng. Điều này là do các triệu chứng có thể giống nhau, vì cả hai đều có thể gây ra các vấn đề tiêu hóa như: nôn mửa, tiêu chảy và đau dạ dày. Dị ứng hải sản không có xu hướng tự khỏi theo thời gian, vì vậy hầu hết những người mắc bệnh phải loại trừ các thực phẩm này để phòng ngừa dị ứng.

Trứng: Trứng cũng là thực phẩm dễ gây dị ứng. Các triệu chứng dị ứng sau khi ăn trứng bao gồm: đau bụng, rối loạn tiêu hóa, phát ban, có vấn đề về đường hô hấp. Hiếm gặp sốc phản vệ.

Sữa bò: Đây là một trong những thực phẩm gây dị ứng phổ biến nhất ở trẻ em. Các trường hợp bị dị ứng với sữa bò thường được thấy ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 6 tháng tuổi. Người bệnh thường gặp các triệu chứng như: sưng tấy, phát ban, nổi mề đay, nôn mửa, tiêu chảy… Trong một số trường hợp hiếm gặp có sốc phản vệ. Cách phòng và điều trị tốt nhất là ngừng và tránh uống sữa bò và các loại thực phẩm có chứa sữa bò như: Sữa, sữa bột, phô mai, bơ, bơ thực vật, sữa chua, kem…

Đậu nành: Dị ứng đậu nành thường xảy ra ở trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 3 tuổi. Tình trạng dị ứng được kích hoạt bởi một loại protein trong đậu nành hoặc các sản phẩm có chứa đậu nành. Các triệu chứng có thể bao gồm: ngứa, ngứa miệng, chảy nước mũi, phát ban, hen suyễn hoặc khó thở. Một số trường hợp hiếm gặp, dị ứng đậu nành cũng có thể gây sốc phản vệ. Cách điều trị và phòng ngừa duy nhất cũng là tránh ăn đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành...

Các loại hạt: Một số loại hạt như mắc ca, óc chó, điều… có thể gây dị ứng. Những người bị dị ứng các loại hạt cũng sẽ bị dị ứng với các sản phẩm được làm từ các loại hạt này.

Lạc: Lạc có thể gây ra phản ứng dị ứng rất nghiêm trọng và dễ dẫn đến tử vong. Loại dị ứng này ảnh hưởng tới 4 - 8% trẻ em và 1 - 2% người lớn. Tuy nhiên, 15 - 22% trẻ em dị ứng với lạc sẽ cải thiện bệnh khi đến tuổi thiếu niên.

Để phòng ngừa dị ứng thức ăn, các chuyên gia khuyến cáo, cần tránh các thực phẩm có tiền sử gây dị ứng cho cơ thể hoặc các thực phẩm có nguy cơ gây dị ứng; xem kỹ thành phần in trên bao bì thức ăn để loại trừ những sản phẩm có thể gây dị ứng cho cơ thể. Bên cạnh đó, cần cẩn trọng nếu sử dụng thức ăn chế biến sẵn không có nhãn mác; không sử dụng thực phẩm hết hạn, ôi thiu, ẩm mốc; tìm hiểu thông tin, kiến thức về dị ứng thực phẩm để có thể xử lý trong tình huống khẩn cấp.

Xem thêm
Cấy ghép mô tinh hoàn, chữa vô sinh cho người mắc ung thư lúc trẻ

Khoảng 85% trẻ em mắc ung thư hiện nay sống sót đến tuổi trưởng thành và khoảng 1/3 trong số này bị vô sinh do hóa trị hoặc xạ trị.

Bạo lực gia đình nhìn từ vụ một nam DJ đánh vợ

Bạo lực gia đình không còn là câu chuyện xa lạ, nhưng vụ một nam DJ đánh vợ bị phanh phui nhờ đoạn clip tung lên mạng thực sự khiến cộng đồng nhức nhối.

Sự chần chừ làm dang dở một mối lương duyên

Sự chần chừ trước đám cưới có nhiều nguyên nhân, nhưng khi lời hứa hẹn cứ kéo dài mông lung thì hai kẻ yêu nhau thực sự cũng đành đứt đoạn lương duyên.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Những điều người bệnh đái tháo đường cần lưu ý để phòng ngừa biến chứng

Bệnh đái tháo đường đang tăng nhanh, đặc biệt tại các nước khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam. Bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao.

Ăn băp cải giúp phòng ngừa ung thư

Ăn băp cải giúp phòng ngừa ung thư: Một số nghiên cứu chỉ ra rằng trong thành phần của rau bắp cải chứa nhiều chất chống oxy hóa giúp phòng ngừa ung thư.