| Hotline: 0983.970.780

Đà Nẵng 'gác lợi nhuận', phủ xanh rừng bằng cây gỗ lớn

Thứ Ba 13/05/2025 , 14:49 (GMT+7)

Tại Đà Nẵng, nhiều hộ dân trồng rừng đã mạnh dạn chuyển từ keo sang cây gỗ lớn, góp phần ‘vá’ rừng, tạo sinh kế bền vững.

Bỏ keo trồng cây gỗ lớn

Mười năm trước, trên vùng đồi dốc xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, ông Thiều Song từng chuyên canh cây keo lá tràm. Mỗi vụ thu hoạch, khi rừng bị đốn hạ, những khoảng đất trống loang lổ cứ như cứa vào lòng người trồng rừng đầy trăn trở. Rừng xanh rồi trắng, phủ kín rồi lại trơ trụi. Đứng trước vòng lặp ấy, ông Song đã quyết định chuyển gần 2 hecta keo sang trồng cây bản địa như sao đen, lát hoa, sưa đỏ.

Ông Thiều Song cùng cán bộ lâm nghiệp kiểm tra cây sao đen mới được ươm trồng thay thế cây keo. Ảnh: Lan Anh. 

Ông Thiều Song cùng cán bộ lâm nghiệp kiểm tra cây sao đen mới được ươm trồng thay thế cây keo. Ảnh: Lan Anh. 

Cả cuộc đời gắn bó với rừng, làm kinh tế bằng việc trồng keo, ấy vậy mà, ở tuổi ngoài lục tuần, ông Song lại từ bỏ kế sinh nhai đã nuôi sống gia đình, nuôi lớn những đứa con của mình. Ông Song kể, ngày trước trồng keo 4-5 năm là có thể thu tiền. Có vụ ông lãi gần nửa tỷ. Chuyển sang cây gỗ lớn thì phải đợi 8 đến 10 năm mới thu được. Nhưng những cây gỗ lớn sẽ làm được điều mà keo không thể: giữ đất, giữ nước, giữ rừng.

“Cây sao đen lâu cho thu hoạch nhưng hiệu quả kinh tế cao, lại vừa bảo vệ môi trường. Ở xã Hòa Phú, bà con giờ đăng ký trồng cây sao đen nhiều lắm. Chính quyền cũng hỗ trợ cây giống, nên tôi quyết định tham gia,” ông bộc bạch.

Không riêng gì ông Song, phong trào “vá” rừng bằng cây gỗ lớn đang dần lan tỏa đến các địa phương khác ở Hòa Vang. Ông Đinh Văn Hinh, ở thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc đang chăm sóc 4 hecta trồng các loại cam rừng, tà vạt – những giống cây bản địa phù hợp với thổ nhưỡng vùng núi. Theo ông Hinh, nhận thức của người dân đang thay đổi dần.

Ông Đinh Văn Hinh đang chăm sóc 4 hecta trồng các loại cam rừng, tà vạt – những giống cây bản địa trên đất trồng keo trước đây Ảnh: Lan Anh.

Ông Đinh Văn Hinh đang chăm sóc 4 hecta trồng các loại cam rừng, tà vạt – những giống cây bản địa trên đất trồng keo trước đây Ảnh: Lan Anh.

“Trước đây ai cũng ham trồng keo vì có tiền nhanh, nhưng giờ bà con hiểu rồi – đất bạc màu, rừng nghèo sinh học, sạt lở thì ai chịu? Chậm nhưng chắc. Mình bắt đầu hôm nay thì con cháu sẽ được hưởng. Rừng không chỉ là cây mà còn là chỗ dựa an toàn cho người miền núi”, ông bộc bạch.

Giữ rừng cho mai sau

Huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng có tổng diện tích rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp 58.000 hecta, trong đó diện tích đất có rừng hơn 55.000 hecta. Ngoài chính sách ưu đãi của nhà nước đối với bà con theo Nghị quyết 254 năm 2019 của HĐND thành phố Đà Nẵng về trồng rừng gỗ lớn, chính quyền địa phương luôn tạo mọi điều kiện và hỗ trợ tốt nhất để người dân có điều kiện phát triển sản xuất. Nhiều năm qua, từ chính sách giao đất giao rừng đến các cơ chế hỗ trợ vay vốn, cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật, người dân đã được tiếp thêm động lực để quay về với rừng một cách căn cơ và bền vững.

Đà Nẵng có nhiều chính sách khuyến khích người dân trồng rừng gỗ lớn. Ảnh: Lan Anh.

Đà Nẵng có nhiều chính sách khuyến khích người dân trồng rừng gỗ lớn. Ảnh: Lan Anh.

Ông Trương Thanh Nhân, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc chia sẻ, xã Hòa Bắc có hơn 32.000 hecta rừng, chiếm hơn 95% tổng diện tích rừng trên địa bàn toàn huyện, hơn 50% tổng diện tích rừng của thành phố Đà Nẵng. Rừng Hòa Bắc được ví như lá phổi xanh thứ hai của thành phố. Vì vậy, công tác quản lý, bảo vệ rừng bền vững là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng mà địa phương đặc biệt quan tâm, qua đó cũng góp phần bảo vệ an ninh nguồn nước.

“Chúng tôi xác định phát triển rừng gỗ lớn là mục tiêu lâu dài. Vì vậy, xã vận động dân theo hướng trồng xen canh – lấy ngắn nuôi dài. Có 5 hecta thì khuyến khích chuyển đổi 2-3 hecta trước. Điều quan trọng hơn hẳn đó là nhận thức của người dân về việc bảo vệ, phát triển rừng thay đổi”, ông Nhân cho hay

Theo Chi cục Kiểm lâm thành phố Đà Nẵng, tính đến nay đã có hơn 423 hecta rừng gỗ lớn được người dân và tổ chức đăng ký trồng mới hoặc chuyển đổi. Ông Quách Hữu Sơn, Phó Chi Cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm thành phố Đà Nẵng cho biết, hiện nay, nhiều hộ dân ủng hộ về chương trình trồng rừng gỗ lớn.

Đến nay đã có hơn 423 hecta rừng gỗ lớn được người dân và tổ chức đăng ký trồng mới hoặc chuyển đổi. Ảnh: Lan Anh.

Đến nay đã có hơn 423 hecta rừng gỗ lớn được người dân và tổ chức đăng ký trồng mới hoặc chuyển đổi. Ảnh: Lan Anh.

"Theo Nghị quyết 254, chúng tôi đang tiếp tục tuyên truyền, tham mưu cho UBND thành phố trình Hội đồng UBND thành phố theo trình tự quy định, có những gói tiền được chi trả nhanh hơn, rút ngắn các thủ tục góp phần dịch chuyển qua trồng cây bản địa tạo độ phát triển của rừng bền vững", ông Sơn khẳng định. 

Trên những mảnh rừng đang hồi sinh ở Hòa Phú, Hòa Bắc, từng chồi non sao đen, lát hoa, sưa đỏ đang kiên cường vươn lên trong nắng gió. Đó không chỉ là những cây gỗ, mà là lời hứa của người trồng rừng hôm nay gửi gắm cho mai sau – rằng rừng sẽ xanh trở lại, rừng sẽ là nơi khởi đầu của hy vọng.

Xem thêm
Đại lý thức ăn chăn nuôi tại Chương Mỹ giúp nông dân phát triển kinh tế

Mô hình đại lý thức ăn chăn nuôi tại Chương Mỹ giúp nông dân phát triển kinh tế bền vững, gắn kết doanh nghiệp và người chăn nuôi.

Người đàn ông tử vong sau hai lần bị chó cắn

BÀ RỊA - VŨNG TÀU Một người đàn ông 48 tuổi ở thành phố Phú Mỹ tử vong với các dấu hiệu nghi mắc bệnh dại, sau hai lần bị chó cắn nhưng không tiêm phòng.

Hành trình từ 8/5/1946 của ngành Trồng trọt

Ngành Trồng trọt đã có những đóng góp xuất sắc vào kỷ nguyên giải phóng (1946 – 1975), kỷ nguyên đổi mới (1976 – 2025).

Hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ canh tác sầu riêng

ĐẮK LẮK Chiều 12/5, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên và Hiệp hội sầu riêng Đắk Lắk ký hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ trong canh tác sầu riêng.

Tối ưu vận hành liên hồ chứa bằng công nghệ và dữ liệu

Khi tài nguyên nước trở nên khan hiếm và biến động khó lường, ngành thủy lợi chủ động tái cấu trúc cách thức quản lý dựa trên nền tảng công nghệ và dữ liệu.

Nhàn nhã nhờ thiết bị bay không người lái

HÀ TĨNH Ứng dụng thiết bị bay không người lái vào sản xuất nông nghiệp không chỉ giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế mà còn bảo vệ sức khỏe và môi trường.

Truy vết từng tàu cá vi phạm

Từ đợt Đoàn Thanh tra EC kiểm tra lần thứ 4 (tháng 10/2023) đến nay, cả hệ thống chính trị Bình Định không ngừng thực hiện các biện pháp cấp bách chống khai thác IUU…