Vì sao IUU là mối lo toàn cầu cho ngành thủy sản?
Theo báo cáo "Đánh giá và kiểm soát rủi ro khai thác hải sản IUU trong ngành bảo hiểm hàng hải" của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và tổ chức Oceana cho biết, khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) từ lâu đã là vấn đề nhức nhối mang tính toàn cầu, gây tổn thất ước tính từ 10 đến 23,5 tỷ USD mỗi năm.

Công nghệ số đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống khai thác hải sản IUU toàn cầu. Ảnh minh họa.
Trong nỗ lực ứng phó với thực trạng này, nhiều quốc gia đã chủ động triển khai các công nghệ hiện đại nhằm giám sát, phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm. Những kinh nghiệm tiên phong cho thấy công nghệ không chỉ giúp bảo vệ nguồn lợi biển một cách hiệu quả mà còn là yếu tố sống còn trong việc duy trì vị thế thương mại của thủy sản trên thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, với nhiều nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, quá trình tiếp cận và áp dụng công nghệ vẫn còn ở giai đoạn thử nghiệm, đòi hỏi nỗ lực đầu tư mạnh mẽ và có chiến lược bài bản hơn.
Công nghệ hiện đại đang giúp giám sát và chống vi phạm IUU
Báo cáo này đồng thời cho biết, một trong những công cụ tiên tiến đang được sử dụng rộng rãi là nền tảng Global Fishing Watch (GFW) - kết quả hợp tác giữa Google, SkyTruth và Oceana. Hệ thống này sử dụng dữ liệu vệ tinh kết hợp trí tuệ nhân tạo (AI) để giám sát hoạt động của tàu cá toàn cầu.
Thông qua tín hiệu AIS cùng ảnh vệ tinh, AI có thể phát hiện những hành vi đáng ngờ như tắt thiết bị định vị, xâm nhập vùng đánh bắt cấm hay di chuyển bất thường. Nhờ đó, công nghệ này đã góp phần phát hiện sớm nhiều vụ vi phạm IUU tại các quốc gia Nam Mỹ và châu Á, đồng thời giúp giảm thiểu sự lệ thuộc vào hình thức kiểm tra thủ công truyền thống.
Qua báo cáo "Hợp tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp giữa DIU, GFW và Tuần duyên Mỹ", Đơn vị Đổi mới Quốc phòng (DIU) cũng cho rằng tại Mỹ, nền tảng SeaVision đang áp dụng công nghệ học máy để phân tích hành vi từ dữ liệu AIS, nhằm xác định các dấu hiệu đáng ngờ như giả mạo số hiệu, đổi tên tàu hay khai báo sai cảng.
Nhờ khả năng tự động “gắn cờ” những tàu có nguy cơ vi phạm, hệ thống hỗ trợ lực lượng chức năng tập trung kiểm tra đúng đối tượng, tối ưu hóa nguồn lực và nâng cao hiệu quả giám sát.

Hình ảnh này minh họa giao diện của SeaVision, một công cụ nhận thức tình huống hàng hải do Hải quân Hoa Kỳ phát triển, cho phép theo dõi và phân tích dữ liệu AIS để phát hiện các hoạt động đáng ngờ của tàu thuyền. Ảnh: Global Fishing Watch (GFW).
Trong khi đó, Dự án Smartchain do SINTEF Ocean (một viện nghiên cứu và đổi mới công nghệ tập trung vào không gian biển cho các ngành công nghiệp quốc gia và quốc tế), thực hiện, thông tin các quốc gia Bắc Âu như Iceland và Đan Mạch đang dẫn đầu trong việc ứng dụng công nghệ blockchain vào chuỗi cung ứng thủy sản.
Toàn bộ thông tin liên quan đến tàu đánh bắt, thời gian và vị trí đánh bắt, cảng cập bến, lô hàng… đều được lưu trữ vĩnh viễn, không thể chỉnh sửa, tạo ra một chuẩn mới về truy xuất nguồn gốc minh bạch và tăng độ tin cậy với người tiêu dùng cũng như nhà nhập khẩu quốc tế.
SINTEF Ocean cho biết một số quốc gia như Croatia còn tích hợp trí tuệ nhân tạo vào hệ thống camera giám sát tại các cảng cá, cho phép ghi nhận tự động về sản lượng, chủng loại hải sản và thời điểm tàu cập bến.
AI sẽ đối chiếu các dữ liệu thực tế này với báo cáo của chủ tàu, từ đó kịp thời phát hiện các sai lệch trong khai báo. Không chỉ dừng ở đó, những nước như Úc, Chile và Mỹ đã đi trước một bước khi ứng dụng phân tích dữ liệu lớn (big data) kết hợp bản đồ rủi ro theo thời gian thực để cảnh báo sớm nguy cơ vi phạm IUU.
Hệ thống này thu thập và phân tích đồng thời dữ liệu vệ tinh, thời tiết, mùa vụ, lịch sử hoạt động tàu cá… nhằm cung cấp thông tin chính xác cho lực lượng kiểm ngư trên biển.
Báo cáo này cũng cho thấy một sáng kiến đáng chú ý, hệ thống chia sẻ thông tin liên vùng như Fish-i Africa là mạng lưới liên kết giữa nhiều quốc gia Đông Phi nhằm theo dõi tàu vi phạm, ngư dân và cảng cá.
Hệ thống này đặc biệt hiệu quả trong việc nhận diện và ngăn chặn các tàu “ma” thường xuyên thay đổi khu vực hoạt động để tránh bị phát hiện. Trên phạm vi toàn cầu, các tổ chức như INTERPOL và IMCS Network cũng đang vận hành cơ sở dữ liệu chung nhằm đồng bộ hóa danh sách đen các tàu vi phạm IUU, tạo điều kiện để các quốc gia phối hợp kiểm tra chéo và xử lý nhanh chóng.
Điều quan trọng để một quốc gia bắt kịp cuộc đua công nghệ chống IUU
Không chỉ chịu sức ép từ phía các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp và nhà bán lẻ lớn tại châu Âu, Bắc Mỹ như Costco, Carrefour, Walmart cũng đang yêu cầu nhà cung cấp hải sản phải đảm bảo truy xuất nguồn gốc điện tử và không liên quan đến IUU.
Đây chính là động lực mạnh mẽ buộc các quốc gia xuất khẩu phải đầu tư công nghệ nếu muốn tiếp tục giữ vững thị phần tại các thị trường cao cấp, vốn ngày càng khắt khe về tiêu chuẩn minh bạch và bền vững.

Các quốc gia chống IUU hiệu quả đều có điểm chung là chuyển từ xử phạt hành chính sang đầu tư vào giám sát thông minh, cảnh báo sớm và hỗ trợ khai thác bền vững. Ảnh: Minh Trang (Báo Chính phủ).
Điều quan trọng là các quốc gia chống IUU hiệu quả đều có điểm chung là chuyển đổi tư duy quản trị: từ cơ chế xử phạt hành chính sang đầu tư vào hệ thống cảnh báo sớm, giám sát thông minh và hỗ trợ ngành khai thác chuyển đổi theo hướng bền vững.
Công nghệ trong trường hợp này không còn đơn thuần là công cụ kiểm soát mà trở thành nền tảng giúp điều tiết, minh bạch hóa ngành thủy sản và đảm bảo cạnh tranh công bằng trong thương mại quốc tế - Viện SINTEF Ocean cho biết thêm.
Rõ ràng, cuộc chiến chống khai thác IUU ngày nay không còn là cuộc rượt đuổi đơn thuần giữa lực lượng kiểm ngư và các tàu cá vi phạm, mà đã chuyển hóa thành một cuộc cạnh tranh về năng lực công nghệ và mức độ minh bạch.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa chuỗi cung ứng và siết chặt các quy định thương mại, việc đầu tư vào các giải pháp công nghệ hiện đại như vệ tinh, trí tuệ nhân tạo, blockchain hay dữ liệu lớn đã trở thành điều kiện tiên quyết để ngành thủy sản có thể hội nhập bền vững, có trách nhiệm và có tiếng nói trong các cuộc thương thuyết quốc tế. Với Việt Nam, bài toán hiện nay không chỉ là “theo kịp” xu thế, mà phải là “đồng hành” và “định hình” cách tiếp cận mới nhằm chủ động hội nhập và phát triển lâu dài.